Con người tài hoa, phong trần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phạm thái từ truyện thơ sơ kính tân trang đến tiểu thuyết tiêu sơn tráng sĩ của khái hưng (Trang 57 - 61)

7. Đóng góp của luận văn

2.2.2. Con người tài hoa, phong trần

Trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, Phạm Thái là một gương mặt tài tử tiêu biểu và đặc sắc. Trong thơ văn của mình, Phạm Thái đã tự họa những nhân vật tài tử với ý thức cá nhân sâu sắc.

Phạm Kim trong Sơ kính tân trang ngay từ nguồn gốc xuất thân đã khác thường. Theo lời báo mộng của Quỳnh Thư, Phạm Kim chính là Thái Bạch Kim Tinh đầu thai xuống trần gian:

Xuân huyên chàng trước muộn mằn, Đã bàn cúng Phật, lại bàn nhương tinh.

Cửu trùng cảm đến lòng thành, Sai Kim tinh xuống thác sinh cõi trần. Chàng nay Thái bạch kim thân, Ắt duyên ngư thủy, long vân gặp thì.

Khi trưởng thành Phạm Kim trở thành một chàng trai không chỉ có tướng mạo đẹp đẽ khác người (Có chiều tuấn dật, có đồng thanh cao - Xem chiều mĩ khổ mận đào) mà còn có tài năng xuất chúng. Yến Đồng, người hầu của chàng đã hết lời ca ngợi:

Yến rằng: “Ông bậc thanh xuân, Tuổi vừa đôi tám, Kinh Phần uyên vi.

Từ chương, phú lục, văn thi, Cung, đao, kiếm, mã mọi bề lưu thông.

Thú chơi tài tử lọt vòng, Vang đàn thi bá, nổi vùng cầm tiêu.

Tiêu hay múa phượng, địch thiêng gáy hoàng. Nghề thuật số vốn tinh tường,

Gồm bên Tiên, Thích, đủ đường Lý, Y.”

Quan đoạn thơ trên, ta thấy Phạm Kim là người văn võ song toàn. Thú vui nào của người tài tử (đàn, cờ, rượu, thơ) Phạm Kim cũng nổi tiếng, cũng đứng đầu. Phạm Kim uống rượu thì thuộc hàng thánh tửu như Lưu Linh, Lí Bạch; làm thơ thì “vang đàn thi bá” chẳng kém gì Lí Bạch, Đỗ Phủ; đánh đàn, thổi tiêu thì như Tiêu Sử, Lộng Ngọc. Đã thế lại còn biết cả phép tu tiên, xem số của Đạo giáo và Phật giáo, tinh thông cả nghề phong thuỷ và nghề làm thuốc. Quả là, trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này, chưa có một nhân vật nào “toàn tài toàn bích” đến vậy!

Người tài tử thì thường thị tài và có thú vui hành lạc. Nhân vật tài tử trong thơ văn Phạm Thái cũng có thú hành lạc như chuộng cầm, kì, thi, họa; với bình rượu túi thơ ngao du sơn thủy. Nhưng ở Phạm Thái thì mức độ hơn hẳn những tác giả khác. Theo bước chân của chàng lãng khách Phạm Kim, người đọc được chiêm ngưỡng biết bao cảnh thú thiên nhiên tươi đẹp mọi miền đất nước: Từ vùng đất Ninh Bình với núi Dục Thúy, dòng sông Đáy, Bích Động đến vùng Kiến An - Hải Phòng, chùa Phật Tích (Hà Tây cũ), vùng đất quan họ Bắc Ninh, rồi lại ngược lên đền Hùng (Phú Thọ) và đỉnh thiêng Yên Tử (Quảng Ninh)… nơi nào cũng mang lại cảm xúc rạo rực, đắm say cho lãng khách. Cứ mỗi khi đến một nơi nào đẹp đẽ gợi hứng thú Phạm Kim lại dừng chân thưởng ngoạn với thái độ rất nhàn tản, ung dung, phóng khoáng:

Trải xem khắp hết non sông, Đến đâu cảnh trí, ấy vùng phong lưu.

Cầm vui thú, họa say mầu, Mười bài thơ Lã, một bầu rượu Tô

Trong suốt hành trình lãng du ấy, Phạm Kim mặc dù đi qua rất nhiều nơi, cả bằng đường bộ lẫn đường thủy:

Thôi đường bộ, lại ra khơi,

Lá buồm hây hẩy gió hòa, Vân hà bảng lảng, thủy ba chờn vờn.

Tuy nhiên, nhà thơ ít tả cảnh đồng bằng mà hứng thú nhiều hơn với cảnh núi cao, biển rộng. Dường như những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ ấy mới đủ cho nhà thơ nói hết cái hùng tâm tráng chí của trượng phu và tâm hồn khoáng đạt bay bổng của một thi nhân. Ta hãy xem nhà thơ phác họa cảnh đền Hùng:

Lên Hùng Vương rất non cao,

Mấy đường ngóc ngách, mấy cầu chông chênh.

Những đỉnh non chót vót, những nẻo đường đi lối lại khuất khúc, hiểm trở đã tạo nên cái hùng khí của nơi đền thờ tổ.

Và đây là đỉnh thiêng Yên Tử:

Vào Yên Tử rất non cùng,

Đàn xô suối nước, phách giong cây rừng. Mây giăng thượng điện ngất chừng, Cây lồng tán rợp, hoa lừng hương xông.

Cảnh chùa Kim Sơn, nơi Phạm Kim khoác áo cà sa tu hành được tác giả tái hiện lại đẹp như một bức danh họa:

Kim Sơn phong cảnh đâu bằng Hoa đưa chén cúc, hương lồng án thung.

Mành liễu rủ, tán dương tùng, Trúc khua phách đá, lan lồng áo tiêu.

Đèn trăng tỏ đóa hoa đào, Cửa hang gió thổi, tiếng điêu dập dìu.

Tuy vậy, Phạm Thái không chỉ say mê ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên thuần túy mà còn gián tiếp dùng bức tranh thiên nhiên để thể hiện thái độ về cuộc sống của con người. Hơn một lần ông đã khoác áo nhà sư và rất nhiều lần ông lấy nhà chùa làm nơi qua lại nên ông đã chứng kiến và cực kì căm ghét sự sa đoạ của sư tăng:

Sài sơn tựa áng phồn hoa,

Ra vào tiểu gái lẳng lơ,

Long lanh mắt biếc, say sưa miệng cười.

Đó là những sư tăng mượn cửa chùa làm chuyện trăng hoa, ong bướm, khiến chốn thiền môn thanh cao thành ô uế.

Qua cuộc đối đáp giữa Mỵ Oanh và Nhạn đồng, nhà thơ phê phán bọn tiểu tăng, sư sãi để cảnh chùa chiền nhếch nhác:

Chùa thấp ụp, bụt đen sì, Tiểu phềnh bụng gạo, sư bì da rau.

Mấy người sãi, vãi xấu mầu, Má đen chó đá, mắt sâu sấu sành.

Những tuồng nết quỷ dạ tinh, Miệng tuy bồ tát mà tình dạ xoa.

Phật về Tây Trúc ru mà,

Để cho những giống yêu ma quấy chùa.

Nhà thơ cũng phê phán cả những nho sinh tự nhận mình là văn nhân nhưng không biết tôn trọng cảnh chùa, làm hoen ố chốn tu hành:

Người xưng chữ thánh, thơ tiên, Thơ rông chó chạy, chữ nhem cua bò.

Vách vôi đen nhẻm như tro, Chổi cùn biết mấy, rơm vò biết bao?

Bên cạnh thú ngao du sơn thủy như một lãng khách, Phạm Thái còn có thú uống rượu. Với ông, uống rượu thậm chí còn được nâng lên thành một triết lí nhân sinh. Trong văn học sau này các nhà thơ cũng nhắc tới thú uống rượu: Nguyễn Khuyến uống rượu trong nhiều cảnh huống, Hồ Xuân Hương uống rượu để giải sầu (Tự tình II), Nguyễn Du uống rượu để làm hồng khuôn mặt (Tạp ngâm II)… Nhưng có lẽ chưa ai tự khắc họa mình là kẻ say suốt ngày, say đến mức thành biệt hiệu (Chiêu Lỳ) như Phạm Thái. Ở cả hai bài Tự thuật ông đều nhắc đến trạng thái ấy:

- Bầu dốc kiền khôn, giọng bét be.

- Vài nai rượu kếch nốc tỳ tỳ

(Tự thuật II)

Ông từng có bài thơ yết hậu về rượu để xoá nhoè đi tất, để ngự lên hiện thực mà ngạo chơi.

Sống ở dương gian đánh chén nhè Chết xuống âm phủ cặp kè ke Diêm Vương phán hỏi rằng chi đó … be …

Trong Sơ kính tân trang, Phạm Kim sau khi sự nghiệp cần vương của cha thất bại, chàng tìm đến bầu rượu, túi thơ để tiêu dao ngày tháng:

Sắm sanh thơ, rượu, cờ, đàn

Lanh trai thằng trẻ, nhẹ nhàng gánh thanh.

Trên bước đường ngao du khắp chốn, đến đâu có cảnh đẹp Phạm Kim cũng dừng chân ngâm vịnh thơ ca và uống rượu:

Cầm vui thú, họa say mầu, Mười bài thơ Lã, một bầu rượu Tô.

Có thể nói, đi đâu Phạm Thái cũng có bầu rượu, be rượu bên mình. Khi đến chùa Tiêu Sơn trú ngụ, gặp được cao tăng đang giảng đạo, ông cũng: “khề khà say thú một bầu ngon” (Đề chùa Tiêu Sơn).

Như vậy, hình ảnh con người trong thơ văn Phạm Thái với bầu rượu túi thơ và thú vui ngao du sơn thủy tưởng có thể lẫn trong những con người hành lạc đương thời nhưng kì thực rất cá biệt ở sự đa tài, mức độ và cá tính khác người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phạm thái từ truyện thơ sơ kính tân trang đến tiểu thuyết tiêu sơn tráng sĩ của khái hưng (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)