Cảm xúc trong tình yêu nam nữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phạm thái từ truyện thơ sơ kính tân trang đến tiểu thuyết tiêu sơn tráng sĩ của khái hưng (Trang 47 - 57)

7. Đóng góp của luận văn

2.2.1. Cảm xúc trong tình yêu nam nữ

Sơ kính tân trang được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật trong cuộc đời Phạm Thái. Đó là mối tình say đắm mà cũng đầy bi kịch giữa tác giả và Trương Quỳnh Như. Có thể nói Sơ kính tân trang cùng với một số tác phẩm khác như Văn tế Trương Quỳnh Như, Văn triệu linh Trương Quỳnh Như chính là những trang tự bạch, những hàng tình lệ - như ông đã gọi về mối tình vừa lãng mạn vừa cay đắng của bản thân.

2.2.1.1. Khát vọng một tình yêu ngoài lễ giáo

Một trong những đề tài lớn của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX là đề tài tình yêu phóng túng, vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Thực ra không phải đến giai đoạn này thơ văn mới đề cập đến vấn đề tình yêu tự do. Từ thế kỉ XVI, trong Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ cũng đã đề cập đến vấn đề này nhưng nó chưa được đề cập một cách

1 Khái niệm “tự nhiên” ở đây được dùng theo nghĩa đối lập với “bổn phận”; nghĩa là phần con người nằm ngoài ước thúc của lễ giáo.

công khai, trực tiếp mà phải giấu mình trong những chuyện thần tiên, ma quái. Con người yêu nhau là do bị yêu ma mê hoặc. Đến giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII, con người đã làm chủ ý thức của mình, mãnh lực thu hút họ chính là cảm xúc yêu đương say đắm. Nói cách khác, đến giai đoạn này, trái tim yêu của con người lần đầu tiên được rung lên những nhịp đập của nó! Và, trong cuộc đấu tranh cho tự do yêu đương ấy, Phạm Thái có mặt trong số những người đi đầu.

Có thể nói rằng trong lịch sử văn học giai đoạn trước, chưa có tác phẩm nào đề cập đến vấn đề tình yêu một cách cởi mở, thẳng thắn như trong Sơ kính tân trang. Ở tác phẩm này, trai gái đến với tình yêu một cách tự do, không sợ sệt không tính toán. Không theo sự xếp đặt của lễ giáo “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, các nhân vật trong Sơ kính tân trang đã hoàn toàn chủ động đến với tình yêu. Nhân vật Phạm Kim, mặc dù đã được cha mẹ hứa hôn với con gái nhà Trương công nhưng gặp Quỳnh Thư, chàng đem lòng yêu say đắm. Như vậy, Phạm Kim đã công nhiên đi ngược lại truyền thống hôn nhân.

Câu chuyện về tình yêu của Phạm Kim và Quỳnh Thư bắt đầu như một sự tình cờ. Đó là một buổi sớm mai tuyệt đẹp, trời đất như làm say lòng người, Hồng Nương - cô hầu nhỏ của cô chủ Quỳnh Thư (con gái một ông quan họ Trương nhà ở gần đấy) đi ngang qua, thấy vườn hoa cây cảnh rạng rỡ thanh quang thì lạc bước vào xem. Cậu tiểu đồng là Yến Tử chăm sóc vườn cây bắt gặp, hỏi nguyên cớ thì Hồng Nương nói thấy hoa đẹp muốn ngắt vài cành kết mảng cho cô chủ của mình. Nàng xin lỗi ra về, hứa “Lấy hoa ắt sẽ có ngày trả hoa”, Yến Tử không chịu, bắt Hồng vào gặp cậu chủ. Phạm Kim hỏi han rồi bảo: “Hoa thơm ai chả não nùng muốn đeo”, tiếc gì mấy cánh hồng tàn “Mà con lỡ khách hồng nhan làm gì”, rồi cho Hồng Nương về. Sau đó, Yến Đồng thuyết phục Hồng Nương cho mình được vào tận đài trang chiêm ngưỡng dung nhan cô chủ. Trở về, cậu kể lại tường tận gia cảnh và ấn tượng về cô chủ Quỳnh Thư cho Phạm Kim nghe:

Xuân hoa bậc ấy đang vừa, Tuổi vừa đôi bảy, phong tư lạ lùng,

Lam pha mày liễu, mỡ đông da ngà. Chiều cá nhảy vẻ nhạn sa, Mắt long lanh nguyệt, tóc rà rà mây.

Má hồng môi thắm hây hây,

Khổ mê thược dược, thức say hải đường. Chiều sánh ngọc, vẻ so vàng, Ôi hoa vì sắc, ủ hương vì mầu.

Thị thành đã mấy ai đâu, Nguyệt vi kém giá, xuân lâu ít làn…

Mới nghe lời kể của Yến Đồng, Phạm Kim đã đem lòng yêu mến rồi chàng viết liền cho nàng ba bức thư bày tỏ tình cảm yêu đương trong lòng mình.

Không chỉ có Phạm Thái mà cả Quỳnh Thư cũng có khát vọng tình yêu thật mãnh liệt. Trong xã hội phong kiến, ngay cả đến người có địa vị cao sang như công chúa cũng không thể vượt quyền cha mẹ mà “nhận lời”, “thề nguyền” hay lấy người mình yêu thương. Thế mà Quỳnh Thư mới chỉ đón nhận tình cảm của Phạm Thái qua những bức thư và lời kể lại của Hồng Nương nhưng đã quyết định “Người phong lưu phải phong lưu đãi người”. Thật khó có thể tưởng tượng được một cô gái sống trong gia đình quyền quý, trong một xã hội phong kiến lễ giáo nghiêm ngặt, đầy những hủ tục trói buộc mà lại dám lên tiếng bày tỏ quan niệm tình yêu phóng khoáng như thế! Nó khác hoàn toàn quan niệm “Nặng tình đâu dám nhẹ lời song thân” trong Hoa tiên, hay “làm con đâu dám cãi cha” trong Lục Vân Tiên. Nếu như người đọc ca ngợi hành động “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Thúy Kiều như là một bước đột phá của quan niệm yêu đương phong kiến thì càng ngỡ ngàng hơn khi trước Thúy Kiều, Quỳnh Thư đã có hành động táo bạo hơn:

Canh ba vang tiếng kim trang, Thác rèm hoa thấy một nàng tiên nga.

Chiều ủ liễu, vẻ ôi hoa,

Ngọc ngần môi thắm, châu sa má đào. Nhác xem, chàng ngỡ chiêm bao,

Dẫu người sắt cũng lệ trào, lọ ai?

Người con gái này thật mạnh mẽ, quyết liệt: giữa đêm trường (canh ba) nàng đến nhà người yêu, đến tận lúc: “Chuyện thôi hồi trống giục canh - Tạ chàng nàng mới sắm sanh ra về”. Tuy nhiên, khác với Thúy Kiều đến tìm Kim Trọng là để có những phút giây hạnh phúc “vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa”, Quỳnh Thư đến gặp Phạm Kim là để nhìn chàng lần cuối bởi trong lòng đã sẵn một quyết định quyên sinh. Khi không thể thực hiện trọn lời hẹn ước, Quỳnh Thư đã chọn cái chết để bảo vệ mối tình của mình. Mối tình bắt đầu tự nhiên và say đắm, kết thúc trong nước mắt đau thương như thế đã để lại thật nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Trong cuộc tình thứ hai giữa Phạm Kim và Thụy Châu, dù Thụy Châu và Phạm Kim là những người đã được cha mẹ hứa hôn từ trước nhưng cặp tài tử giai nhân đến với nhau cũng không phải vì cha mẹ sắp đặt. Họ gặp gỡ, yêu nhau ngay từ khi còn chưa biết gì về thân thế của nhau. Khi ấy Phạm Kim đang khoác áo tu hành ở chốn Kim Sơn, Thụy Châu giả trai đi ngao du sơn thủy. Tại nơi thiên nhiên phóng khoáng và trữ tình ấy, sư tăng đã gặp đạo sĩ, họ cùng nhau ngâm vịnh thơ ca. Thơ ca đã nói hộ hai người những điều kì diệu nhất của con tim. Chính vì vậy, mặc dù Thụy Châu vẫn đang giả dạng nam nhi, Phạm Kim đã linh cảm được:

Ta xem người ấy mỹ miều, Vả đường ăn ở ra chiều nữ nhân.

Chữ thơ đượm vẻ thanh tân,

Giọng thơ mầu ngả đượm phần hương hoa.

Thế là từ đó chàng luôn mơ tưởng đến nàng chẳng còn thiết gì đến tu hành nữa, cởi bỏ áo cà sa chàng lại ra đi. Nghe tiếng Trương công trong vùng chàng bèn đến tỏ lòng ngưỡng mộ và xin lưu trú tại dinh thự của ngài để thụ giáo rồi nhờ tiếng đàn, Phạm Kim và Thụy Châu nhận ra nhau. Đôi bên giở kỷ vật cũ là gương lược ra so thì thật mừng rỡ vì họ chính là lương duyên của cha mẹ hai bên, Thụy Châu chính là Quỳnh Thư tái thế. Thụy Châu lại khơi dậy tình yêu tưởng chừng đã tắt trong chàng Phạm Kim.

Khát vọng về một tình yêu tự do của tuổi trẻ không chỉ có ở những giai nhân tài tử như Phạm Kim, Quỳnh Thư, Thụy Châu mà còn có ở cả những người ở tầng lớp dưới. Đó là những người hầu như Hồng Nương, Yến Đồng, My Oanh, Nhạn Đồng. Với vai trò dẫn mối xe duyên cho chủ, họ đã thể hiện được quan điểm về tình yêu tự do, đồng cảm, cổ vũ cho mối tình của cô, cậu chủ. Và, tình yêu giữa họ cũng nảy sinh một cách tự nhiên, trong sáng như mối tình của chủ nhân mình vậy! Yến Đồng ngẫu nhiên bắt gặp Hồng Nương vào vườn mình bẻ hoa mẫu đơn, không hề trách phạt mà nhẹ nhàng nhắc nhở: hãy quý những đóa hoa, đừng để cho huệ oán, lan tu, sen thảm, cúc hờn thì buồn biết bao nhiêu! Đáp lại, nàng Hồng Nương biện bạch là chỉ vì “mến cảnh tình thơm”, “lấy hoa ắt cũng có ngày trả hoa”. Thật là ý nhị mà không kém phần táo bạo. Rõ ràng, với Phạm Thái, tình yêu không chỉ dành riêng cho tài tử, giai nhân.

Có thể nói, Sơ kính tân trang là bài ca về tình yêu tự do, trong sáng. Ở đó, các nhân vật chính đều là những người trẻ tuổi, có quan niệm phóng túng, có khát vọng yêu đương mãnh liệt và sẵn sàng hi sinh tất cả vì tình yêu. Những mối tình trong tác phẩm không có sự phân biệt sang hèn. Tình yêu giữa họ đã vượt ra ngoài lễ giáo khắt khe.

2.2.1.2. Cảm xúc tình yêu nồng nàn, tha thiết

Gặp và yêu Trương Quỳnh Như, với Phạm Thái là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời, nhà thơ bước vào một mối tình với cảm xúc thật mãnh liệt. Điều đó được gửi gắm vào Sơ kính tân trang qua mối tình của Phạm Kim với Quỳnh Thư và Phạm Kim với Thụy Châu sau này.

Phạm Kim dù chưa gặp mặt Quỳnh Thư, mới chỉ qua lời ca ngợi của Yến Đồng (Má hồng môi thắm hây hây - Khổ mê thược dược, thức say hải đường) đã cảm thấy xốn xang, rung động. Ngay lập tức Phạm Kim đã đánh thư sang cho Quỳnh Thư với lời lẽ bay bổng du dương mà tha thiết:

Oanh yến véo von gọi khách, Cỏ hoa hớn hở mừng ai?

Gió xuân hây hẩy giục đưa người, Dễ khiến lòng thơ bối rối!

Thấp thoáng thoi oanh dệt liễu, Thung thăng phấn bướm giồi mai. Vũ Lăng xa diễn biết bao vời, Khôn hỏi đào Nguyên đâu tá?

Dưới hình thức một bài từ, bức thư thứ nhất này tả cảnh đầy xuân sắc mà tình thì xao xuyến, rạo rực. Các hình ảnh oanh yến, cỏ hoa, gió xuân hây hẩy

đâu chỉ đơn thuần tả cảnh xuân mà rõ ràng là thể hiện mong ước được chung đôi, được hò hẹn.

Đến bức thư thứ hai, Phạm Thái không còn dè dặt mà bày tỏ niềm cảm mến của mình và ngỏ ý đợi chờ người tình qua những lời thơ hết sức thanh nhã:

Câu hảo cầu đợi người thục nữ, Năm mây phong đôi chữ đồng tâm.

Đón xuân nhắn với tri âm,

Tính tình xin tỏ tiếng cầm này cho.

Đến bức thư thứ ba, chàng thú thực cảm xúc mãnh liệt trong lòng:

Lửa ân dập mãi sao không tắt? Bể ái khơi mà cũng chẳng vơi.

Tình cảm tha thiết của Phạm Kim đã khiến cho Quỳnh Thư ban đầu còn e ngại thôi nghĩ ngợi, lại toan lường đã cởi mở lòng mình:

Im ỉm màn sương đợi khách, Thênh thênh cửa nguyệt chờ ai. Giai nhân tài tử mấy ai người? Chạnh tưởng tâm tình thêm rối.

Cặp uyên ương ấy đã có một thời hạnh phúc đắm say. Niềm vui tràn ngập trong thơ họ:

- Xuân năm ngoái vui lắm, Xuân nay lại vui ghê.

Muốn xuân mãi để nhởn nhơ ngày tháng bụt.

- Má phấn say xuân hây ửng đỏ, Thơ tình thiếu rượu rối vân vương.

Tìm vần trong rượu vần không thấy. Chỉ thấy xuân đầy vẻ diễm quang

Họ cũng có những ngày xa thì nhớ gần thì thương. Hãy xem khi phải xa nhau, người con gái đã gửi trọn tâm tình và tấm lòng chung thủy của mình trong những dòng tiễn biệt:

Hương lửa tình này dễ nói năng,

Chẳng hay lòng khách thấu cùng chăng? Vườn đào sực thấy oanh đưa tín,

Dặm liễu đàn xui yến cách chừng. Vàng đá nên chăng cùng một ước, Nước non thề đã có đôi vừng. Lời này dặn với tri âm nhẽ,

Chớ phụ cầm treo đợi dưới trăng.

Nàng Quỳnh Thư trong truyện đằm thắm thủy chung, sâu sắc và chân thành. Nàng Quỳnh Như ngoài đời cũng thật mạnh mẽ và thắm thiết: nàng thổ lộ vì nhớ người yêu mà nàng ngày quên ăn, đêm quên ngủ, sao nhãng tất cả mọi việc: bỏ cả trang điểm, lười nhác không buồn tiếp khách… Một ngày có mười hai giờ thì cả mười hai giờ nàng chỉ tương tư tưởng nhớ người yêu. Đó là nguyên nhân khiến nàng cầm bút viết mười hai bài thơ Nôm thất ngôn bát cú miêu tả nỗi lòng của người con gái đang rạo rực yêu đương. Đóng góp của cây bút nữ này là ở chỗ, cùng với Hồ Xuân Hương, lần đầu tiên trong lịch sử văn học viết dân tộc, Quỳnh Như đã dám viết thẳng tình yêu của mình ra giấy mực, công khai nỗi sầu tương tư, thổ lộ rất thật nỗi lòng lúc nào cũng như trận hỏa thang nồng (ruột nóng như lửa đốt) của mình. Với mười hai bài thơ, người đọc thấy được tài hoa của tác giả ở chỗ, đã diễn đạt rất xuất sắc những xung đột nội tâm, những tâm trạng phức tạp của một người con gái đang yêu và linh cảm về sự mong manh của tình yêu. Đó là những diễn biến tâm lý rất đời thường của con người trong tâm trạng yêu đương, phức tạp, mâu thuẫn, giằng co day dứt… tưởng như chỉ có thể tìm được trong thơ văn cận hiện đại về sau.

Mối tình đẹp đẽ trôi qua hai thu như thế! Bỗng đâu, tai họa đổ xuống, Quỳnh Thư vì không muốn phản bội lời hẹn ước mà quyên sinh. Phạm Kim đau đớn đến mức mất trí, người nhà chạy chữa đủ đường mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm:

Đàn tiếng ly loan tay ngại gẩy, Lấy ai lần gỡ mối sầu xong? Chàng thêm thắc mắc trong lòng, Đã hoa liễu trận, lại phong sương hồi.

Cơn say tỉnh, lúc đầy vơi,

Đương năn nỉ nguyệt, bỗng cười cợt hoa. Ma từng chữa thuốc từng tra, Thầy non Biển thước, sư già Lão quân.

Bệnh mười chẳng giảm một phân Rè chuông, thưng trống, sai cân, mòn cầu.

Nỗi đau đớn này còn được Phạm Thái thể hiện qua bài Văn tế Trương Quỳnh Như:

Ôi chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã! Những như thân gia này tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho.

Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng mà tình duyên từng nấy, cũng là một chút cương thường!

Dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự!

Là một nhà nho nhưng Phạm Thái lại công khai nói đến hai chữ tình duyên một cách hết sức tự nhiên. Và khi lễ nghĩa Nho giáo quy ước nam nữ thụ thụ bất thân thì Phạm Thái cùng Quỳnh Như công nhiên bước qua rào cản nặng nề đó để đến với nhau. Phạm Thái còn cho rằng ông sống với người yêu như vậy là theo lẽ cương thường hợp đạo lí. Càng táo bạo hơn khi Phạm Thái thốt lên rằng: Dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự! Nỗi luyến tiếc, tâm sự nức nở ấy xuất phát từ một trái tim cuồng nhiệt yêu đương.

Thực ra, chuyện tan vỡ tình duyên của lứa đôi trong xã hội xưa không phải là cá biệt. Khi xã hội còn có quá nhiều lề luật khắt khe và ngang trái, nhất là trong thời loạn lạc một phen thay đổi sơn hà thì tình yêu nam nữ càng mong manh hơn gấp bội phần. Tuy nhiên, trong Sơ kính tân trang dường như Phạm Thái không cam chịu ngậm hờn nuốt tủi. Ông đã sáng tạo ra một câu chuyện tái thế tương phùng để thể hiện trọn vẹn giấc mộng ái ân của mình. Và câu chuyện tình giữa Thụy Châu, hiện thân của Quỳnh Thư và Phạm Kim lại một lần nữa ngân lên như một điệu đàn du dương tươi trẻ làm xao xuyến lòng người giữa cảnh sắc thiên nhiên nơi chùa Kim Sơn thơ mộng. Đạo sĩ và thiền sư đàm đạo, xướng họa văn thơ, chẳng ai chịu thua ai, khác nào một đôi tri kỷ. Chia tay rồi nhưng linh tính mách bảo Phạm Kim người đạo sĩ kia là con gái, chàng thổ lộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phạm thái từ truyện thơ sơ kính tân trang đến tiểu thuyết tiêu sơn tráng sĩ của khái hưng (Trang 47 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)