7. Đóng góp của luận văn
3.1. Thực tại xã hội Việt Nam những năm193 0 1940
Sau gần nửa thế kỉ tiến hành chiến tranh xâm lược, đến những năm đầu của thế kỉ XX, thực dân Pháp đã cơ bản bình định xong Việt Nam và chính thức đặt ách đô hộ lên toàn bộ đất nước ta. Vào những năm 1930 xuất hiện những diễn biến mới cả ở trong và ngoài nước.
Nhiều tổ chức chính trị (chính đảng) ra đời, cạnh tranh vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1930, đảng Cộng sản ra đời trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức, thành đại diện cho giai cấp công nông. Nhiều cuộc vận động được tổ chức nhằm chống lại các chính sách cai trị của thực dân Pháp. Từ tháng 2/1930 đến tháng 4/1931 đã có tới 1236 cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân chống đàn áp khủng bố, đòi dân chủ, dân sinh. Riêng ở Nghệ - Tĩnh, từ tháng 2/1930 đến tháng 10/1931 có 439 cuộc đấu tranh của công nông với 337.120 lượt người tham gia. Xô Viết Nghệ Tĩnh là kết quả của sự phát triển tất yếu các phong trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1931. Đây là chính quyền Xô Viết đầu tiên trong lịch sử Đảng ta. Nó chứng tỏ sức ảnh hưởng to lớn của tổ chức này. Mặc dù thực dân Pháp đã đàn áp đẫm máu, sau một thời gian lắng xuống, từ 1932 đến 1934 phong trào lại từng bước được phục hồi và phát triển. Kết quả cuối cùng là cuộc cách mạng tháng Tám thành công vào năm 1945 đã giành chính quyền về tay chính đảng vô sản.
Trước đó, năm 1927, có một tổ chức chính trị khác là Việt Nam Quốc dân đảng ra đời, lấy việc đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc làm mục đích. Đảng quốc dân đã bí mật tổ chức nhiều hoạt động bạo động nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp thẳng tay, tiêu biểu là khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Điểm đặc biệt là Việt Nam Quốc dân đảng ngay từ đầu và trong quá trình hoạt động đã có sự góp mặt của một lực lượng quan trọng là thanh niên trí thức. Nhượng Tống, Phan Khôi, và một số thành viên của Tự lực văn đoàn trong đó có Khái Hưng…
là những ví dụ. Tuy nhiên, sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, lực lượng của Quốc dân đảng bị phân hoá mạnh mẽ. Và đến những năm cuối 1930, đảng chuyển sang hoạt động theo chủ nghĩa Tam dân, với sự hỗ trợ của Quốc dân đảng Trung Hoa. Song, rút cục, Việt Nam Quốc dân đảng đã không có được vai trò như đảng Cộng sản trong sự kiện chính trị 1945 và sau đó.
Một thực tế thứ hai đáng quan tâm ở thời kỳ này là chế độ kiểm duyệt văn hóa của thực dân Pháp. Trước sự ảnh hưởng và khả năng tập hợp quần chúng lớn lao của các chính đảng, thông qua sách báo cổ động, thực dân Pháp đã thi hành chính sách kiểm duyệt gắt gao. Nhà cầm quyền ra lệnh cấm tàng trữ và lưu hành sách báo Cộng sản. Công văn của Sở mật thám năm 1931 ra lệnh cấm đọc và tàng trữ Nhật ký chìm tàu của Nguyễn Ái Quốc vì đó là “một vũ khí lợi hại của cộng sản”. Ngày 2/5/1937, Chánh mật thám Trung Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ công văn mật sau đây: “Trong công văn số 1071 ngày 23 tháng tư vừa rồi, tôi đã đề nghị với quan lớn việc Thượng thư Bộ lại ra lệnh cấm cuốn Văn sĩ và xã hội do tủ sách Tư tưởng mới xuất bản, và do Nguyễn Khoa Văn, lãnh tụ của Đảng Cộng sản miền Trung Kỳ và các bạn của y viết ra nhằm mục đích thay thế các tờ báo quá khích bị cấm. Những cuốn sách đó dùng để tuyên truyền gây loạn sâu vào quần chúng, vì những sách đó do các chính trị phạm được phóng thích”. Dưới công văn kí tên: Sogny. Ngày 7/5/1937, tức là chỉ 5 ngày sau, Thượng thư Bộ lại Thái Văn Toản kí nghị định cấm lưu hành và tàng trữ cuốn sách Văn sĩ và xã hội theo đề nghị của Chánh mật thám Trung Kỳ và ngày 10/5/1937, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuill chuẩn y nghị định trên của Thái Văn Toản1.
Do phong trào đấu tranh của quần chúng trong nước và dư luận tiến bộ Pháp, bọn thực dân ở Đông Dương phải ra lệnh bỏ Ty kiểm duyệt Nam báo ở Trung Bắc Kỳ từ 1/1/1935 nhưng đến 29/8/1939. Khi chiến tranh thế giới thứ hai sắp bùng nổ, thực dân Pháp phải dồn toàn lực lượng cho cuộc chiến đấu chống phát xít Đức ở chính quốc nên chúng đã thi hành chính sách phát xít hóa, khủng bố và kiểm duyệt gắt gao hơn báo chí và các nhà xuất bản, giải tán các hội đồng thuộc địa Nam Kỳ và các viện dân biểu Bắc, Trung Kỳ. Trong tháng
8/1939, các báo Đời Nay, Ngày mới, Người mới, Tiếng nói chúng ta ở Hà Nội bị khám xét. Trong tháng 9/1939, Sài Gòn có 14 tờ báo bị đóng cửa, trong đó có báo Nhân dân, Dân chúng, Lao động do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương. Ở Bắc Kỳ có 1050 vụ khám xét và nhiều nhà báo bị bắt.
Ngoài chính sách kiểm duyệt sách báo tiến bộ, về mặt văn hóa thực dân Pháp cũng thi hành nhiều chính sách mị dân. Toàn quyền Varenne sang Đông Dương tung ra chính sách “Pháp - Việt đề huề” để đánh lừa những người yêu nước nhẹ dạ; chúng đứng sau giật dây hàng loạt các phong trào văn hóa có tính chất cải lương tư sản như phong trào “Âu hóa”, “vui vẻ trẻ trung”; hoạt động của hội Ánh sáng; hội Hướng đạo… và những hoạt động tôn giáo nhằm đánh lạc hướng thanh niên.
Những chính sách đàn áp về chính trị, bóc lột dã man về kinh tế và đầu độc về văn hóa của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật trong mấy chục năm chúng đô hộ nước ta là nhằm mục đích thủ tiêu tinh thần dân tộc và ý thức đấu tranh của nhân dân ta. Nhưng đây lại là giai đoạn tinh thần dân tộc dâng lên rất cao trong đời sống văn hóa Việt Nam. Thời kì này xuất hiện hàng loạt các công trình biên khảo về văn hóa, văn minh, lịch sử dân tộc như: Nho giáo của Trần Trọng Kim, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh… Các công trình này đều tập trung vào các vấn đề văn hóa truyền thống của Việt Nam. Rõ ràng, các trí thức Việt Nam một mặt tiếp nhận những ảnh hưởng tích cực từ Pháp để hiện đại hóa đời sống văn chương, văn hóa nhưng cũng muốn tạo dựng được nét bản sắc riêng của văn hóa dân tộc để không bị đồng hóa với văn hóa Pháp. Các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa đã tìm về những yếu tố văn hóa truyền thống, có tính bản sắc để bảo tồn và phát huy các giá trị ấy trong bối cảnh thời đại mới.
Trên lĩnh vực văn chương, hai hiện tượng lớn nhất của thời kì này là: phong trào Thơ mới và nhóm Tự lực văn đoàn. Hai hiện tượng văn học với một bên là thơ, một bên là văn xuôi đã làm nên diện mạo của nền văn học mới. Điều đó chứng tỏ sức quật khởi lớn lao của nền văn học dân tộc. Trong khuôn khổ đề tài của mình, chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về tổ chức Tự lực văn đoàn bởi vì Khái Hưng là cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn và Tiêu Sơn tráng sĩ là tác
phẩm thể hiện rất rõ khát vọng chính trị của nhà văn trong hoàn cảnh xã hội đương thời.
Tự lực văn đoàn chính thức thành lập vào tháng 3/ 1933, tính từ tuyên bố trên báo Phong hóa số 87. Đây là một tổ chức văn học có tôn chỉ riêng và có đội ngũ gồm nhiều nhà văn tài năng đã góp phần xây dựng văn học nước nhà. Thực chất, hoạt động báo chí của họ đã tiến hành sớm hơn từ khi báo Phong hóa ra đời năm 1932 (do Trần Khánh Giư làm chủ bút, Phạm Hữu Ninh làm quản lí). Tự lực văn đoàn gồm tám thành viên: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thế Lữ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu và Xuân Diệu, còn được gọi là “bát tú”. Tôn chỉ của Tự lực văn đoàn gồm 10 điều. trong đó có bốn điểm mấu chốt: Sáng tạo - Cải tiến xã hội - Tự do cá nhân - Chủ nghĩa bình dân.
Trên phương diện văn chương, Tự lực văn đoàn đã có một sự cách tân hoàn toàn từ nội dung tư tưởng đến ngôn ngữ, thể loại. Các sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo thể hiện rõ sự đấu tranh chống lại những tư tưởng khắt khe của Nho giáo. Với việc vạch trần tính chất lỗi thời của những tàn dư Nho giáo đang ngự trị trong xã hội (Điều 8), công khai chống lại lễ giáo phong kiến Tự lực văn đoàn đã gây một cú “sốc” ý thức hệ, chấn động hết thảy mọi thành phần còn dính dáng ít nhiều đến Nho học trong xã hội thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Tự lực văn đoàn luôn lấy việc giải phóng cá nhân làm tâm điểm của mọi sáng tác (Điều 5, điều 7). Văn chương trước 1930 chưa bao giờ đưa con người cá nhân lên vị trí trung tâm, không những thế, giọng điệu chung của nó là bi ai sầu thảm. Tự lực văn đoàn tuyên chiến với thứ tâm trạng xã hội nặng nề đó; với nó “cái bi” cũng phải được đối xử, vượt qua, bằng niềm vui sống.
Về ý nghĩa xã hội, Tự lực văn đoàn chủ trương dùng văn hoá văn chương làm một cuộc cách mạng xã hội văn hóa (Điều 2, điều 3, điều 6). Tuy nhiên, trong điều kiện bị chính quyền thực dân kiểm duyệt gắt gao, các nhà văn dần dần nhận ra rằng: dùng văn chương để thay đổi xã hội là một ảo tưởng. Vì thế, từ năm 1936 Tự lực văn đoàn nghiêng dần sang các hoạt động chính trị với các
bài chính luận của Hoàng Đạo đề cập đến những vấn đề bức thiết của xã hội, sự ra đời của hội Ánh sáng (tháng 8/1937), nhất là việc Nhất Linh thành lập Đại Việt dân chính đảng (1938).
3.2. Phạm Thái trong Tiêu Sơn tráng sĩ
Khi nghiên cứu sự nghiệp sáng tác của Khái Hưng, các nhà nghiên cứu thường nhắc đến những tiểu thuyết như: Hồn bướm mơ tiên (in 1933), Nửa chừng xuân (1934), Đời mưa gió (viết chung với Nhất Linh,1934), Trống mái
(1936), Gia đình (1939), Thoát ly (1939)… còn Tiêu sơn tráng sĩ lại rất ít được chú ý. Có thể nói “Tiêu sơn tráng sĩ là cuốn tiểu thuyết lịch sử duy nhất, lạc loài trong tủ sách Khái Hưng gồm những chuyên đề xã hội, nghệ thuật, tình yêu... Tiêu sơn tráng sĩ như một mảnh vườn riêng mà nhà văn giấu giấc mộng phiêu lưu của mình trong tình thế nhiễu nhương của đất nước” [29]. Tác phẩm được viết trong khoảng thời gian từ 1936 đến 1939. Đây là giai đoạn Tự lực văn đoàn bắt đầu chuyển sang hoạt động chính trị. Bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam thời kì này cũng có nhiều điểm tương đồng với thời kì Phạm Thái viết Sơ kính tân trang (cuối thế kỉ XVIII): xã hội loạn lạc, nhiều tổ chức đảng phái với nhiều tôn chỉ hoạt động khác nhau ra đời, đặt các chí sĩ yêu nước trước nhiều lựa chọn. Khái Hưng đã mượn câu chuyện Phạm Thái với hoạt động của đảng Tiêu Sơn thế kỉ XVIII để gián tiếp thể hiện khát vọng chính trị của mình trong bối cảnh thực dân Pháp đang cai trị đất nước ta. Nếu không có Tiêu sơn tráng sĩ chúng ta sẽ chỉ biết có Khái Hưng nhà văn lãng mạn. Nhờ có Tiêu sơn tráng sĩ mà chúng ta biết được con người toàn diện của Khái Hưng và hiểu được sự thất bại của Tự lực văn đoàn trong những hoạt động chính trị của đảng Hưng Việt, Đại Việt dân chính, Việt Nam quốc dân đảng. Vì thế, Khái Hưng viết Tiêu sơn tráng sĩ là để kiện toàn một đời người, một đời văn, một cuộc đấu tranh giành độc lập thất bại.
3.2.1. Dấu vết của ba phương diện trong hình ảnh Phạm Thái thời trung đại ở “Tiêu Sơn tráng sĩ”
Ở trong chương 2, chúng tôi đã đề cập đến ba phương diện trong việc tự họa của Phạm Thái trong Sơ kính tân trang là: con người bổn phận, con người tự nhiên và tác giả văn chương. Khảo sát trong Tiêu sơn tráng sĩ chúng tôi thấy
Khái Hưng đã kế thừa và xây dựng hình tượng Phạm Thái với những đặc điểm tương tự.
Về phương diện con người bổn phận: Tiêu Sơn tráng sĩ lấy bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX, thời Lê mạt, Tây Sơn mạt, Nguyễn sơ - thời đại của Phạm Thái. Trong hoàn cảnh thay đổi triều đại, loạn lạc bốn phương ấy, Khái Hưng đặc biệt đề cao nghĩa vụ của bề tôi với đấng quân vương, tức là đề cao tư tưởng trung quân. Phạm Thái cùng với các đảng viên Tiêu Sơn khác như Quang Ngọc, Lê Báo, Nhị Nương đều có quyết tâm khôi phục nhà Lê. Ở họ, việc chống Tây Sơn, phò Lê không chỉ thể hiện tư tưởng trung quân mà còn là để báo hiếu với cha mẹ vì thân phụ của họ là Trạch trung hầu Phạm Đạt, trấn thủ Kinh Bắc Trần Quang Châu, Thiên thư khu mật viện sự Lê Ban, thượng thư bộ binh Nguyễn Đình Giản đều bị quân Tây Sơn hại. Đạo hiếu và đạo trung của những con người này hài hòa, thống nhất với nhau. Trong lời thề kết nghĩa với Phạm Thái và Lê Báo, Quang Ngọc đã dõng dạc đọc trước bàn thờ Quan Công:
Ngày xưa Quan thánh đế có kết nghĩa với Lưu Huyền Đức, Trương Dực Đức tại vườn đào, thề cùng chết để cùng nhau phò nhà Hán, cứu giúp muôn dân. Ngày nay ở nước Việt Nam chúng tôi trăm họ loạn lạc, bị lầm than chẳng kém đời hậu Hán, hai anh em lũ giặc Tây Sơn đem quân đi cướp phá đánh đuổi vua chúng tôi phải chạy trốn sang bên quý quốc, giết cha chúng tôi, giết họ hàng chúng tôi, vậy trước bàn thờ ngài, ba chúng tôi là Trần Quang Ngọc, hai mươi nhăm tuổi, Phạm Thái hai mươi tuổi, Lê Báo mười chín tuổi, xin theo gương ngài cùng họ Lưu, họ Trương, kết nghĩa anh em, trước là để phò nhà Lê, sau nữa là để rửa thù cho cha chúng tôi [23, tr.52].
Để trả thù được cho cha và tận trung với nhà vua, nhân vật Phạm Thái đã ra nhập nghĩa quân của Nguyễn Đoàn, khi Nguyễn Đoàn bị quân Tây Sơn hạ thì Phạm Thái tìm đến đảng Tiêu Sơn, làm phó đảng trưởng kiêm chức quân sư. Phạm Thái đã bao phen xông pha trong rừng gươm giáo, hoàn thành bao nhiệm vụ mà đảng trưởng Quang Ngọc giao phó, tất cả cũng chỉ vì sự nghiệp phục quốc: một mình đi vào rừng Đình Bảng thám thính để cứu hoàng phi của Lê Chiêu Thống rồi lại thân chinh cùng Nhị Nương hộ tống hoàng phi lên Lạng
Sơn để tránh sự truy bắt gắt gao của quan quân triều đình. Phạm Thái có cái nhìn và cách phân tích thời thế sắc sảo, đưa ra được nhiều phương hướng hoạt động đúng đắn cho đảng Tiêu Sơn. Khi Quang Ngọc cho họp bàn về việc đã nên khởi sự hay chưa, có nhiều ý kiến tranh luận: người thì nôn nóng muốn khởi sự ngay, người lại cho rằng nên đợi thời cơ đến… Các ý kiến tranh luận càng lúc càng gay gắt, có nguy cơ trở thành xung đột giữa các thành viên trong đảng thì Phạm Thái lên tiếng: Cả hai phái chủ chiến, chủ hoà đều có lý. Vì ta nên cất quân lắm chứ, chẳng thế, ta họp nhau để làm gì nữa? Nhưng trước khi cất quân, ta hãy xem xét, so sánh tình thế bên ta với bên địch đã nào [23, tr.136]. Trên cơ sở phân tích tình hình tương quan lực lượng giữa hai bên, Phạm Thái đề xuất hướng hành động: Một mặt ta cứ sửa soạn binh khí, mộ thêm đảng viên; một mặt ta ra công dò la tin tức bên địch: hễ khi nào bị Nguyễn Ánh đánh cho đại bại ở phía Nam, là ta khởi sự. Hơn nữa, xin cho người vào Nam hẹn Nguyễn Ánh họp sức cùng đánh, thì thiết tưởng việc lớn làm gì chẳng xong [23, tr.137]. Cách phân tích thời thế và giải pháp Phạm Thái đưa ra khiến mọi người đều