1.2.2 .Điều kiện giao thông và du lịch
3.3. Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật
3.3.1. Hệ thống từ Hán Việt
Đầu thế kỷ XX văn học của ta thực chất mới tiếp xúc với văn hóa phương Tây và người viết cũng sử dụng chữ Quốc ngữ chưa lâu. Nghị định 82 ký ngày 6 Tháng 4 năm 1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ. Sang thế kỷ XX thì chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910. Như vậy chữ Quốc ngữ mới bắt đầu được sử dụng, các tân văn tân thư ta cũng mới tiếp xúc. Bởi thế nên hệ thống từ Hán Việt còn dày đặc trong các tác phẩm du ký. Các lối nói, lối diễn đạt kiểu biền ngẫu trong văn thơ chữ Hán vẫn được sử dụng trong du ký đầu thế kỷ XX. Ví như một đoạn văn trong du ký Hành trình chơi núi An Tử: “Đã hay rằng bức tranh sơn thủy để chơi chung, ai đi cũng đến nơi,những cái thú thanh tao chỉ để dành riêng cho người phong nhã.
Nào ai quyết chí tu hành Có về An tử mới đành lòng tu
Cổ nhân đặt câu này là có ý muốn cho mọi người cũng nên về An tử để biết rằng: “Bụt nhà cũng thiêng”; tôi tưởng cổ nhân đặt câu như vậy, dễ khiến cho mấy người hạ sĩ phải mơ hồ” [21, 633].
Chỉ trong một đoạn văn ngắn, rất nhiều từ Hán Việt được lồng ghép sử dụng kể cả là danh từ hay động từ, tính từ “sơn thủy, thú thanh tao, phong nhã, tu hành, cổ nhân, hạ sĩ”. Đó là một đặc điểm điển hình của ngôn ngữ du ký những năm ấy. Đồng thời cũng là dấu ấn của thời đại. Dù gì các thế hệ nhà văn
của ta ngày ấy cũng sinh trưởng trong nền Hán học nên dù Tây đến đâu cũng chưa thể Tây hoàn toàn huống chi đến nay hệ thống từ ngữ Hán Việt vẫn là một bộ phận quan trọng trong kho ngôn ngữ của người Việt. Thậm chí trong nhiều bài du ký còn trích dẫn bằng chữ Hán vào trong bài và đan xen nhiều bài thơ viết bằng chữ Hán. Lấy ví dụ trong Hành trình mạn ngược:
“THƠ CỦA CỤ PHÙ QUANG BÁ Thiên bài thắng cảnh nhạ thần du, Sơn thủy kỳ quan động lý thu. Phú khắc Nhị Thanh lưu cổ bút, Tự khai tam giáo ức tiền tu.
Châu như thám quật do tàng lãnh, Thạch nhược năng ngôn vị điểm đầu. Cánh hỷ văn minh phong hội tịch,
Đăng lâm vận sự túc thiên thu” [64, 140].
Đây cũng là một yếu tố tạo nên sự cổ kính, đài gương cho các tác phẩm du ký hiện đại. Thơ được làm theo thể thất ngôn bát cú đường luật đầy trang trọng. Nhiều các danh từ Hán Việt được sử dụng như “sơn thủy, cổ bút, tam giáo, đăng lâm, thiên thu... Tuy nhiên tinh thần bài thơ thì rất mới mẻ, hiện đại. Về mặt nghệ thuật, hầu như cũng đã thoát khỏi hệ thống hình ảnh ước lệ, các lối so sánh quy phạm trong thơ trung đại.
Cũng cần thấy rằng yếu tố Hán Việt không phải là đặc điểm riêng của du ký mà nhiều thể loại văn học khác trong giai đoạn này cũng vậy. Chẳng hạn trong truyện ngắn, tiểu thuyết viết theo lối hiện đại của Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh cũng dày đặc ngôn ngữ Hán Việt. Trong tiểu thuyết Tố Tâm của
Hoàng Ngọc Phách có đoạn: “Ký giả có chút việc riêng phải ở lại trường; lúc sang chơi bên buồng những bạn tân khoa ở thì thấy mấy bạn chí thân của kí giả là Lê Thanh Vân biệt hiệu là Đạm Thủy, đương soạn hòm để vinh quy, ký giả ngồi xem bạn soạn. Áo quần không dùng sắc gì rực rỡ, chỉ toàn là màu
trắng với màu đen, những vật gì cần dùng đến màu thặm thì chỉ thấy màu vàng nhợt và màu da giời, thật có vẻ thanh đạm”. Có thể chỉ ra rất nhiều các âm Hán Việt được sử dụng như: “ký giả, tân khoa, vinh quy, thanh đạm”. Ngay cả tên nhân vật cũng rất Hán: Tố Tâm, Lê Thanh Vân, Đạm Thủy…Đọc các tác phẩm văn học giai đoạn này chỉ cần tinh ý sẽ nhận biết được đặc điểm nổi bật ấy. Đây là một đặc trưng riêng của văn học mang dấu ấn thời đại. Lối nghĩ, lối viết cũng như lời ăn tiếng nói trong thơ ca, văn chương đều vương màu sắc cổ điển. Bởi thế nên đọc du ký cũng như các thể loại văn học khác đầu thế kỷ XX cần hiểu rõ đặc điểm này để có cách hiểu đúng về tác phẩm. Du ký cũng như nhiều thể loại khác ghi nhận sự hiện đại hóa rất rõ nét. Nhưng có lẽ sự hiện đại đến trước hết trong tinh thần, trong nội dung còn hình thức thì chưa thể triệt để. Chỉ cần đến những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX thì những yếu tố cổ điển được gột khá sạch sẽ. Hệ thống âm Hán Việt cũng không còn đậm đặc. Bằng chứng là phong trào thơ Mới 1930 - 1945, phong trào Văn học hiện thực phê phán 1932 - 1945. Đó là cuộc lột xác đầy mạnh mẽ, quyết liệt của văn học Việt Nam thế kỷ XX.