1.2.2 .Điều kiện giao thông và du lịch
1.2.3. Sự phát triển văn học chữ Quốc ngữ và báo chí, xuất bản
Suốt nhiều thế kỷ, một nền văn tự Hán đã tồn tại và ngự trị văn hóa Việt Nam ta. Người Việt dùng chữ Hán, ảnh hưởng tư tưởng văn hóa Hán. Các tác phẩm văn học ra đời mang đậm những quy luật nghiêm ngặt, cách gieo chữ,
gieo vần, đối tượng để viết cũng dập khuôn theo Văn học Hán. Du ký giai đoạn manh nha cũng có một số tác phẩm viết bằng chữ Hán. Trước thế kỷ XIII, người Việt với sự hỏi hỏi nhạy bén, thông minh và ý thức dân tộc đã sáng tạo ra chữ Nôm dựa trên chữ Hán. Chữ Nôm được coi là Quốc Âm, là một hệ chữ ngữ tố được dùng để viết tiếng Việt. Cũng có nhiều tác phẩm được sáng tác bằng chữ Nôm trong thời kỳ Trung đại và thu được những thành công lớn cho nền văn học dân tộc như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du,... Trong du ký như tác giả Phạm Phú Thứ với Tây hành nhật ký. Với chữ Nôm, người Việt có sự chủ động và bày tỏ cảm xúc, lòng kiêu hãnh dân tộc trong văn học.
Xuất hiện từ cuối thế kỷ XVII cùng với thuyền buôn và giáo sĩ phương Tây, nhưng chữ Quốc ngữ không được sử dụng nhiều. Giai đoạn đầu, người Việt thấy rằng đó là một trong những công cụ để thực dân Pháp tiến hành việc cai trị và đồng hóa dân ta. Sau một thời gian dài, nhận ra khả năng ghi chép, cập nhật thuận tiện, trao đổi dễ dàng và phản ánh ưu việt của chữ Quốc ngữ, người Việt tiếp nhận và biến đó trở thành vũ khí để sáng tác và phản ánh hiện thực.
Đầu thế kỷ XX, thấy được những mặt tích cực, chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng rãi và nắm giữ vị trí độc tôn trên các diễn đàn văn học, văn hóa. Phản ánh được một cách sâu sắc hiện thực xã hội, các nhà văn, nhà thơ có mảnh đất để bộc bạch được quan điểm và cảm xúc của mình. Hệ thống âm tiết đơn giản, người Việt với sự nhạy bén vốn có, tiếp thu dễ dàng và sau một thời gian ngắn đã sử dụng chữ Quốc ngữ một cách nhuần nhuyễn. Tác phẩm ký đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ là Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký, tác giả ghi chép tỉ mỉ về chuyến đi thăm miền Bắc của mình. Đó được coi là một dấu mốc, gạch nối quan trọng trong việc cách tân, đổi mới bản thân của du ký, hòa chung tiến trình phát triển của chữ viết Việt Nam.
Sau này, các tác phẩm du ký đều sử dụng chữ Quốc ngữ làm phương tiện biểu đạt. Cùng với sự phát triển đó, công nghệ in ấn của nước ta cũng được phát triển. Các tờ báo bằng chữ Quốc ngữ lần lượt được ra đời và mở đầu phải
kể đến là Gia Định báo (1865) tại Sài Gòn. Là một sự manh nha khởi đầu cho những tờ báo xuất hiện sau này. Đông Dương tạp chí (1913-1917), Nam Phong tạp chí (1917 - 1934) là hai tờ báo mà có rất nhiều các bài du ký được đăng. Báo chí cũng dần được biến đổi sao cho phù hợp với thời thế, có sự tiếp nhận cách trình bày, bố cục, các thông tin nóng hổi, báo in kèm hình ảnh theo phương Tây. Báo chí phát triên góp phần phát triển tiếng Việt nhiều hơn nữa. Sự phát triển của báo chí giai đoạn này đã thổi một luồng gió mới cho du ký. Các tác giả hồ hởi sáng tác, đăng trên các trang, các số báo và đó là một cách để tác giả đến gần hơn với người đọc.
Như đã nói, Du ký là thể tài có sự giao thoa giữa báo chí và văn học. Tác giả du ký cập nhật tình hình một cách chủ động nhanh chóng. Thông tin đến với người đọc vẫn nóng hổi và phù hợp với thị hiếu đương thời. Tác giả Lê Thọ Xuân với Đi viếng đền Hùng đăng trên Đại Việt tập chí, Thăm chùa Hồ của tác giả Kho Bé đăng trên báo Ngày nay, hay Nguyễn Văn Bân với Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang được đăng trên Nam Phong tạp chí,... Người đọc chỉ cần cầm tờ báo lên đọc mà tưởng như mình đang theo chân tác giả đi đến những tỉnh huyện của một vùng tổ quốc tươi đẹp và mới lạ.
Ngày nay, khi báo chí vẫn liên tục được phát triển, công nghệ in ấn ngày càng hiện đại, chữ Quốc ngữ được người Việt sử dụng, tình trạng mù chữ ngày càng ít đi, các tác giả du ký có nhiều cơ hội hơn để xuất bản những bài viết của mình thành sách. Cùng với đó, các nguồn thông tin khác như rađio, truyền hình, mạng internet ngày càng trở nên thông dụng và dễ dàng, mọi người có thể biết về Đông Bắc không chỉ qua những dòng chữ mà còn có thể nghe được, nhìn được. Tuy nhiên, du ký vẫn được viết và đăng trên các tờ báo, tạp chí mới như Kiến thức ngày nay. Đó là một nguồn thông tin, một món ăn tinh thần tuy đã ăn lâu mà chẳng bao giờ cũ đối với độc giả.