Con người và cuộc đời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị đạo lý trong sáng tác của nguyễn đình chiểu với đời sống văn hóa dân tộc (Trang 32 - 33)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2.1. Con người và cuộc đời

Nguyễn Đình Chiểu, tục gọi Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi bị mù lại có hiệu Hối Trai, ông sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại quê mẹ ở làng Tân Thới, tỉnh Gia Định. Ông mất ngày 21 tháng 5 năm Mậu Tý, tức ngày 3 tháng 7 năm 1888 ở làng An Đức, quận Ba Tri , tỉnh Bến Tre. Quê quán ông vốn ở xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Cha ông là Nguyễn Đình Huy làm thư lại trong dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt, mẹ ông là bà Trương Thị Thiệt.

Nguyễn Đình Chiểu được sống và học tập có nề nếp bên người mẹ. Từ nhỏ ông đã được nghe những câu chuyện cổ dân gian, được đi xem hát và được mẹ dạy dỗ lẽ thiện ác ở đời. Năm 6, 7 tuổi, ông được theo học ông đồ là môn sinh của Võ Trường Toản. Việc giáo dục của người mẹ hiền và người thầy đã có tác động lớn tới sự hình thành tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 1833, Lê Văn Duyệt chết, Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình. Chuyện quốc biến đã làm thay đổi cuộc sống của Nguyễn Đình Chiểu và khiến cho cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm và sóng gió. Khi ấy, Nguyễn Đình Huy đem Nguyễn Đình Chiểu chạy ra Huế và gửi vào gia đình một quan Thái phó để theo học tập. Nguyễn Đình Chiểu trở về Gia Định năm 1840 và đỗ tú tài vào khoa thi Quý Mão 1843. Ông cũng được một gia đình nhà họ Võ hứa gả con gái cho. Năm 1847, ông lại trở ra Huế để chuẩn bị dự thi năm Kỷ Dậu (1849). Trong thời gian dùi mài kinh sử thì nghe tin mẹ mất, ông bỏ thi về chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng và mù đôi mắt trên đường trở về, từ đó ông lấy hiệu là Hối Trai (ngôi nhà tăm tối). Sống trong cảnh tối tăm mù mịt,

hoàn cảnh gia đình sa sút, vị hôn thê bội ước, sau khi mãn tang mẹ Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học và làm thuốc để cống hiến cho đời.

Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu lấy vợ là bà Lê Thị Điền, vào những năm sau đó, hoàn cảnh chính trị xã hội có nhiều đổi thay, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu qua đời. Cánh đồng Ba Tri rợp trắng khăn tang khóc thương Đồ Chiểu. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng ngời về nghị lực và đạo đức, đặc biệt là về thái độ suốt đời gắn bó và chiến đấu không mệt mỏi cho lẽ phải, cho quyền lợi của nhân dân, đất nước.

Người xưa nói “trông văn thấy người”, bởi tác phẩm văn học luôn là đứa con tinh thần của nhà văn. Con người tác giả như thế nào sẽ biểu hiện ra bằng một ngòi bút tương ứng. Con người Nguyễn Đình Chiểu đạo đức sáng trong, giàu cảm xúc đã sáng tác và để lại cả một dòng văn học đạo lý chảy mãi trong mạch nguồn văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị đạo lý trong sáng tác của nguyễn đình chiểu với đời sống văn hóa dân tộc (Trang 32 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)