Đạo vợ chồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị đạo lý trong sáng tác của nguyễn đình chiểu với đời sống văn hóa dân tộc (Trang 61 - 64)

8. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Đạo vợ chồng

Trong những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, có thể khẳng định rằng truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm tiêu biểu đề cập đến đạo vợ chồng

vừa theo quan điểm Nho giáo, vừa theo quan điểm của nhân dân. Điều này được thể hiện đậm nét qua cặp nhân vật Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga.

Trước hết, với nhân vật Lục Vân Tiên. Sau khi trải qua bao khó khăn, hoạn nạn, cuối cùng được thuốc tiên chữa cho sáng mắt, lúc trở về biết Kiều Nguyệt Nga đã giúp đỡ Lục ông trong những ngày tháng khó khăn, biết Nguyệt Nga đã vì mình mà trọn nghĩa, trọn tình. Hiểu sâu sắc được điều đó, nên khi gặp lại Kiều Nguyệt Nga, chàng đã không ngần ngại mà quỳ xuống lạy Nguyệt Nga như sự cảm tạ với một ân nhân đối với cả gia đình:

Thưa rằng: may gặp nàng đây, Xin đền ba lạy sẽ bày nguồn cơn.

Để lời thệ hải minh sơn, Mang ơn trước phải đền ơn cho rồi.

Lục Vân Tiên đã không cần giữ lễ của một vị nguyên soái đã đỗ trạng nguyên mà quỳ xuống lạy một nữ nhi. Đó là điều xưa nay chưa từng thấy nhất là dưới thời phong kiến. Nhưng tại sao Vân Tiên lại hành động như vậy? Có lẽ Nguyễn Đình Chiểu không hoài công để nhân vật của mình phải giữ đúng lễ

giáo một cách cứng nhắc chỉ với mục đích tuyên truyền cho quan niệm khắc kỉ của Nho giáo mà đó là cách hành xử hợp đạo lý con người, phù hợp với quan điểm đạo đức của nhân dân.

Đặc biệt, ta còn thấy những biểu hiện của đạo vợ chồng được thể hiện rất rõ qua nhân vật Kiều Nguyệt Nga. Nguyệt Nga sau khi được Vân Tiên cứu thoát khỏi bọn cướp Phong Lai, vì lòng biết ơn sâu nặng nàng đã tặng trâm nhưng Lục Vân Tiên không nhận, nàng làm thơ để thể hiện tình cảm của mình. Cho dù đã có hôn ước theo sự sắp đặt của cha mẹ nhưng vì ơn cứu mạng mà nàng nguyện suốt đời chung thủy với Lục Vân Tiên:

Nghĩ mình mà ngán cho mình, Nỗi ân chưa trả nỗi tình lại vương.

...

Nguyện cùng Nguyệt lão hỡi ông! Trăm năm cho vẹn chữ tùng mới an.

Nếu Nguyễn Đình Chiểu để Lục Vân Tiên có thái độ phân minh của một người làm điều nghĩa “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” thì ông cũng muốn để cho Kiều Nguyệt Nga có thái độ phân minh của một người chịu ơn. Nếu Lục Vân Tiên đã lấy cả mạng sống của mình ra thử thách trước hoàn cảnh hiểm nguy để cứu Kiều Nguyệt Nga thì Kiều Nguyệt Nga cũng nguyện xin đem cả cuộc đời mình trao cho chàng để đền đáp ân tình đó. Rõ ràng ở đây, Kiều Nguyệt Nga đã coi Vân Tiên như người chồng để suốt đời mình trọn nghĩa:

Thân con còn đứng giữa trời, Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi

Không chỉ vậy, Nguyệt Nga còn làm trọn đạo hiếu của một người con dâu với bố chồng. Nàng đã cứu giúp Lục ông, chăm sóc Lục ông thay cho Vân Tiên:

Ông rằng: có nàng Nguyệt Nga, Bạc tiền đem giúp cửa nhà mới xuê

Nhờ nàng nên mới ra bề, Chẳng thì khó đói bỏ quê đi rồi.

Kiều Nguyệt Nga đã trọn nghĩa với Vân Tiên suốt đời nhưng ngờ đâu do không đồng ý “kết tình sui gia” cùng gia đình Thái sư mà Nguyệt Nga phải đi

cống giặc. Trước khi đi cống giặc, nàng đã xin vua cho được sang lạy Lục ông, đem tiền bạc chăm sóc Lục ông và làm chay bảy bữa để giã biệt Vân Tiên. Hành động này một lần nữa khắc sâu đạo nghĩa vợ chồng giữa Nguyệt Nga và Vân Tiên. Nàng vẫn luôn tâm niệm “nguyện cùng bức tượng trót đà chung thân”. Tình huống này đặt Nguyệt Nga trước những sự lựa chọn giữa chữ Trung, chữ Hiếu và chữ Tình. Chữ Trung thì nàng không thể nào làm khác, vì đó là lệnh vua ban xuống nàng không thể thoái thác. Nghĩ đến chữ Hiếu nàng thấy mình chưa trọn đạo làm con, chưa trọn chữ Hiếu. Nhưng bên cạnh nỗi lo lắng ấy, nàng nghĩ đến mối tình dang dở với Lục Vân Tiên mà xiết bao đau đớn. Nàng băn khoăn vì giờ đây phải phụ nghĩa với ân nhân mà nàng đã thề cả đời chung thủy:

Tình phu phụ, nghĩa quân thần, Tình xa cũng trọn, ơn gần cũng nên.

Nghĩa tình nặng cả hai bên, Nếu ngay cùng chúa lại quên ơn chồng.

Sao sao một thác thời xong, Lấy mình báo chúa, lấy lòng sự phu.

Bởi từ trước đến giờ, nàng coi Vân Tiên như là người chồng mà mình suốt đời trọn nghĩa, nàng trọn nghĩa với cả gia đình nhà chồng khi đối xử với Lục ông như chính người cha của mình. Khi người mẹ của Vân Tiên qua đời, nàng lại tưởng rằng Vân Tiên đã “nhuốm bệnh giữa đường bỏ thây”, Nguyệt

Nga trước khi theo lệnh vua đi cống giặc Ô Qua đã làm trọn đạo hiếu của một người con dâu với Lục ông:

Chẳng chi cũng gọi là dâu, Muốn lo việc nước phải âu đạo nhà.

Một ngày một bước một xa, Của này để lại cho cha dưỡng già.

Cách ứng xử của Nguyệt Nga đã chứng tỏ nàng là một hình mẫu lí tưởng cho người con hiếu thảo, ân nghĩa đồng thời là một người vợ chung thủy, trọn nghĩa với chồng. Mặc dù, mở đầu truyện Lục Vân Tiên tác giả viết “Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” nhưng qua hình tượng Kiều Nguyệt Nga, hình

ảnh một người con có hiếu, một người vợ chung thủy, người phụ nữ Việt đảm đang, một con người tri ân sâu sắc được đậm tô. Điều đáng nói ở đây là Nguyệt Nga là người biết giữ gìn những truyền thống đạo đức của dân tộc, đặc biệt là lòng biết ơn với những người tốt, những người đã giúp đỡ mình. Qua nhân vật Nguyệt Nga, truyền thống tri ân của dân tộc được kế thừa và phát triển.

Hay như ta còn bắt gặp đạo nghĩa vợ chồng trong tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp. Nhân vật Tiều có tên là Mộng Thê Triền: 40 tuổi ở núi đốn củi,

lấy vợ 5 lần thì 4 người chết, chỉ còn người thứ 5 lại đau yếu luôn. Ngư có tên là Bào Tử Phược: 30 tuổi làm nghề câu cá, sinh 10 người con thì chết 8. Như vậy, trước hoàn cảnh gia đình vợ ốm, con đau mà cả hai người đã không quản ngại khó khăn quyết đi tìm Nhân Sư - thầy dạy đạo nhân để học thuốc trước hết là để chữa bệnh cho vợ con, để gia đình yên ổn, mọi người khỏe mạnh - đó cũng là cái lẽ thường của đạo nghĩa vợ chồng trong cuộc sống hàng ngày.

Như vậy, đạo nghĩa vợ chồng được thể hiện trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu vừa theo quan điểm Nho giáo, vừa theo quan điểm nhân dân. Điểm sáng của nó chính là lòng chung thủy, sự biết ơn với những người đã giúp đỡ mình, là sự tự nguyện làm tròn bổn phận của đạo nghĩa vợ chồng. Qua đây, ta thấy truyền thống thủy chung và tri ân của dân tộc ngày càng được kế thừa và phát huy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị đạo lý trong sáng tác của nguyễn đình chiểu với đời sống văn hóa dân tộc (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)