hội chọi trâu
Có thể nói, hoạt động của cộng đồng, của nhân dân địa phương trong tổ chức và quản lý lễ hội là hết sức cần thiết. Cộng đồng cần được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia tổ chức lễ hội ở địa phương, từ đó có điều kiện phát huy bản sắc, đặc trưng văn hoá, góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về vùng đất, con người địa phương mình. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội nói chung hiện nay đang là một vấn đề được xã hội quan tâm. Một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm của lễ hội. Đó là việc đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội nói riêng, di sản văn hóa nói chung.
Hình thức quản lý dựa vào cộng đồng là điểm khởi đầu để có thể tập trung bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội từ đó mà hình thức quản lý này là công cụ, phương tiện nhằm thúc đẩy quá trình cộng đồng được trao quyền, tạo đà cho cộng đồng chủ động cải thiện đời sống của chính mình thông qua tâm linh, kinh tế. Qua đó, các chính sách khuyến khích dân chủ cơ sở được hình thành và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh được tổ chức và hoạt động do cộng đồng quyết định và thực hiện là chính, bên cạnh đó có sự chỉ đạo, định hướng và tham gia của các ban ngành, chính quyền và đoàn thể. Vai trò của cộng đồng tham gia tổ chức, quản lý luôn đảm bảo tốt các yếu tố truyền thống, các giá trị văn hóa theo đúng bản sắc, ít bị mai một và pha tạp vì vậy mà lễ hội luôn giữ được những lễ nghi và nét văn hóa dân gian truyền thống.
Quan điểm của UNESCO cho rằng, cần duy trì lễ hội một cách tự nhiên và phát triển trên cơ sở quyền của cộng đồng, cần trao quyền và hỗ trợ, để người dân tự xác định bản sắc của họ, tự thực hành lễ hội cổ truyền mà không áp đặt chủ quan, để biến lễ hội thành một món hàng thương mại hóa.
Đối với lễ hội truyền thống do cộng đồng đóng góp kinh phí và tham gia quản lý thu - chi (phương thức xã hội hóa), như lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh, thì việc quản lý nhà nước chủ yếu là cùng với các cơ quan hữu quan, với đại diện cộng đồng mở hội nghị bàn bạc phương thức tổ chức, xây dựng chương trình, quản lý thu - chi tài chính riêng. Cùng với các bên liên quan, cán bộ quản lý văn hóa huyện, xã có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm các vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính của lễ hội.
là tập hợp tổ chức hình thành theo nguyên tắc tự nguyện, do người dân tự lập ra để giải quyết nhu cầu về tổ chức lễ hội, là đầu mối liên kết với chính quyền cơ sở, đối với các nhà đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp. Điểm quan trọng của sự hình thành và tồn tại của tổ chức cộng đồng là sự chia sẻ và phân công công việc, cũng như lợi ích chung. Tuy nhiên, tại đây vẫn có sự chỉ đao, định hướng và tham gia của các ban ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở.
Tinh thần làm chủ của cộng đồng thể hiện trên thực tế xuất phát từ “sự sở hữu của cộng đồng”, là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý, cũng phụ thuộc và cảm nhận quyền tự chủ của cộng đồng. Cảm nhận quyền sở hữu có được, khi Nhà nước cho phép cộng đồng tham gia về mặt pháp lý, cơ quan thực thi các cấp hỗ trợ cộng đồng tham gia. Ý thức làm chủ còn phụ thuộc vào việc người dân có nhu cầu tổ chức lễ hội. Nếu cộng đồng có nhu cầu, họ sẽ là người chủ động khởi xướng tổ chức, kêu gọi nguồn tài chính hỗ trợ, đưa ra các quyết định, vận hành và bảo vệ, bảo tồn gìn giữ lễ hội, cũng như di tích nơi tổ chức lễ hội.
Theo tác giả, những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến năng lực của cộng đồng là: Năng lực người lãnh đạo; Trình độ văn hóa và trình độ lao động kỹ thuật chung của cộng đồng; Ý thức sở hữu của cộng đồng và sự đồng thuận của cộng đồng. Qua đó, mới có thể đánh giá được năng lực quản lý, vận hành của cộng đồng, tổ chức lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh:
- Ý thức làm chủ của người dân, sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng dân cư tại mỗi thôn, xóm là người khởi xướng tổ chức lễ hội.
- Năng lực lãnh đạo của “người đứng đầu”, trình độ nhận thức của người lãnh đạo về tầm quan trọng của việc tổ chức lễ hội, chất lượng của lễ hội cũng như dịch vụ tại lễ hội nói chung với lợi ích của cộng đồng cư dận địa phương.
- Trình độ văn hóa và quản lý của cộng đồng, tỷ lệ người hiểu biết nguồn gốc của di tích và lễ hội. Những người thuộc Ban tổ chức phải năng động, chịu khó và hiểu biết về văn hóa, kinh doanh, mô hình áp dụng phổ biến nào cho phù hợp với tình hình địa phương.
Sự tham gia của cộng đồng vào tổ chức lễ hội cũng thể hiện ở công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Ban Tổ chức lễ hội đã giao rõ nhiệm vụ cụ thể cho Đoàn Thanh niên xã tham gia tuyên truyền vận động về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho nhân dân ngay tại các điểm dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội nhằm nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân tham gia lễ hội, bên cạnh đó mỗi đoàn viên trong Đoàn xã cũng trực tiếp thu gom rác thải về đúng nơi quy định. Việc đảm bảo an ninh trong thời gian lễ hội cũng có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng. Bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương thì mỗi cá nhân tham dự cũng tự đề cao trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời phát hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng hay lợi dụng lúc lễ hội đông người để móc túi hoặc tổ chức các hình thức cá cược để báo cho các cơ quan chức năng giải quyết.
Như vậy, sự tham gia quản lý của cộng đồng vào lễ hội là rất quan trọng, vừa phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng vừa tận dụng tinh thần chủ động, sáng tạo của nhân dân. Đồng thời có sự giám sát, điều chỉnh kịp thời của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có những vấn đề phát sinh. Sự kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nhà nước và cộng đồng tham gia quản lý sẽ tạo nên thành công của lễ hội.