Nghiên cứu về phân đạm cho lúa trên thế giới và Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của lượng giống gieo và lượng đạm bón đến sinh trưởng và năng suất giống lúa vật tư NA2 tại thanh liêm, hà nam (Trang 37 - 40)

NAM

Nitơ là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Nitơ tham gia vào nhiều thành phần trong cây như: axit amin, protein, axit nucleic, sắc tố trong lá làm nhiệm vụ hấp thu ánh sáng mặt trời, thành phành ATP, NADP.H+ trong trao đổi năng lượng, trong thành phần của phytohocmon, phytocrom…

Trong cuốn “Bàn về lúa sinh thái nhiệt đới” Alosin cho rằng: “Đạm ở dạng amon có tác dụng tốt đến cây lúa thời kỳ non. Còn đạm dạng nitrat có ảnh hưởng đến cây lúa ở giai đoạn sau của quá trình sinh trưởng. Lúa cần một lượng đạm cần thiết chủ yếu ở thời kỳđẻ nhánh và chín sữa, cho đến giai đoạn chín sữa cây lúa đã hút tới 80% lượng đạm cần thiết, vì vậy thời gian từ bắt đầu đẻ nhánh đến cuối chín sữa là giai đoạn khủng hoảng dinh dưỡng đạm đối với cây lúa.

Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, sau khi tăng lượng đạm thì cường độ quang hợp, cường độ hô hấp và hàm lượng diệp lục của cây lúa tăng lên, nhịp độ quang hợp, hô hấp không khác nhau nhiều nhưng cường độ quang hợp tăng mạnh hơn cường độ hô hấp gấp 10 lần cho nên vai trò của đạm làm tăng tích luỹ chất khô (Nguyễn Thị Lẫm, 1994). Kết quả nghiên cứu trên 2 giống lúa ngắn ngày (Khang Dân và giống mới chọn tạo) của Tăng Thị Hạnh (2014) cho thấy: khi tăng mức đạm bón từ 0 đến 45 kg N/ha đã làm tăng các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất ở cả vụ xuân và vụ mùa.

Viện Nông hoá thổ nhưỡng đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của đất, mùa vụ và liều lượng phân đạm bón vào đến tỷ lệđạm do cây lúa hút (Nguyễn Như Hà, 2006). Không phải do bón nhiều đạm thì tỷ lệ đạm của lúa sử dụng nhiều. Ở mức phân đạm 80 kgN/ha, tỷ lệ sử dụng đạm là 46,6%, so với mức đạm này có phối hợp với phân chuồng tỷ lệđạm hút được là 47,4%. Nếu tiếp tục tăng liều lượng đạm đến 160N và 240N có bón phân chuồng thì tỷ lệ đạm mà cây lúa sử dụng cũng giảm

xuống. Trên đất bạc màu so với đất phù sa Sông Hồng thì hiệu suất sử dụng đạm của cây lúa thấp hơn. Khi bón liều lượng đạm từ 40N - 120N thì hiệu suất sử dụng phân giảm xuống, tuy lượng đạm tuyệt đối do lúa sử dụng có tăng lên (Cục Khuyến nông và Khuyến ngư, 1998). Kết quả nghiên cứu trên giống lúa chịu mặn (giống Cườm), Phạm Văn Cường và cs. (2012) cho thấy: khi tăng nồng độ đạm từ 1,425mM đến 4,275mM diện tích lá và hàm lượng diệp lục trong lá, tích lũy chất khô tăng sau 28 ngày trồng. Trên giống lúa Việt Lai 20 khi giảm mức bón đạm từ 1,6g N/chậu 5 lít xuống mức thấp 0,8g N/chậu thì diện tích lá giảm theo các thời kỳ theo dõi và cường độ quang hợp cũng giảm. Mức đạm bón khác nhau (60, 90, 120 và 150 kg N/ha) đã ảnh hưởng đến chỉ số diện tích lá LAI ở các giai đoạn đẻ nhánh rộ, trỗ và chín sáp. Kết quả cho thấy LAI tăng theo tuyến tính theo lượng đạm bón ở mức tin cậy 95% .

Kết quả nghiên cứu sử dụng phân bón đạm trên đất phù sa sông Hồng của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam đã tổng kết các thí nghiệm 4 mức đạm từ năm 1992 đến năm 1994, kết quả cho thấy: Phản ứng của phân đạm đối với cây lúa phụ thuộc vào thời vụ, loại đất và giống lúa (Nguyễn Như Hà, 1999).

Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều thí nghiệm về ảnh hưởng của liều lượng đạm khác nhau đến năng suất lúa vụđông xuân và hè thu trên đất phù sa đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu trung bình nhiều năm, từ năm 1985 - 1994 của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, kết quả này đã chứng minh rằng: Trên đất phù sa được bồi hàng năm có bón 60 P2O5 và 30 K2O làm nền thì khi bón đạm đã làm tăng năng suất lúa từ 15-48,5% trong vụđông xuân và hè thu tăng từ 8,5 - 35,6%. Hướng chung của hai vụ đều bón đến mức 90N có hiệu quả cao hơn cả, bón trên mức 90N này năng suất lúa tăng không đáng kể. Theo Nguyễn Thị Lẫm (1994), khi nghiên cứu về bón phân đạm cho lúa cạn đã kết luận: Liều lượng đạm bón thích hợp cho các giống có nguồn gốc địa phương là 60N/ha. Đối với những giống thâm canh cao như CK136 thì lượng đạm thích hợp từ 90-120 kg N/ha.

Theo Nguyễn Như Hà (1999), khi nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ cấy và ảnh hưởng của liều lượng đạm tới sinh trưởng của giống lúa ngắn ngày thâm canh cho thấy: Tăng liều lượng đạm bón ở mật độ cấy dày có tác dụng tăng tỷ lệ nhánh hữu hiệu.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã kết luận: cùng một mức năng suất, lúa lai hấp thu lượng đạm và lân thấp hơn lúa thuần, ở mức năng suất 75 tạ/ha lúa lai hấp thu đạm thấp hơn lúa thuần 4,8%, hấp thu lân thấp hơn 18,2% nhưng hấp thu kali cao hơn 30%. Với ruộng lúa cao sản thì lúa lai hấp thu đạm cao hơn lúa

thuần 10%, hấp thu kali cao hơn 45%, còn hấp thu lân thì bằng lúa thuần (Nguyễn Thị Lẫm, 1994).

Kết quả thí nghiệm trong chậu cho thấy: Trên đất phù sa sông Hồng bón đạm đơn độc làm tăng năng suất lúa lai 48,7% trong khi đó năng suất giống lúa CR203 chỉ tăng 23,1%. Với thí nghiệm đồng ruộng, bón đạm, lân cho lúa lai có kết quả rõ rệt. Nhiều thí nghiệm trong phòng cũng như ngoài đồng ruộng cho thấy hiệu quả của đạm: 1 kg N bón cho lúa lai làm tăng năng suất 9 - 18 kg thóc, so với lúa thuần thì tăng 2 - 13 kg thóc. Như vậy, trên các loại đất có vấn đề như đất bạc màu, đất gley khi các yếu tố khác chưa được khắc phục về độ chua, lân và kali thì vai trò của phân đạm không phát huy được, do bón đạm, lân nên năng suất lúa lai tăng có 17,7% trên đất bạc màu và 11,5% trên đất gley.

Với đất phù sa sông Hồng, bón đạm với mức 180 kg/ha trong vụ Xuân và 150 kg N/ha trong vụ Mùa cho lúa lai vẫn không làm giảm năng suất lúa. Tuy nhiên, ở mức đạm bón 120 kg N/ha làm cho hiệu quả cao hơn các mức khác (Nguyễn Như Hà, 1999). Thời kỳ bón đạm là thời kỳ rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực của phân để làm tăng năng suất lúa. Với phương pháp bón đạm (bón tập trung vào giai đoạn đầu và bón nhẹ vào giai đoạn cuối) của Việt Nam vẫn cho năng suất lúa cao, năng suất lúa tăng thêm từ 3,5 tạ/ha (Nguyễn Văn Bộ, 1999 và Nguyễn Thị Lẫm, 1994).

Kết quả nghiên cứu thời kỳ bón đạm cho thấy rất rõ hiệu quả của phân đạm trên đất phù sa sông Hồng đạt cao nhất ở thời kỳ bón lót từ 50-75% tổng lượng đạm, lượng đạm bón nuôi đòng chỉ từ 12,5- 25%. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của phân đạm bón đối với lúa lai, Phạm Văn Cường và cs. (2005), cho thấy khi tăng lượng đạm bón khả năng sinh trưởng của lúa lai tốt hơn, tăng diện tích lá, tăng khả năng trao đổi khí CO2 do đó làm cho quá trình sản xuất chất khô cao ở giống lai F1.

Hiệu suất sử dụng phân đạm của giống Bắc thơm 7 tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên dao động từ 16,0 – 25,6 kg thóc/kg N ở lượng giống gieo sạ 35 kg/ha và từ 17,2 – 26,3 kg thóc/kg N ở lượng giống gieo 50 kg/ha. Hiệu suất sử dụng phân đạm giảm khi tăng mức đạm bón (Vũ Thị phương Thảo, 2013).

Như vậy, các nghiên cứu về sử dụng phân đạm cho cây lúa vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu cho từng giống lúa, các điều kiện thổ nhưỡng khí hậu và tập quán canh tác khác nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của lượng giống gieo và lượng đạm bón đến sinh trưởng và năng suất giống lúa vật tư NA2 tại thanh liêm, hà nam (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)