2.4.2.1. Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm
Trong chăn nuôi hiện nay, vấn đề sử dụng thước kháng sinh là rất phổ biến và được coi là một tiến bộ của công nghệ sinh học, nhằm phòng trị bênh và làm vật nuôi mau lớn. Thế nhưng, việc tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh dễ dẫn đến hậu quả: lượng thuốc kháng sinh tồn dư trong sản phẩm vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng loại thức phẩm này trong thời gian dài có thể gây nguy hại cho sức khỏe (Phạm Kim Đăng và cs., 2013).
Thuốc thú y với liều lượng nhỏ tuy không gây ngộ độc cấp tính nhưng nếu tích lũy lâu trong cơ thể sẽ gây ngộ độc mãn tính. Tuy vậy, nếu loại bỏ hoàn toàn kháng sinh trong điều trị, trong thức ăn thì chắc chắn sẽ làm tăng chi phí cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Không sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi ở Đan Mạch và Thụy Điển đã làm tăng vòng đời nuôi ở lợn thịt lên từ 2-3 ngày, giảm thể trọng khoảng 3-4%, tăng lượng thức ăn tiêu thụ khoảng 2kg/con, tăng tỷ lệ chết từ 7-10% và giảm 10% lợi nhuận của nhà chăn nuôi. Chính vì vậy, cho đến nay, chưa ai dám phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Song, một trong những nguyên nhân gây ra sức đề kháng ngày càng mạnh của vi khuẩn gây bệnh trên người lại chính là việc sử dụng kháng sinh một cách không khoa học trong việc phòng và trị bệnh. Kháng sinh sử dụng trong thức ăn, điều trị và những tồn dư của nó trong thực phẩm chăn nuôi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của con người khi sử dụng các sản phẩm này. Xa hơn nữa, sẽ tạo ra sự kháng thuốc của các dòng vi khuẩn gây bệnh ở động vật và chúng cũng có khả năng lan truyền sang cho con người.
2.4.2.2. Hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn
Từ khi phát hiện ra kháng sinh, con người đã có thêm một công cụ sắc bén để khống chế hoặc tiêu diệt các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, theo quy luật đấu tranh sinh tồn, khi áp lực chọn lọc tự nhiên tăng cao, vi khuẩn gây bệnh muốn sinh trưởng và bảo tồn nòi giống, buộc chúng phải phát sinh biến dị, đột biến để
thích nghi với điều kiện sống mới, kết quả xuất hiện những chủng có khả năng kháng kháng sinh.
Việc sử dụng kháng sinh để kích thích sinh trưởng đã lan rộng sang lĩnh vực thức ăn vật nuôi, điều đó làm gia tăng áp lực cho vi khuẩn đề kháng lại kháng sinh. Đề cập tới vấn đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị không nên sử dụng kháng sinh với mục đích trên bởi nó là nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng.
Việc lạm dụng kháng sinh tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng đã trở thành nguy cơ lớn cho ngành chăn nuôi – thú y và nhân y. Trước hết, với ngành thú y, khi vi khuẩn đề kháng gây bệnh và thành dịch thì rất khó điều trị, bởi vì chúng đề kháng đúng những thuốc đang thông dụng. Với những vật nuôi bị bệnh mạn tính được dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau do phải điều trị kéo dài, liên tục, liên tục nên trên cơ thể chúng (da, niêm mạc) phát triển những vi khuẩn kháng kháng sinh, khi con vật này bị nhiễm khuẩn thứ phát thì rất khó chữa. Như vậy, khi vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh làm cho việc phòng trị bệnh cho vật nuôi trở lên tốn kém, tăng chi phí cho quá trình sản xuất của ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn cả là các vi khuẩn kháng thuốc ở vật nuôi có thể gây bệnh hoặc truyền những gen kháng thuốc sang vi khuẩn gây bệnh cho con người, việc điều trị cho bệnh nhân cũng trở lên hết sức phức tạp. Và nếu con người chưa có một kháng sinh mới có hiệu lực với vi khuẩn kháng thuốc đó thì nguy cơ xảy ra đại dịch là khó tránh khỏi. Cho đến nay, trong cuộc chạy đua giữa sự phát triển kháng sinh mới có hiệu lực với sức đề kháng mới của vi sinh vật, vi sinh vật vẫn là kẻ chiến thắng. Quá trình này được kết thúc đẩy mạnh, nếu thiếu sự hiểu biết đầy đủ và lạm dụng thuốc kháng sinh. Vì vậy đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng kiểm soát, xây dựng một chiến lược quốc gia về sử dụng kháng sinh để phòng hiểm họa cho tương lai.