Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng của thịt gà
2.5.1 Khái niệm về sinh trưởng
Trần Đình Miên và Nguyễn Kim Đường (1992). Sinh trưởng là quá trình tích luỹ các chất hữu cơ do quá trình đồng hoá và dị hoá, là sự tăng lên về khối lượng của các bộ phận và toàn bộ cơ thể về chiều dài, chiều rộng, chiều cao của con vật dựa trên cơ sở tính di truyền từ đời trước.
Quá trình sinh trưởng chính là sự tích luỹ dần các chất, chủ yếu là protein nên tốc độ và khối lượng tích luỹ của các chất, tốc độ và sự tổng hợp protein cũng chính là sự hoạt động của các gen điều khiển sự sinh trưởng của cơ thể.
Theo Trần Đình Miên và Nguyễn Kim Đường (1992), quá trình sinh trưởng là quá trình phân chia tế bào, tăng thể tích tế bào để tạo nên sự sống.
Phát triển là sự biến đổi không những về đặc điểm hình thái mà cả chức năng sinh lý theo từng giai đoạn của sinh vật. Sinh trưởng và phát triển luôn gắn liền với nhau, bổ sung cho nhau để sinh vật lớn nhanh và trưởng thành. Sinh trưởng là điều kiện để phát triển và phát triển làm thay đổi sự sinh trưởng.
Ở gà, căn cứ vào sự sinh trưởng của các cá thể ta có thể phân biệt các giai đoạn phát triển của phôi trong trứng trước khi đẻ, giai đoạn phát triển của phôi trong trứng sau khi đẻ, giai đoạn trứng nở thành con (sơ sinh) đến khi thành thục sinh dục, giai đoạn sinh sản. Mỗi giai đoạn đều có đặc điểm hình thái, sinh lý đặc trưng.
2.5.2. Các chỉ tiêu đánh giá sinh trưởng và các yếu tố ảnh hưởng * Các chỉ tiêu đánh giá sinh trưởng
Sinh trưởng là quá trình sinh lý phức tạp, khá dài, từ lúc thụ tinh đến khi trưởng thành. Do vậy việc xác định chính xác toàn bộ quá trình sinh trưởng không phải dễ dàng. Tuy nhiên, các nhà chọn giống gia cầm có khuynh hướng sử dụng cách đo đơn giản và thực tế. Theo Chambers (1990), để đánh giá sức sinh trưởng của gà người ta thường dùng các chỉ tiêu chính như kích thước cơ thể, sinh trưởng tích luỹ (khối lượng cơ thể), tốc độ sinh trưởng (sinh trưởng tuyệt đối, sinh trưởng tương đối).
- Kích thước cơ thể
Kích thước cơ thể là một chỉ tiêu quan trọng cho sự sinh trưởng, đặc trưng cho từng giai đoạn sinh trưởng, từng giống, qua đó góp phần vào việc phân biệt giống. Giới hạn kích thước của loài, cá thể… do tính di truyền quy định. Tính di truyền của kích thước không tuân theo sự phân ly đơn giản mà theo các quy luật Mendel. Kích thước cơ thể luôn có mối tương quan thuận chặt chẽ với khối lượng cơ thể. Kích thước cơ thể còn liên quan đến các chỉ tiêu sinh sản như tuổi thành thục về thể trọng, chế độ dinh dưỡng, thời gian giết thịt thích hợp trong chăn nuôi gà.
- Khối lượng cơ thể
Khối lượng cơ thể là một tính trạng số lượng và được quy định bởi yếu tố di truyền. Khối lượng gà con khi nở phụ thuộc vào khối lượng quả trứng và khối lượng của gà mẹ vào thời điểm đẻ trứng. Tuy nhiên khối lượng gà khi nở ít ảnh hưởng đến sự sinh trưởng tiếp theo (Jonhanson, 1992).
Đối với gà hướng thịt, điều quan trọng nhất là khối lượng gà khi giết mổ. Khối lượng cơ thể không những liên quan đến hiệu quả sử dụng thức ăn mà còn cần thiết để quyết định thời gian nuôi thích hợp.
- Tốc độ sinh trưởng
Trong chăn nuôi người ta thường sử dụng hai chỉ số để mô tả tốc độ sinh trưởng ở vật nuôi là tốc độ sinh trưởng tuyệt đối và tốc độ sinh trưởng tương đối.
+ Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối chính là sự gia tăng về khối lượng sống trung bình một ngày đêm. Sinh trưởng tuyệt đối thường được tính bằng g/con/ngày hoặc g/con/tuần. Giá trị sinh trưởng tuyệt đối càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn.
+ Tốc độ sinh trưởng tương đối là tỷ lệ phần trăm tăng lên của khối lượng, kích thước và thể tích cơ thể lúc kết thúc khảo sát so với lúc đầu khảo sát (TCVN – 2.40, 1977).
* Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của gà với những mức độ khác nhau như di truyền, tính biệt, tốc độ mọc lông, các điều kiện môi trường, nuôi dưỡng, chăm sóc…
- Ảnh hưởng của di truyền
Tốc độ sinh trưởng của gà phụ thuộc vào loài, giống, dòng, cá thể. Theo kết quả nghiên cứu của các tác giả E. F. Chnetzlen (1936), đã khẳng định: Các giống gia cầm khác nhau có ảnh hưởng của di truyền tới khả năng sinh trưởng khác nhau. Như giống gà hướng thịt BE88, AA, ISA… có tốc độ sinh trưởng cao hơn giống gà kiêm dụng thịt trứng như Lương Phượng, Rhode và các giống hướng trứng như Leghorn, Brown – nick… giữa các dòng trong cùng một giống cũng có sự khác nhau về khả năng sinh trưởng. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đăng Vang và cs. (1999), khi nuôi gà thịt Tam Hoàng ở 85 ngày tuổi cho thấy dòng 882 có khối lượng trung bình đạt 1418g trong khi dòng Jiangcun
- Ảnh hưởng của giới tính
Ở gà tốc độ sinh trưởng giữa hai giới có sự khác nhau về trao đổi chất, đặc điểm sinh lý, tốc độ sinh trưởng và khối lượng cơ thể. Thường thì con trống có tốc độ sinh trưởng mạnh hơn con mái. Sự khác nhau này được giải thích qua tác động của các gen liên kết giới tính. Tác giả Jull (1972), cho biết gà trống có tốc độ sinh trưởng khác gà mái từ 24 – 32%, những gen này ở gà trống (2 nhiễm sắc thể giới tính) hoạt động mạnh hơn ở gà mái (1 nhiễm sắc thể giới tính). Theo M.O. North (1990) ở cùng điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng giống nhau thì gà trống thường sinh trưởng nhanh hơn gà mái.
- Ảnh hưởng của tốc độ mọc lông
Những kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học xác định trong cùng một giống, cùng giới tính ở gà có tốc độ mọc lông nhanh có tốc độ sinh trưởng, phát triển cao hơn gà mọc lông chậm. Kushner (1974) cho rằng tốc độ mọc lông có quan hệ chặt chẽ tới tốc độ sinh trưởng, thường gà lớn nhanh thì mọc lông nhanh và đều hơn ở gà chậm mọc lông. Hayer et al. (1970) đã xác định trong cùng một giống thì gà mái mọc lông đều hơn gà trống và tác giả cho rằng ảnh hưởng của hoocmon sinh trưởng có tác dụng ngược chiều với giới tính quy định tốc độ mọc lông.
- Ảnh hưởng của dinh dưỡng
Dinh dưỡng là yếu tố quyết định đến quá trình sinh trưởng và phát triển của gà. Chế độ dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển khác nhau của các tổ chức trong cơ thể mà nó còn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của từng mô trong cơ thể như mô cơ, mô mỡ, mô xương… dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng mà còn ảnh hưởng đến biến động di truyền về sinh trưởng.
- Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường
Gà thịt thương phẩm đặc biệt nhất là giống gà cao sản có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất mạnh, nhưng sức đề kháng của cơ thể với môi trường sống kém hơn, vì vậy nó chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng, mật độ nuôi…. Theo H.Newmeister (1978), cho biết: các yếu tố môi trường như quá nóng, quá lạnh, ẩm độ quá cao hay quá thấp, mật độ nuôi quá đông, độ thông thoáng kém sẽ gây tác động xấu đến quá trình sinh trưởng của gà.
+ Nhiệt độ môi trường: Nhiệt độ môi trường là yếu tố ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng của gà. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng tới sinh trưởng của gà. Khi nhiệt độ quá cao gà sẽ giảm lượng thu nhận thức ăn, mất năng lượng để làm mát cơ thể, nóng quá gà sẽ chết. Khi nhiệt độ thấp gà phải sản sinh ra một lượng năng lượng để chống rét làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của gà.
+ Ẩm độ: Ẩm độ cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của gà. Ẩm độ thích hợp nhất cho gà từ 65 -70%, nếu ẩm độ quá thấp hay quá cao đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe đàn gà. Nếu ẩm độ cao làm cho chất độn chuồng ẩm ướt, thức ăn dễ ôi, mốc tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm mốc phát triển, sản sinh ra nhiều khí NH3 do vi khuẩn phân huỷ các axit nucleic trong phân và chất độn chuồng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đàn gà. Tất cả các yếu tố trên tác động làm cho gà dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá nhất là bệnh do Ecoli gây ra và bệnh cầu trùng…; nếu ẩm độ thấp sẽ làm cho không khí chuồng nuôi khô, chất độn chuồng khô tạo nhiều bụi nên gà rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp như CRD, IB, nấm phổi…
+ Ảnh hưởng của ánh sáng: Ngoài các vấn đề về ẩm độ và nhiệt độ thì chế độ chiếu sáng cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của gà vì gà rất nhạy cảm với ánh sáng. Khi kéo dài thời gian chiếu sáng sẽ làm tăng đòi hỏi về thức ăn và kích thích cho cơ thể phát triển, song lại làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, nhưng nếu thời gian chiếu sáng ngắn sẽ gây nên hậu quả ngược lại tức là làm giảm nhu cầu về thức ăn, giảm tăng trọng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.
- Ảnh hưởng của mật độ nuôi
+ Mật độ nuôi nhốt cũng là một yếu tố quan trọng để chăn nuôi gà đạt hiệu quả cao. Mỗi giai đoạn sinh trưởng, mỗi phương thức nuôi đều có quy định mật độ nuôi nhất định. Nếu nuôi quá thưa thì lãng phí diện tích, nhưng nếu nuôi quá dày thì ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng của gà. Bởi lẽ, khi mật độ nuôi nhốt cao thì chuồng nhanh bẩn, lượng khí thải NH3, CO2, H2S cao và quần thể vi sinh vật phát triển ảnh hưởng tới khả năng tăng khối lượng và sức khoẻ của đàn gà, gà dễ bị cảm nhiễm bệnh tật, tỷ lệ đồng đều thấp, tỷ lệ chết cao, cuối cùng làm giảm hiệu quả trong chăn nuôi. Ngược lại, mật độ nuôi nhốt thấp thì chi phí chuồng trại cao. Do vậy, tuỳ theo mùa vụ, tuổi gà và mục đích sử dụng