3.1.1. Đặc điểm tự nhiên và dân số
a. Đặc điểm tự nhiên
Huyện Phổ Yên có tổng diện tích tự nhiên 258,869km2. Khí hậu Phổ Yên mang tính chất nhiệt đới gió mùa, hàng năm chia làm 2 mùa nóng, lạnh rõ rệt. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mưa nhiều; mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mưa ít; độ ẩm trung bình các tháng từ 79% đến 98,3%. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng từ 2.000mm đến 2.500mm, cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1. Nhiệt độ trung bình là 220C, tổng tích ôn 8.0000C. Số giờ nắng trong năm từ 1.300 giờ đến 1.750 giờ, lượng bức xạ khoảng 115 Kcal/cm2. Hướng gió chủ yếu là đông bắc (các tháng 1, 2, 3,10,11, 12) và đông nam (các tháng còn lại). Khí hậu Phổ Yên tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, có thể gieo trồng nhiều vụ trong năm. Tuy nhiên, do mưa tập trung vào mùa nóng, lượng mưa lại lớn, chế độ thuỷ văn lại không đều, nên thường gây ngập úng, lũ lụt.
Phổ Yên có 2 con sông chính chảy qua:
Sông Cầu: nằm trong hệ thống sông Thái Bình, lưu vực 3.480 km2, bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn), chảy qua các huyện Bạch Thông, Chợ Mới (tỉnh Bắc Cạn), Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, Phú Bình về Phổ Yên. Trên địa bàn Phổ Yên, sông Cầu chảy theo hướng bắc - đông nam, lưu lượng nước mùa mưa lên tới 3.500m3/giây.
Sông Công: xưa còn gọi là sông Giã (Giã Giang), sông Mão, có lưu vực 951km2, bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá (huyện Định Hoá), chảy qua huyện Đại Từ, thị xã Sông Công về Phổ Yên. Sông Công chảy qua địa bàn huyện Phổ Yên khoảng 25 km, nhập vào sông Cầu ở thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên. Năm 1975, 1976, hồ Núi Cốc được xây dựng tạo ra nguồn dự trữ nước và điều hoà dòng chảy của sông. Cảng Đa Phúc trên sông Công là cảng sông lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.
Do phía tây Phổ Yên có dãy núi Tam Đảo đón gió đông nam, nên lượng mưa ở lưu vực sông Công rất lớn. So với lũ sông Cầu, lũ sông Công lớn và đột
ngột hơn, thường xẩy ra vào mùa nóng (từ tháng 5 đến tháng 10), lên nhanh, xuống nhanh và biến động lớn, biên độ lũ từ 5 mét đến 7 mét. Đặc biệt, ở các xã ở ven dãy núi Tam Đảo (Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái) thường xẩy ra những trận mưa lớn, trong phạm vi hẹp, gây lũ quét (ngày 21/10/1969, ở suối Quân Cay, xã Phúc Thuận, lượng mưa 1 giờ trong phạm vi trong 200km2 tại đây lên tới 325mm, tạo nên lũ quét, nước chảy như thác đổ làm chết 26 người). Đoạn hạ lưu sông Công (từ xã Nam Tiến xuống thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành) có 15 km đê ở 2 bên sông.
Vùng phía nam huyện Phổ Yên (gồm các xã: Thuận Thành, Trung Thành, Tân Phú, Đông Cao, Tiên Phong, Nam Tiến, Tân Hương) nằm kẹp giữa vùng đê sông Công và sông Cầu nên khi mưa lớn, hoặc khi nước sông Cầu dâng cao, thường bị úng, lụt.
Ao hồ: ao phần lớn là nhỏ, độ sâu từ 1 mét đến 2 mét, nằm rải rác ở các xóm, xã trong huyện, tập trung nhiều ở những xóm, xã có mật độ dân số lớn.
Hồ Nước hai: Được xây dựng từ năm 2010, là hồ nhân tạo lớn nhất huyện Phổ Yên, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho các xã Phúc Thuận, Minh Đức, thị trấn bắc sơn; bên cạnh đó hồ Nước Hai còn có tiêm năng lớn cho phát triển du lịch, kết nối với các điểm du lịch như: Hồ Đại Lải, Hồ Suối lạnh, Hồ Núi cốc và khu du lịch Tam Đảo.
Hồ Suối Lạnh: nằm trên địa bàn xã Thành Công, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất cho các xã Thành Công, Vạn Phái; bên cạnh đó hồi suối lạnh còn có tiềm năng lớn cho đầu tư phát triển Du lịch.
Đặc điểm nổi bật của huyện Phổ Yên là có đường Quốc lộ số 3 Đường cao tốc Hà nội Thái Nguyên và đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên chạy dọc từ nam lên bắc, mang lại cho huyện nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội.
b. Dân số
Tổng dân số đến năm 2015 của huyện Phổ Yên là: 158.619 người với mật
độ dân số trung bình 880 người/km2
Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình giao thông, khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp... Tình trạng lao động thiếu và không có việc làm đang là vấn đề nóng, tác động trực tiếp đến kết quả xóa đói, giảm nghèo và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Dân số
trong độ tuổi lao động của huyện không ngừng tăng lên qua các năm. Số liệu thể hiện ở bảng 3.1:
Bảng 3.1. Dân số trong độ tuổi lao động giai đoạn 2013-2015
Chỉ tiêu Tổng số Nông, lâm nghiệp và thủy sản Công nghiệp và xây dựng Dịch vụ Tổng số (người) 2013 98.754 47.377 30.312 21.065 2014 101.679 48.839 30.685 22.155 2015 103.566 49.783 31.158 22.625 Cơ cấu (%) 2013 100 47,9 30,7 21,4 2014 100 48 30,2 21,8 2015 100 48,1 30,1 21,8
Nguồn: Niên giám thống kê
Trong những năm qua bằng nhiều hình thức, huyện đã có những biện pháp tích cực để giải quyết việc làm cho người lao động như đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, phối hợp với các ngành liên quan để xúc tiến việc làm cho người lao động góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp. Kinh tế của huyện phát triển khá mạnh, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng cao tuy nhiên tỷ lệ công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật còn ít, mức sống của một bộ phận dân cư còn thấp.
Trong những năm tới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhằm nâng cao đời sống của nhân dân và ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn huyện.
3.1.2. Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội
Phổ Yên nằm ở phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa của tỉnh Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Phổ Yên đã thu hút hơn 60 dự án lớn trên địa bàn đưa tổng vốn đầu tư đạt 225 nghìn tỷ đồng, trong đó có dự án của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình là dự án có quy mô lớn nhất tỉnh.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy của Phổ Yên rất thuận lợi và phong phú với các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc lớn chạy qua địa bàn huyện. Phổ Yên chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài 20km, là đầu mối giao thông hàng không lớn nhất khu vực phía Bắc, cửa ngõ giao lưu quốc tế của Thủ đô Hà Nội. Đó là những thuận lợi, lợi thế to lớn để phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện.
Nguồn lao động khá dồi dào, nhiệt huyết là yếu tố thuận lợi để Phổ Yên thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiềm năng về thị trường hàng hóa, dịch vụ của huyện khá lớn, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là nhân tố có tính động lực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.
Tiềm năng về cung cấp dịch vụ hàng hóa nông nghiệp sạch, an toàn (rau, trứng, cá, sữa…) cho thị trường tỉnh Thái Nguyên và các vùng phụ cận đã trở thành thương hiệu, mở rộng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường đã làm cho Phổ Yên thực sự chuyển đổi, phát triển bền vững.
Qua nhiều năm chuẩn bị, nỗ lực, cố gắng hết mình của tập thể cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân các dân tộc trong toàn huyện, đến nay Phổ Yên đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí của một huyện như: Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 411,168 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người; Tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm (2011-2013) đạt 20%; Tỷ lệ hộ nghèo 6,54%; Tổng dân số toàn đô thị đã bao gồm dân số quy đổi là 158.619 người; Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 68,74%, thương mại - dịch vụ chiếm 20,15%, nông - lâm - thủy sản chiếm 11,11%.
3.1.3. Khái quát về doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phổ Yên
Tính đến tháng 12/2015, trên địa bàn huyện Phổ Yên có tới 266 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, hoạt động trên 3 lĩnh vực chủ yếu: Nhóm đầu tư xây dựng chiếm 20%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 50% và nhóm sản xuất chiếm 30%... Đến nay hoạt động của tổ chức của các doanh nghiệp được nâng cao cả về chất lượng và hoạt động, điển hình là việc tham gia Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ký kết thỏa thuận hợp tác với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thực hiện xây dựng chuyên mục “Doanh nghiệp Phổ Yên,
đồng hành cùng phát triển” phát trên sóng phát thanh và đăng tải trên website cổng thông tin điện tử huyện. Các hoạt động hỗ trợ, tình nghĩa và cuộc sống cộng đồng cũng được đông đảo các doanh nghiệp tích cực tham gia ủng hộ. Huyện đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn và trao tặng 95 suất quà, 15 suất quà từ thiện nhân đạo, trị giá gần 100 triệu đồng, trao tặng cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hộ gia đình chính sách trên địa bàn…Tuy nhiên vẫn có một số tồn tại đó là chưa phát huy hết vai trò là đầu mối liên kết các doanh nghiệp, hoạt động phong trào còn ở bề nổi, chưa tạo nhiều sân chơi bổ ích thu hút doanh nghiệp khác.
Nói chung tính đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phổ Yên đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Định hướng hoạt động của các doanh nghiệp là cần thực hiện tốt vai trò liên kết, hợp tác với các cơ quan chức năng, với các tổ chức thành viên, với các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước; kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay; từng bước đổi mới phương thức hoạt động và phát triển; thực hiện tốt công tác xã hội cộng đồng…Các doanh nghiệp cũng đã thống nhẩt thành lập quỹ tại ngân hàng chính sách xã hội, với số tiền gửi ban đầu là 200 triệu đồng, để giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế gia đình.
Các cơ sở kinh tế phát triển mạnh mẽ hầu hết khắp các địa bàn trong huyện tuy nhiên số lượng phân bố không đồng đều giữa các địa phương trong huyện.
Về cơ cấu ngành nghề
Với đặc điểm quy mô nhỏ, vốn ít dễ thích nghi trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp trên địa bàn đã làm nên một bức tranh hết sức đa dạng, phong phú về ngành nghề kinh doanh ở Phổ Yên. Song có thể nói việc điều tra, phân loại, đánh giá một cách chính xác, chi tiết, cơ cấu từng nhóm ngành nghề là một việc làm gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp. Bởi vì, trong cơ chế thị trường hầu hết các cơ sở kinh doanh đều thực hiện kinh doanh tổng hợp, đăng ký kinh doanh cùng lúc nhiều ngành nghề, sản xuất chủ yếu chạy theo sự khan hiếm trên thị trường do đó mang rất nhiều yếu tố tự phát và ngành nghề có sự thay đổi.
Qua số liệu của Phòng tài chính huyện Phổ Yên, cơ cấu ngành nghề kinh doanh của khu vực khái quát như sau: Trên 55% cơ sở tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ; các ngành như giao thông vận tải, xây dựng và một số ngành nghề khác chiếm không quá 45 %.
- Về quy mô vốn.
Luật doanh nghiệp đã không quy định vốn pháp định là một điều kiện để thành lập doanh nghiệp, trừ một số doanh nghiệp đặc thù được quy định trong các luật chuyên ngành. Đây là một điểm mới của luật đã thực sự xoá bỏ các thủ tục phiền hà, hình thức, thực sự tạo cơ hội kinh doanh cho một số nhà đầu tư có điều kiện sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên việc quy định như vậy không có nghĩa là không cần vốn vẫn thành lập được doanh nghiệp, mà các doanh nghiệp phải đăng ký số vốn tự có khi thành lập và định kỳ báo cáo, cập nhật những thông tin về vốn với cơ quan đăng ký kinh doanh. Song thực tế ở Phổ Yên cho thấy (do nhiều nguyên nhân) thời gian qua công tác thẩm định hồ sơ đăng ký kinh doanh còn lỏng lẻo, vốn đăng ký kinh doanh chỉ là hình thức và nhiều cơ sở doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh không báo cáo, không cập nhật thông tin.
Do những thông thoáng của luật cùng với sự tăng lên về số lượng, quy mô vốn của khu vực Phổ Yên cũng tăng lên gấp bội. Quy mô vốn của các doanh nghiệp là vừa và nhỏ (86%). Đây cũng là điều phản ánh rõ tiền thân của các doanh nghiệp là từ các hộ cá thể, tiểu chủ phát triển lên.
* Đánh giá vai trò của các DN khu vực kinh tế ở huyện Phổ Yên
- Những đóng góp chủ yếu
+ Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ở Phổ Yên thời gian vừa qua đã khơi dậy nguồn tiềm năng về đất đai tài sản, tiền vốn, sức lao động và trí tuệ, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân vào sản xuất kinh doanh góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của huyện. Những đóng góp của khu vực kinh tế này có thể khái quát như sau:
+ Đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động toàn huyện.
+ Tạo ra nhiều sản phẩm trong nước và xuất khẩu có giá trị cao góp phần khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống.
+ Huy động được nguồn vốn to lớn trong nhân dân vào sản xuất kinh doanh và đóng góp một phần đáng kể cho nguồn thu các ngân sách.
Như vậy, trong những năm qua sự lớn mạnh và tăng lên về số lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn Phổ Yên đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
- Những hạn chế và khó khăn.
Bên cạnh những đóng góp to lớn trong thời gian qua, đánh giá tổng quan, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phổ Yên còn có những hạn chế và khó khăn như sau:
Thứ nhất: Quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản thực phẩm còn ít, sản xuất chủ yếu chạy theo nhu cầu thị trường do đó mang nhiều yếu tố tự phát, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh còn hạn chế.
Thứ hai: Sự hiểu biết về chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trình độ quản lý kinh tế quản trị kinh doanh và tay nghề của chủ doanh nghiệp và người lao động còn thấp chưa tương xứng với yêu cầu thực tế.
Thứ ba: Sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với các doanh nghiệp cũng như vai trò của các đoàn thể xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực song nhìn chung mới dừng lại ở việc đề ra các chủ trương, chưa có các biện pháp cụ thể.
Thứ tư: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp nhỏ còn chậm và chưa làm được nhiều do vậy chưa có tác dụng khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển.