Sự lây lan:
Virus LMLM thường thâm nhập vào cơ thể vật mẫn cảm qua niêm mạc đường hô hấp. Cần chú ý rằng lúc này kháng thể trung hòa có trong huyết thanh gia súc không có ảnh hưởng gì đến virus cả (đây chính là cơ chế tạo ra các con vật mang trùng) (Nguyễn Tiến Dũng, 2000). Sau khi phát triển ở khu vực cuống họng, chúng thâm nhập vào máu gây ra sốt và các bệnh tích ở những nơi như đã kể trên. Vật mắc bệnh thường bài thải virus rất sớm, thậm chí trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Virus LMLM có sức đề kháng rất mạnh với môi trường xung quanh, nhất là về mùa đông. Virus LMLM lây lan qua đường không khí. Trong hơi thở của vật mắc bệnh mang rất nhiều virus, nhất là ở dê. Một con dê sản sinh ra một lượng virus gấp 3000 lần con bò, và trong một phút số lượng virus mà nó thải ra đủ để gây nhiễm cho 70.000 con bò (nhất là chủng A và C) (Nguyễn Tiến Dũng, 2000). Ngoài ra bệnh còn có khả năng lây lan trực tiếp qua các dụng cụ, vật dụng dùng trong chăn nuôi. Thậm chí, khi đến thăm gia đình chăn nuôi có vật bệnh cũng đủ để sau đó ta đem virus về gây bệnh cho gia súc của gia đình mình.
Các cách bài thải virus:
-Virus LMLM có thể thấy ở thịt, hơi thở, nước dãi, máu, sữa, nước tiểu, thai sẩy, tinh dịch, phôi đông lạnh, len... Sản phẩm động vật nói chung là nguồn lây nhiễm bệnh LMLM.
-Động vật, chủ yếu là trâu, bò, dê, cừu sau khi tiêm phòng vẫn có thể nhiễm virus và mang trùng, tương tự như vậy, vật bệnh sau khi khỏi bệnh vẫn mang virus trong cơ thể và tiếp tục bài thải ra môi trường xung quanh gây nhiễm cho các súc vật mẫn cảm. Thêm nữa, có nhiều gia súc bị bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Đây chính là lý do tại sao các nước kinh tế phát triển, người ta không tiêm phòng mà tìm cách phát hiện gia súc mang trùng rồi giết đi. Chỉ có phương pháp đó mới có thể thanh toán triệt để bệnh LMLM. Nói cách khác, chính sách tiêm phòng hàm ý việc chấp nhận có virus LMLM trong đàn gia súc. Ngược lại, ở dê sau khi khỏi bệnh hoặc tiêm phòng hầu như không có khả năng mang trùng. Do vậy, người ta nói dê là loài miễn dịch vô trùng, còn trâu bò, cừu là loài động vật miễn dịch mang trùng đối với bệnh LMLM.
-Việc truyền bệnh LMLM chủ yếu thông qua không khí trong một khu vực (Nguyễn Tiến Dũng, 2000). Tại Anh người ta chứng minh việc gia súc ở đảo Wright bị lây bệnh là do virus từ Pháp qua đường không khí thổi qua biển Manche truyền sang năm 1981, và tương tự từ Đức sang Đan Mạch năm 1983. Tuy nhiên, trên thực tế việc lây lan bệnh LMLM lại liên quan trực tiếp đến việc di chuyển gia súc. Tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước khác, bệnh lây lan chủ yếu vận chuyển và buôn bán gia súc, nhất là buôn bán bất hợp pháp.
-Về mặt dịch tễ những điểm quan trọng sau đây cần ghi nhớ:
Nguồn bệnh
1) Động vật (kể cả loài hoang dã) nhiễm virus trước khi có biểu hiện lâm sàng đã phát tán virus ra xung quanh hơi thở và các chất tiết dịch.
2) Con vật đang mắc bệnh
3) Động vật loài nhai lại sau khi khỏi bệnh (virus có nhiều trong phân, nước tiểu và là nguồn virus nguy hiểm nhất)
4) Động vật loài nhai lại đã tiêm phòng nhưng vẫn có khả năng nhiễm virus và phát tán virus ra xung quanh.
5) Các sản phẩm động vật: thịt và các sản phẩm thịt, sữa, nước dãi, hơi thở, nước tiểu, phân, máu, thai sẩy, tinh dịch, phôi đông lạnh, len và các loại hormone
lấy từ động vật mắc bệnh.
6) Các loại dụng cụ, xe cộ, thức ăn chăn nuôi đã tiếp xúc với vật bệnh.
Phương thức lây lan:
- Tiếp xúc trực tiếp giữa các con vật
- Lây lan theo sự di chuyển của gia súc và các sản phẩm chăn nuôi
- Qua đường không khí
- Thông qua người chăn nuôi, cán bộ thú y, dụng cụ, phương tiện dùng trong chăn nuôi
- Qua việc vứt xác, phân, nước tiểu gia súc, nước rửa thịt khi mổ theo các dòng nước chảy (sông suối). Đây là đặc điểm riêng biệt ở các nước kém phát triển cần đặt vấn đề về cách phòng chống bệnh.
- Sự lây lan rất đặc biệt và rất nhanh chóng.
Tính mùa vụ:
Tại các quốc đảo, dịch xảy ra theo từng đượt và cách nhau một vài năm. Giữa các đợt hầu như không có vật bệnh lâm sàng.
- Tại các châu lục, bệnh mang tính địa phương (có một tỷ lệ rất thấp động vật mắc bệnh) xen vào đó là các đợt dịch lớn.
- Các đợt dịch lớn thường phát ra vào lúc độ ẩm không khí cao, thời tiết nóng, lượng tia tử ngoại thấp...