NGÔN NGỮ MÔ TẢ PHẦN CỨNG
2.3 CẤU TRÚC NGÔN NGỮ CỦA VHDL
VHDL là ngôn ngữ có tính cấu trúc. Đặc điểm của VHDL là nó cho phép mô tả thiết kế theo nhiều mức độ chi tiết khác nhau - từ mức kiến trúc đến các cấu trúc và luồng dữ liệu. Với những ưu điểm này, VHDL cho phép xây dựng các thiết kế mạch từ tổng quát đến chi tiết, cho phép nhà thiết kế có thể quan sát một cách tổng thể quá trình thiết kế và giúp cho quá trình kiểm tra tính đúng đắn của thiết kế được dễ dàng. Chính nhờ vậy mà VHDL được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế tạo mạch điện tử có độ tích hợp cao.
VHDL là ngôn ngữ cho phép mô tả các thiết bị phần cứng số trừu tượng, nó không dựa vào công nghệ thiết bị phần cứng số, phương pháp được sử dụng để thiết kế thiết bị số, mà những khái niệm, mô hình trừu tượng của thiết bị phần cứng số được đưa ra như là nền tảng của ngôn ngữ. Do đó dùng VHDL cho phép mô tả được hầu hết các hệ thống phần cứng số. Các mô hình trừu tượng gồm:
- Mô hình hoạt động. - Mô hình thời gian. - Mô hình cấu trúc.
Để thực hiện mô tả một hệ thống số nào đó cần thực hiện các bước sau: + Phân tích yêu cầu của hệ thống số cần phải thiết kế hoặc cần phải mô tả.
+ Phân tách hệ thống thành những khối con.
+ Xác định mô hình mô tả phù hợp cho mỗi khối con hoặc cho cả hệ thống.
+ Sử dụng VHDL để mô tả hệ thống số theo các mô hình đã xác định. Như vậy việc nắm chắc cấu trúc, cú pháp, các mô hình mô tả của ngôn ngữ là rất quan trọng, quyết định chủ yếu đến thành công trong việc mô tả hệ thống số cần thiết kế.
VHDL cũng có nhiều điểm giống như một ngôn ngữ lập trình bậc cao, có cấu trúc, có cú pháp riêng, có cách tổ chức chương trình, có từ khóa, có phương pháp biểu diễn số liệu riêng,...