Phần 4 Kết quả nghiên cứu
4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội tác động đến sử dụng đất
4.1.3. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng
4.1.3.1. Hệ thống giao thông
a. Hệ thống giao thông đường bộ
Hạ tầng giao thông phát triển khá mạnh, tổng chiều dài đường tỉnh lộ, huyện lộ và các đường giao thông nông thôn khác có trên 834 km, song tỷ lệ đường nhựa, đường bê tông còn chưa cao.
Cấp đường tỉnh lộ có 4 tuyến chạy qua dài 36,5 km, trong đó đường nhựa, bê tông chiếm 67,71% chiều dài, còn lại là đường cấp phối.
+ Tỉnh lộ 280 dài 8,5 km, có 6 km đường nhựa bán thâm nhập và 2,5 km đường bê tông.
+ Tỉnh lộ 282 dài 16 km kéo dài từ Đại Bái đến Cao Đức, trong đó đoạn từ Đại Bái đến Nhân Thắng dài 9 km đã được trải nhựa. Đoạn từ Nhân Thắng đến Cao Đức đang được cải tạo, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp IV Đồng bằng.
+ Tỉnh lộ 284 dài 6,8km, có 2,7 km đường nhựa bán thâm nhập, còn lại là đường trải cấp phối đất núi.
+ Tỉnh lộ 285 dài 5,2 km, đã được rải cấp phối đá dăm bằng nguồn vốn của dự án GTNT2 nay cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Cấp đường huyện lộ: có 11 tuyến với tổng chiều dài là 54 km, trong đó đường trải bê tông chiếm 32,52%, còn lại là đường trải cấp phối đất núi, đá dăm.
Đường xã, thôn: đến nay toàn huyện có 74/74 thôn có đường bê tông đạt cấp A, cấp B nông thôn (nền rồng 4-5m, mặt rộng 3m), với tổng chiều dài 199,5 km/262,3 km chiếm 76,05%, còn lại là đường cấp phối và đường đất dài 62,8 km chiếm 23,95%.
Các tuyến đường nội thị trấn có chiều dài 9,6km đường trải nhựa, bê tông đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trên địa bàn huyện có 01 bến xe khách đặt tại thị trấn Gia Bình.
b. Hệ thống giao thông đường thủy
Giao thông đường thủy và bến bãi: sông Đuống là tuyến giao thông thủy quan trọng của quốc gia đang được đầu tư cải tạo để nâng cao năng lực đường thủy tại khu vực Cao Đức và Song Giang ,các bến sông phục vụ xếp dỡ nguyên vật liệu xây dựng là chính, vận chuyển hành khách đang từng bước đi vào hoạt động và được chú trọng. Trên tuyến sông Đuống có 9 bến đò khách ngang sông đang hoạt động..
4.1.3.2. Hệ thống thủy lợi
Cùng với hệ thống công trình thủy nông Nam Đuống, mạng lưới thủy lợi được xây dựng cơ bản, đã phát huy hiệu quả rõ nét trong sản xuất. Diện tích đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm cơ bản đã được tưới tiêu kịp thời, chủ động trong sản xuất, mở rộng thêm được nhiều diện tích thâm canh tăng vụ. Toàn huyện có trên 66 trạm bơm cục bộ với 94 tổ máy bơm các loại, hệ thống tuyến kênh các loại dài 203,96km (trong đó kênh loại I chiếm 12,93%, kênh loại II chiếm 23,8%, kênh loại III chiếm 63,5% chiều dài các tuyến kênh) đảm nhiệm tưới tiêu kịp thời cho diện tích gieo trồng. Công tác phòng chống bão lụt, kiểm tra giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp lệnh bảo vệ đê điều, chống úng nội đồng được chú trọng quan tâm, sẵn sàng bảo vệ an toàn hệ thống đê, kè, cống trong mùa mưa lũ.
4.1.3.3. Năng lượng
Nguồn năng lượng sử dụng hiện nay của huyện chủ yếu là điện năng. Hiện nay 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; có trên 500,1km đường dây truyền tải điện trung thế, hạ thế; có trên 141 trạm biến áp, đảm bảo an toàn cho việc cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; hoàn thành 8 tuyến đường điện chiếu sáng đô thị; số hộ sử dụng điện đạt 100% số hộ.
4.1.3.4. Bưu chính viễn thông
Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành bưu chính viễn thông trong những năm qua đã tăng nhanh chóng. Thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt 24/24 giờ cho 14 xã, thị trấn, riêng tại bưu điện huyện liên lạc quốc tế thuận tiện, nhanh chóng và thông suốt liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, quản lý,
sản xuất và đáp ứng tốt nhu cầu về thông tin liên lạc của nhân dân. Đến cuối năm 2010 đã có hơn 15.924 máy điện thoại cố định, nâng tổng số máy bình quân 15 máy/ 100 dân.
Internet có bước phát triển mới trong cộng đồng, 100% số xã, thị trấn có thuê bao internet, đã lắp đặt cổng thuê bao đến các cơ quan, trường học.
Bưu chính, ngoài chuyển phát thư tín đã có nhiều hình thức dịch vụ tăng thêm như: chuyển phát nhanh EMS, điện hoa, gửi tiết kiệm, chuyển tiền,… hoạt động có hiệu quả và đa dạng.
4.1.3.5. Văn hóa
Hoạt động văn hóa - thông tin - thể dục - thể thao trong những năm qua đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhiều hoạt động sôi nổi thu hút được các tầng lớp nhân dân tham gia. Toàn huyện có 1 nhà văn hóa trung tâm huyện, 13 cụm văn hóa ở các xã, trên 50 nhà văn hóa thôn; 74/74 thôn đều có đài phát thanh. Nhiều hình thức hoạt động thường xuyên ở cơ sở đã góp phần đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Năm 2016 đã có 2 xã đạt xã văn hóa, 38 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, 21.178 gia đình đạt GĐVH, 56 cơ quan, công sở đạt danh hiệu văn hóa. Tuy nhiên cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.
4.1.3.6. Cơ sở y tế
Năm 2017 có 3 xã đăng ký đạt chuẩn y tế quốc gia giai đoạn 2 là Lãng Ngâm, Đông Cứu, Song Giang. Nâng tổng số xã đạt chuẩn y tế quốc gia lên 12 xã, thị trấn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia như: tiêm chủng mở rộng miễn dịch cơ bản cho trẻ em đạt 100% kế hoạch, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 100% kế hoạch,... Tiến hành kiểm tra được 88 lượt cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn huyện, đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở những cơ sở có tồn tại thiếu sót. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, đã tổ chức, kiểm tra được 348 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán, kinh doanh thương mại, các hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
4.1.3.7. Giáo dục và đào tạo
Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm: khối mầm non có 10/14 trường đạt chuẩn mức độ I, 03 trường đạt chuẩn mức độ II; khối tiểu học có 12/15 trường đạt chuẩn mức độ II, 03/15 trường đạt chuẩn mức độ I; Khối THCS có 15/15 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 03 trường công nhận lại đạt chuẩn.