Xuất phát từ mối quan hệ biện chứng giữa nhân tài và sự thịnh suy của đất nước, xuất phát từ những điều kiện cụ thể về kinh tế chính trị của nước ta và mục tiêu giữ vững nền độc lập dân tộc cũng như việc xây dựng đất nước cường
thịnh, các triều đại phong kiến Việt Namđã có những quan niệm về nhân tài, khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu của nhân tài cho sự phát triển triều đại và thực hiện rất thành công chiến lược thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trong tuyển chọn hiền tài, ngay từ xa xưa ông cha ta đã rất quan tâm đến việc tổ chức tuyển chọn thông qua khoa cử và không qua khoa cử (tiến cử, tự tiến cử). Cả hai hình thức tuyển chọn hiền tài này đều đã được các triều đại phong kiến Việt Nam (giai đoạn trước triều Nguyễn) thực hiện.
2.1.2.1. Thời kỳ Bắc thuộc.
Nho giáo thâm nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên với mục đích ban đầu là đáp ứng yêu cầu thống trị của phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta. Nó được sử dụng gắn liền với hoạt động quản lý xã hội của bộ máy cai trị phương Bắc. Thời kỳ Bắc thuộc và bước sang thời kỳ độc lập, tự chủ thì Nho giáo chưa mạnh. Nó cùng với chữ Hán xâm nhập và tồn tại trong xã hội nước ta như một hiện tượng giao lưu văn hóa, xã hội hiển nhiên. Sự ảnh hưởng của Nho giáo đã hình thành một lớp nhân tài mới thông qua con đường giáo dục khoa cử Nho giáo. Lịch sử có ghi lại sự kiện thời Bắc thuộc văn thần Tinh Thiều – người đã tham gia khởi nghĩa lập ra nước Vạn Xuân cùng Lí Bí, được đánh giá là người học giỏi, từng đi thi và anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục cũng được ghi chép là từng đỗ đạt và làm quan ở Trung nguyên. Những nhân tài của thời kỳ này vừa tiêu biểu cho truyền thống văn hóa Việt, vừa là kết quả tiếp thu có chọn lọc văn hóa Trung Quốc. Chính kiểu nhân tài này đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh khôi phục chủ quyền dân tộc và xây dựng nhà nước dân tộc độc lâp sau này.
2.1.2.2. Thời kỳ Ngô, Đinh, Tiền Lê.
Dưới các triều đại phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê (939 – 1009), các ông vua đều có những đóng góp nhất định trong việc ổn định, phát triển đất nước, cũng như trong việc giữ vững nền độc lập và thống nhất quốc gia. Tuy nhiên phương sách cai trị, quản lý xã hội ở các ông vua này còn mang tính tự phát, coi việc võ bị cần thiết hơn việc văn, chưa dựa trên một học thuyết, một lý luận soi
đường. Các vị vua đã thấy được trong Nho giáo tư tưởng mệnh trời, lý thuyết Tam cương, Ngũ thường, đường lối đức trị…đáp ứng được một phần những yêu cầu cai trị, đào tạo nhân tài cho bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đường lối chính trị thời kỳ này chưa hợp lý. Điển hình như sách Đại việt sử ký toàn thư có viết: vua Lê Đại Hành tuy có “kén dùng hiền tài, dựng mở trường học”, nhưng “làm lắm việc thổ mộc, gây nhiều việc can qua, coi nhân dân không khác cỏ rác”[131, tr 157]. Mặc dù vậy, ở thời kỳ này, Nho giáo vẫn chưa có điều kiện và chưa có một cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc để phát triển và có một vai trò nhất định đối với tiến trình phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Đồng thời việc dạy học lúc này chỉ được tiến hành trong các trường tư và trường chùa, nhưng còn mang tính chất cục bộ, tự phát, hầu hết các trường tư đều chưa phát triển. Điều này cho thấy, trong các triều đại đầu của kỷ nguyên độc lập, khoa cử với phương thức đào tạo nhân tài chưa được các nhà nước quân chủ chú trọng và chưa có đóng góp nhiều trong việc đào luyện nhân tài kiến quốc. Vì vậy, vấn đề có ý nghĩa sống còn của dân tộc đặt ra cho triều đại phong kiến cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI là việc cai trị, quản lý xã hội như thế nào, được chỉ dẫn bởi hệ tư tưởng nào để thu hút, đào tạo và sử dụng nhân tài đưa đất nước từng bước vững chắc trên con đường phát triển. Vấn đề đó cũng chính là yêu cầu và đòi hỏi của thời đại.
2.1.2.3. Thời kỳ nhà Lý
Đến thời nhà Lý (đầu thế kỷ XI), vấn đề thu hút, đào tạo và trọng dụng hiền tài mang màu sắc mới. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, nhưng Lý Công Uẩn đã có sự tiếp thu có chọn lọc những điểm tích cực của Nho giáo, mặt khác vẫn giữ được bản sắc văn hóa để tạo nên nét mới trong văn hóa của mình. Điều này thể hiện ở chỗ, ngay sau khi rời đô từ Hoa Lư- Ninh Bình về Thăng Long, năm 1074, triều Lý xuống chiếu mở khoa thi tuyển Minh kinh bác học và thi nho học tam trường để tuyển chọn nhân tài ra làm quan vào năm Ất Mão (1075). Đây là khoa thi đầu tiên chọn người vào Hàn Lâm Viện, mở đầu cho truyền thống khoa cử Việt Nam. Đồng thời cũng đánh dấu sự khởi đầu của
một phương thức đào tạo nhân tài và tuyển dụng nhân tài của nhà nước quân chủ Việt Nam. Sau đó, vào năm 1076, triều đình nhà Lý lập Quốc Tử Giám (được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam), để dạy con em hoàng tộc. Quốc Tử Giám là nơi đào tạo được rất nhiều trí thức, nhân tài cho đất nước. Nó chứng tỏ việc dạy học thực sự được quan tâm và triều đình đã thực hiện việc đào tạo tập trung tại thành Thăng Long. Đánh giá vấn đề khoa cử dưới triều Lý, theo sử gia Ngô Thì Sỹ: “Bấy giờ phép thi khoa cử chưa có thể thức nhất định, hoặc đương thời khi cần thì có chiếu của nhà vua gọi những sĩ nhân trong nước vào thi ở trong sân điện”[ 29, tr 57-58]. Nhà Lý đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng của hệ thống các hoạt động chính thức của nhà nước trong đào tạo và sử dụng nhân tài, mà từ đó liên tục cho đến ngày nay qua 10 thế kỷ vẫn được kế tiếp thực hiện và phát huy.
Khảo sát lịch sử triều Lý, có thể thấy hai hình thức tuyển chọn nhân tài được áp dụng phổ biến đó là thông qua thi cử, có các khoa thi chọn người tài về học vấn, người giỏi võ nghệ. Tuyển chọn người tài về học vấn đã được tiến hành với 6 khoa thi Nho học và 1 khoa thi Tam giáo. Nhiều nhân tài được tuyển dụng mà tiêu biểu như: Lê Văn Thịnh. Việc tuyển chọn nhân tài thông qua thi võ tuy diễn ra không quy mô và cũng không theo quy định, nhưng cũng đã tìm được người giỏi võ thuật. Có thể kể tới tướng võ Lê Phụng Hiểu. Việc đào tạo nhân tài cũng có quy định như: “Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám”[Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.296]. Nhân tài được tuyển dụng đều được cất nhắc bổ nhiệm, trọng dụng. Họ giữ vị trí quan trọng giúp các vua triều Lý xây dựng và phát triển triều đại.
Tuy nhiên nhà Lý còn trọng dụng nhân tài trong giới tăng lữ, các hòa thượng. Các nhân tài này gắn kết với tư tưởng của đạo Phật. Họ vừa là một hòa thượng, lại vừa là một cố vấn chính trị- xã hội, hoặc vừa là một nhà sư, vừa là một đạo sĩ, thầy thuốc, thầy giáo với tri thức phong phú cả về Nho giáo, Triết học, Y học, Lý số học…Có thể kể đến những nhân tài như: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn
Nguyên Ức, Nguyễn Giác Hải. Họ được các vua triều Lý tin phục, hỏi bàn những vấn đề quan trọng về chủ trương cai trị triều đại.
Bên cạnh việc thu hút, đào tạo và trọng dụng nhân tài trên đây, triều Lý còn tuyển chọn nhân tài quan một số hình thức khác như xuống chiếu cầu lời nói thẳng, tìm người hiền lương có tài văn, võ rồi cất nhắc cho quản quan dân. Tùy theo khả năng của từng người mà giao việc. Ví dụ như với những quan viên văn chức người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám làm việc. Đây là những người tài ba, trung thực, thẳng thắn, đó là, những nhân tài: Mâu Du Đô, Trần Trung Tá. Họ đã góp phần làm nở rộ vườn hoa nhân tài dưới triều đại nhà Lý
Như vậy, nhà Lý đã mở đầu thực hiện việc tuyển chọn và sử dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước quân chủ phong kiến tập quyền. Song triều Lý với sự hưng thịnh của Phật giáo, có sự tồn tại của Đạo giáo nên nhân tài theo quan điểm Nho giáo chưa đặt được nền móng vững chắc, chưa có được mô hình đào tạo- tuyển chọn sử dụng nhân quy củ như các triều đại sau này. Song, quan điểm về thu hút, đào tạo và trọng dụng nhân tài dưới triều Lý đã đem lại những kinh nghiệm đầu tiên về giáo dục- đào tạo nhân tài cho các triều đại sau này và các vua triều Lý với chính sách trọng dụng nhân tài cảu mình đã tạo nhiều cơ hội cho các nhân vật nổi tiếng phát triển tài năng của họ.
2.1.2.4. Thời kỳ nhà Trần, nhà Hồ.
Triều Trần (1226- 1400) việc giáo dục, khoa cử Nho giáo mới thực sự đóng góp đáng kể vào vào việc đào tạo nhân tài và quan lại. Triều đại nhà Trần, với chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của các vua Trần được thể hiện rõ ở thái độ trân trọng đối với người hiền tài như sử dụng người có thực tài vào công việc trị nước, an dân. Phương châm sử dụng người hiền của nhà Trần là chủ động sử dụng các nhân tài vào những hoạt động thực tiễn. Nhà Trần coi trọng đào tạo nhân tài bằng nhiều phương thức khác nhau: đào tạo trong gia đình, dòng tộc; đào tạo thông qua hệ thống giáo dục Nho học; đào tạo bằng thực tế công việc. Nhà Trần đã thực hiện đồng thời các phương thức thu hút, đào tạo nhân tài này
với mục đích tạo nên đội ngũ quan lại chung, nhân tài nói riêng đủ năng lực và tài đức phục vụ đất nước.
Năm 1253, nhà Trần gọi cả những con em thường dân ưu tú, nhằm đào tạo quan lại phục vụ cho chế độ phong kiến. Năm 1396, vua Trần Thuận Tông đã xuống chiếu quy định cách thức thi chọn nhân tài. Đồng thời định lại thể lệ thi cử chọn người tài. Nếu thời kỳ đầu nhà Trần, thi học trò thể văn không nhất định, thì bây giờ vua Trần Thuận Tông quy định thể văn 4 kỳ (kỳ đệ nhất, kỳ đệ nhị, kỳ đề tam và kỳ đệ tứ- còn gọi là “Tứ trường văn thể). Bỏ lối ám tả, cổ văn. Năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Năm 1397, vua Trần Thuận Tông ban Chiếu mở trường công ở các địa phương như: châu, huyện.
Việc tuyển dụng nhân tài theo 4 phương thức: tuyển chọn quý tộc tôn thất tài giỏi; tuyển chọn nhân tài qua các kỳ thi Thái học sinh; tuyển chọn các nho sinh có tài tuy chưa đỗ đạt, tuyển chọn bằng cách tiến cử. Trong quá trình dùng người, nhà Trần không nhất thiết căn cứ vào phương thức tuyển dụng nào, mà kết hợp các phương thức đó để nhằm đạt được mục đích cung cấp cho bộ máy nhà nước những người vừa có đức, vừa có tài giúp các vua cai trị đất nước. Một điểm sáng cần nhấn mạnh ở đây là, các vua Trần rất coi trọng đào tạo và sử dụng quan lại bằng công việc thực tế. Ví dụ, Trần Hưng Đạo tuyển chọn nhân tài qua công việc. Ông nhấn mạnh: “Tài người nào có thể vượt một trăm người thì làm trưởng trăm người, vượt được một nghìn người thì làm trưởng nghìn người, vượt qua nghìn người thành một quân thì có thể đối phó cơ sự ở một mặt, có thể đảm đương sức chống ở một mặt, đủ làm trưởng cả quân. Quân có lúc cô, thì tướng cần có thể một mình, cho nên người khéo dùng tài thì những chức thiên tì (tức thiên tướng và tì tướng) cũng đều là đại tướng cả”[“Binh thư yếu lược” (1977), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.86].
Nhân tài qua tuyển chọn đã được triều Trần trọng dụng và đãi ngộ bằng cách tùy tài giao việc, được trao quyền cao, chức trọng, được duy trì chế độ tập ấm. Nhân tài được cấp bổng cho các quan văn, võ; lệ khóa cho các quan trong triều và ở các địa phương; chế độ bổng lộc đối với các tôn thất. Cùng với chế độ đãi ngộ
là chế độ xử phạt nghiêm minh đối với những quan lại không có thực tài, không loại trừ trường hợp nào, kể cả tôn thất. Nhà Trần cũng trọng dụng đặc biệt những người tài trong kỹ thuật xây dựng mà không kể họ là người thuộc thời nào ( ví dụ Phù Tá Chu- một người được coi là kiến trúc sư giỏi triều Lý được triều Trần trọng dụng). Vì vậy, nhà Trần đã để lại cho dân tộc một di sản kiến thức đồ sộ.
Có thể khái quát rằng, triều Trần đã quan niệm về nhân tài và trọng dụng nhân tài rất phong phú, đa dạng trên mọi khía cạnh tài năng, ở các lĩnh vực chính trị, xã hội, kỹ thuật và không kể đến đường xuất thân, không nhất thiết phải qua khoa cử. Đội ngũ quan lại được tuyển chọn đã tham gia nhiều hơn vào bộ máy nhà nước, thay thế dần những chức vụ quan trọng mà trước đây chỉ dành cho các tôn thất. Đây là điểm độc đáo riêng của triều Trần. Vì vậy, vương triều Trần đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thành tựu này của triều Trần có vai trò đóng góp lớn của những nhân tài kiệt xuất như: Thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và các nhân tài tiêu biểu như Trần Khánh Dư, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Bá Quát, Chu Văn An. Những nhân tài triều Trần không chỉ có tài năng mà còn là những người đức độ, vì vậy, chính họ đã mang lại nhiều bài học quý báu về tài đức của người làm quan trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, việc phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài dưới cả triều Lý và triều Trần đều tồn tại những rào cản lớn. Sự phân biệt xã hội, bổng lộc, danh phận của những người tài dựa vào xuất thân gia đình tuy đã được các triều đại Lý Trần chủ động có chính sách tháo gỡ, giảm thiểu nhưng vẫn còn là một rào cản lớn. Nhiều nhân tài được phát hiện qua khoa cử do phụ thuộc vào cá nhân nhà vua đã không được trọng dụng. Hiện tượng Chu Văn An là một ví dụ điển hình của lịch sử.
Đến đời Nhà Hồ (1400-1407), Hồ Quý Ly đã cho xây nhà học đường ở các phủ và châu. Ở triều nhà Hồ, việc sử dụng nhân tài vào bộ máy quản lý nhà nước có thay đổi, bổ sung nhưng cơ bản vẫn tiếp nối các chính sách của triều đại trước.
2.1.2.5. Thời kỳ nhà Lê
Nhìn lại thời gian gần 30 năm từ Lê Thái Tổ qua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông rồi đến Lê Thánh Tông, bên cạnh những giai đoạn đất nước trải qua nhiều sự kiện rối ren, biến động (trong đó có vụ thảm án Lệ Chi viên và vụ cướp ngôi của Lê Nghi Dân), cũng đã từng có thời kỳ cực thịnh của phong kiến Việt Nam với sự phát triển mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là việc giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Nhà Lê tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài thông qua các phương cách nhiệm tử (lựa chọn con cháu các đại thần), thi cử (thông qua giáo dục khoa cử) và tiến cử (một người nào đó có tài năng được người khác tiến cử với cấp trên). Nhiệm tử là cách lựa chọn nhân tài trong đội ngũ con cháu đại thần. Hình thức này được áp dụng vào đầu thời Lê sơ, là cách thức tuyển chọn quan lại chủ yếu của triều đình, do vương triều