Thực trạng môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện phúc thọ thành phố hà nội (Trang 49 - 52)

Môi trường nước

Hiện nay một số làng nghề thủ công trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công, lượng chất thải hàng ngày rất lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Với thiết bị công nghệ đơn giản, sản xuất tự phát theo yêu cầu của thị trường, khả năng đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải hạn chế và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt dẫn đến ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt tại khu vực làng nghề chế biến tinh bột sắn và mạ kim loại tại xã Liên Hiệp: một số giếng khoan của các hộ dân ở đây có hiện tượng bị ô nhiễm Asen vượt tới 5 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Nước thải từ các khu dân cư: hầu hết các khu dân cư đều không có hệ thống thoát nước đạt tiêu chuẩn. Nước bẩn chủ yếu là tự thấm, phần còn lại chảy theo rãnh hở, chảy cục bộ từng đoạn rồi xả ra các ao hồ, sông, kênh tưới tiêu, ruộng trũng. Hầu hết các khu vực nông thôn hệ thống thoát nước kém, nhưng lượng chất thải (gồm chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm…) rất lớn và chưa qua xử lý gây ô nhiễm các nguồn nước.

Chất thải canh tác nông nghiệp, các hoạt đông thâm canh nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, tạo nên lượng lớn các chất ô nhiễm chảy vào sông, hồ có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt.

Hiện nay chất lượng môi trường tại hầu hết các khu vực nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn đảm bảo, chưa có những biểu hiện bị ô nhiễm và suy thoái. Tuy nhiên tại một số khu vực như làng nghề, các khu đô thị, dọc các tuyến đường giao thông đã có hiện tượng bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Tại các làng nghề mức độ ô nhiễm xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng cho nhiều khu vực lân cận. Tại khu vực cạnh các tuyến đường giao thông chủ yếu bị ô nhiễm bụi và tiếng ồn, đặc biệt là các tuyến đường đang trong giai đoạn hoàn thiện, nâng cấp. Tại các khu, cụm điểm công nghiệp hiện nay những biểu hiện ô nhiễm do các hoạt động chưa rõ ràng, nhiều khu công nghiệp còn đang trong giai đoạn xây dựng hoặc mới bắt đầu hoạt động.

Trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện nay không có khu Công nghiệp nào hoạt động ngoài cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ, một vài điểm công nghiệp nhỏ có tác động không lớn đối với chất lượng không khí chung trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, ở phạm vi các làng nghề chế biến nông lâm sản trên địa bàn huyện tác động từ các hoạt động sản xuất này là rất đáng kể và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân do các cơ sở sản xuất đều nằm trong khu dân cư. Ngoài ra ô nhiễm không khí còn thể hiện ở các tuyến đường giao thông do khói bụi của các phương tiện hoặc do đang trong quá trình nâng cấp mở rộng.

Môi trường đất

Hiện nay cơ cấu sử dụng đất tại Phúc Thọ đã có những thay đổi đáng kể, diện tích đất chuyên dùng đã gia tăng. Tuy nhiên đất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Chất lượng môi trường đất của huyện chưa có các biểu hiện bị suy thoái, hàm lượng khoáng chất, chất vi lượng trong đất vẫn đảm bảo cho sự phát triển cây trồng tốt. Tuy nhiên, tại khu vực làng nghề chế biến tinh bột sắn và cơ khí mạ kẽm thôn Hạ Hiệp - xã Liên Hiệp phân tích các mẫu đất tầng mặt (0 - 20cm) ở các khoảng cách dưới 50 m, 100 m, 250 m, 500 m với các chỉ tiêu As, Hg, Pb, Cd, Cu, Zn. Hàm lượng As trung bình 32,66 ppm dao động 10,76-52,04 ppm, hàm lượng As vượt quá ngưỡng cho phép đối với mục đích nông nghiệp, ở mẫu HN16 cách mương thải 50, ruộng trồng lúa vượt quá 2,7 lần, mẫu HN17 cách mương thải 100, ruộng rau vượt quá 4,3 lần do người dân sử dụng nước thải tưới rau nên hàm lượng As tích lũy trong đất cao hơn, mẫu HN 18 cách mương thải 250m trồng lúa vượt ngưỡng 2,5 lần, mẫu HN19 trồng lúa cách mương thải 500m chưa vượt ngưỡng cho phép nhưng vẫn còn khá cao với 10,76ppm.

Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón vô cơ đang và sẽ có gây nhiều ảnh hưởng tới môi trường đất, nước và không khí trong khu vực.

* Nhận xét chung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và cảnh quan môi trường

Thuận lợi:

- Huyện Phúc Thọ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cách không xa trung tâm thành phố và có quốc lộ 32 đi qua, dự kiến có đường Tây Thăng Long, trục kinh tế Bắc Nam chạy qua, cách khu công nghệ cao Hòa Lạc khoảng 14 km, giao thông thuận tiện nên có lợi thế rất đặc biệt cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường, giao lưu hàng hoá và thu hút vốn đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến.

- Phúc Thọ có nguồn tài nguyên đất đai đa dạng cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp (có cả vùng đất bãi ven sông, vùng nội đồng) nên được coi là trung tâm sản xuất nông sản của thành phố, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, có nhiều vùng đất úng trũng, thuận lợi cho phát triển trang trại tổng hợp.

- Trên địa bàn huyện Phúc Thọ có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, cảnh quan đẹp cùng với các làng nghề truyền thống là tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa, lễ hội du lịch sinh thái kết hợp du lịch làng nghề.

- Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa có mùa đông lạnh và ẩm, Phúc Thọ có thể phát triển nông nghiệp đa dạng với chủng loại cây vụ đông mang tính ôn đới khá phong phú. Nếu có đủ điều kiện có thể đưa hệ số sử dụng đất canh tác lên 3 lần thậm chí còn cao hơn.

- Do vị trí nằm dọc theo sông như sông Hồng, sông Đáy nên Phúc Thọ có điều kiện để phát triển giao thông thuỷ, khai thác nguồn nước mặt,...

- Truyền thống ngàn năm văn hiến, người dân cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, văn minh, thanh lịch, tiếp thu nhanh với những cái mới và luôn biết gìn giữ, trân trọng bản sắc văn hoá dân tộc. Đó không chỉ là nét đẹp của người Hà Nội mà còn là động lực to lớn của Phúc Thọ trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Do đặc điểm, cấu tạo của địa hình, địa chất nên hình thành rất nhiều ô trũng cục bộ, thường bị úng lụt trong mùa mưa. Ở những vùng đất yếu, khi xây dựng cần có sự đầu tư lớn để gia cố nền móng nên rất tốn kém..., đây là mặt hạn chế rất lớn của địa phương.

- Về khí hậu thời tiết tuy có những thuận lợi nhưng do đặc điểm nóng, lạnh thất thường của gió mùa cộng với độ ẩm cao đã tác động mạnh tới các kết cấu xây dựng, làm cho các công trình xây dựng của huyện chóng hư hỏng và xuống cấp nhanh.

- Lượng chất thải sinh hoạt thu gom được quá ít so với thực tế, chất thải rắn thu gom từ các nhà máy, xí nghiệp đạt 75%, tuy nhiên chất thải từ các nhà máy nhỏ lẻ, các làng nghề hầu như chưa được thu gom, xử lý. Ô nhiễm môi trường nước, đất cục bộ ở một số làng nghề, khu dân cư tập trung cũng là những hạn chế nhất định trong phát triển kinh tế xã hội của huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện phúc thọ thành phố hà nội (Trang 49 - 52)