Thực trạng lao động hành chính công ở cấp xã hiện nay ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện thuận châu, tỉnh sơn la (Trang 31 - 33)

Xã, phường, thị trấn (cấp xã) có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị - hành chính. Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, nước ta có 11.162 xã, phường, thị trấn với tổng số 224.217 CBCC và 317.766 cán bộ không chuyên trách cấp xã (Phan Văn Hùng - Vụ trưởng vụ chính quyền địa phương Bộ Nội Vụ). Đây là những người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện. Kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở cũng như năng lực lãnh đạo, uy tín chính trị, bản chất của Đảng, Nhà nước ta gắn liền với năng lực, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ này. Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vừa là yêu cầu cơ bản, vừa là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay (Vũ Viết Chiến, 2017).

Thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm, coi trọng xây dựng đội ngũ CBCC các cấp, trong đó có đội ngũ CBCC cơ sở. Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, quy định về công tác cán bộ. Nhờ đó, công tác cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp có chuyển biến rõ rệt. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, trong đó có những quan điểm, chủ trương đặt cơ sở cho việc xác định các chức danh CBCC và chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã. Thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã như: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP về CBCC xã, phường, thị trấn; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với CBCC ở xã, phường, thị trấn; Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã, phường, thị trấn đến năm 2010; Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối

với CBCC ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn; Quyết định số 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân các xã thuộc 62 huyện nghèo… Bộ Nội vụ có Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với CBCC xã, phường, thị trấn và Thông tư 06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn... (Vũ Viết Chiến, 2017).

Nhìn chung, đa số CBCC cơ sở được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều CBCC xã, phường, thị trấn có ý thức trách nhiệm, thái độ cầu thị, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu công tác và học tập, rèn luyện, hăng hái chăm lo việc làng, việc xã, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Thái độ giao tiếp của đa số CBCC thực thi nhiệm vụ ở cơ sở với các tổ chức, công dân có chuyển biến rõ rệt, có ý thức trách nhiệm, tận tình và chu đáo, ứng xử đúng mực, đóng vai trò then chốt trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân, trực tiếp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và yêu cầu ngày càng cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới… ở cấp xã hiện nay, đội ngũ CBCC cấp xã tại nhiều địa phương còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém cả về số lượng và chất lượng (Vũ Viết Chiến, 2017).

Về số lượng, vấn đề nan giải đặt ra đối với các xã, phường, thị trấn hiện nay là vừa thừa, lại vừa thiếu cán bộ. Số cán bộ được hưởng lương, phụ cấp, bồi dưỡng… từ ngân sách ở cấp xã và dưới xã trung bình khoảng 200 người/xã, có phường lên tới 600 người, dẫn đến tổng số CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã và dưới cấp xã cả nước hiện khoảng 2,3 triệu người và xu hướng còn tăng thêm, trong khi đó nhiều nơi lại đang rất thiếu những cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc tốt. Đây thực sự là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước và là bài toán khó cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ này (Vũ Viết Chiến, 2017).

Bên cạnh hạn chế về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kinh nghiệm, đội ngũ CBCC cấp xã ở nhiều nơi vẫn còn nhiều hạn chế về tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử. Nhiều cán bộ xã sau khi trở thành công chức có biểu hiện xa dân hơn, quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, tình trạng cục bộ địa phương theo thôn, xóm, dòng họ trong đội ngũ CBCC còn diễn ra ở nhiều nơi. Xu hướng hành chính hóa đội ngũ CBCC cấp xã tương đối phổ biến.

Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, trong đó có nguyên nhân do lịch sử để lại. Đội ngũ CBCC cấp xã được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, đa số trưởng thành ở cơ sở, tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng không được đào tạo bài bản, lại chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ. Mặt khác, trong một thời gian dài, việc xây dựng đội ngũ CBCC cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ chưa được thực hiện bài bản. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ cơ sở còn nhiều bất hợp lý, chưa đảm bảo để cán bộ yên tâm công tác, cống hiến (Dương Trung Ý, 2013).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện thuận châu, tỉnh sơn la (Trang 31 - 33)