2013
2.3.3. Tình hình thực hiện quản trị công ty theo cơ cấu sở hữu
Trong khảo sát thẻ điểm quản trị công ty, khái niệm “sở hữu”, bao gồm sở hữu nước ngoài và sở hữu nhà nước, được hiểu là nắm 5% vốn trở lên, còn “không sở hữu” là nắm dưới 5% vốn.
Trong tổng số 25 công ty có điểm số quản trị công ty cao hơn, mức sở hữu bình quân của nước ngoài là 27.7%. Khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong công ty giảm thì điểm số quản trị công ty cũng giảm tương ứng. 25 công ty có điểm số quản trị công ty thấp nhất cũng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất là 11.7%. Mối liên hệ này có ý nghĩa thống kê. Như vậy, các công ty sở hữu nước ngoài có cơ hội đạt điểm quản trị công ty cao hơn các công ty khác. Điều này phản ánh tác động của sở hữu nước ngoài lên công ty. Hoặc là nhà đầu tư nước ngoài thường đòi hỏi các công ty họ đầu tư phải áp dụng thông lệ quản trị công ty tốt hơn, hoặc họ chỉ bỏ vốn đầu tư vào những công ty đã có chất lượng quản trị công ty tốt.
Kết quả phân tích tương tự đối với những công ty có sở hữu nhà nước từ 5% trở lên cho thấy một bức tranh khác với sở hữu nước ngoài. Sở hữu nhà nước không đem lại ảnh hưởng tích cực đáng kể về điểm số quản trị công ty cũng như thông lệ quản trị công ty của các doanh nghiệp. Nguyên nhân có thể là do Nhà nước không có lợi thế như những nhà đầu tư tư nhân là được tự do lựa chọn những công ty quản trị công ty tốt hơn để đầu tư. Các công ty nhà nước nắm giữ cổ phần hiện nay đều là những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Tuy nhiên, nhà nước, với tư cách là cổ đông lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam, cần thể hiện vai trò tích cực hơn hay thậm chí đi đầu trong việc áp dụng những thông lệ quản trị công ty tốt ở những doanh nghiệp có nhà nước là cổ đông lớn.