Quản trị công ty và thành phần hội đồng quản trị

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của quản trị công ty đối với sai phạm trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán việt nam (Trang 56)

2013

2.3.4. Quản trị công ty và thành phần hội đồng quản trị

Quy mô bình quân của hội đồng quản trị trong tất cả các công ty khảo sát là 6.2 người. Tuy nhiên, những công ty có điểm số quản trị công ty cao nhất có số lượng thành viên nhiều hơn là 6.8 người. Điều này là phù hợp bởi những công ty có điểm quản trị công ty cao cũng thường có quy mô lớn hơn, phức tạp hơn, và vì thế cần nhiều thành viên hội đồng quản trị hơn để điều hành hoạt động của công ty.

Với xu hướng toàn cầu ngày càng gia tăng về việc tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị độc lập, yếu tố này cũng được xem xét. Quan sát cho thấy những công ty có tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị độc lập cao hơn cũng có cơ chế quản trị công ty tốt hơn và ngược lại. 10 công ty có điểm quản trị công ty cao nhất có hơn 22% thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Thành viên hội đồng quản trị độc lập được kỳ vọng sẽ tạo sự đổi mới trong tư duy chiến lược của công ty, chất vấn thẳng thắn hội đồng quản trị và ban giám đốc, bảo vệ quyền lợi của mọi cổ đông, đặc biệt là những cổ đông thiểu số. Tóm lại, chất lượng quản trị công ty có liên hệ với yếu tố thành phần của hội đồng

quản trị và sẽ có lợi nếu trong hội đồng quản trị có nhiều tiếng nói đa dạng và độc lập.

2.4. ẢNH HƢỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ QUẢN TRỊ CÔNG TY ĐẾN SAI PHẠM TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

2.4.1. Thiết kế nghiên cứu

a. Xác định các biến

* Biến phụ thuộc: Chỉ tiêu sai phạm trên báo cáo tài chính là biến phụ thuộc, ký hiệu là Saipham, biến này nhận giá trị 1 nếu doanh nghiệp có sai phạm và nhận giá trị 0 nếu ngược lại. Trong nghiên cứu này, doanh nghiệp sai phạm là các doanh nghiệp có lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán khác nhau, và hành vi điều chỉnh lợi nhuận đó được xác định là cố ý. Các doanh nghiệp nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ cũng được xem là sai phạm. Ngược lại, các doanh nghiệp không có sự thay đổi lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán trong suốt giai đoạn 2011- 2013 được xem là không sai phạm.

* Biến độc lập: Các nhân tố thuộc quản trị công ty ảnh hưởng đến sai phạm trên báo cáo tài chính được gọi là các biến độc lập. Các nhân tố tác giả xây dựng dựa trên việc tham khảo nghiên cứu của Nadia Smaili và Réal Labelle (2013) [13] bởi các biến độc lập mà các tác giả này xây dựng khá đầy đủ và khoa học so với các nghiên cứu khác. Hơn nữa, mô hình của nghiên cứu này cũng không phức tạp, có thể áp dụng vào điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình chọn mẫu và thu thập dữ liệu, do sự hạn chế về quy mô mẫu và tính tin cậy của dữ liệu, tác giả chỉ chọn một biến độc lập đại diện cho mỗi nhóm phản ánh tình hình quản trị công ty của doanh nghiệp mà không áp dụng y nguyên nghiên cứu của Nadia Smaili và Réal Labelle (2013) [13] để tránh gây nhiễu.

- Biến độc lập phản ánh hiệu quả giám sát của hội đồng quản trị: Tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị không điều hành.

Như đã trình bày trong phần 1.3. nhóm các biến phản ánh hiệu quả giám sát của hội đồng quản trị bao gồm tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị độc lập, có hay không sự kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, quy mô hội đồng quản trị và số lượng cuộc họp hội đồng quản trị.

Liên quan đến nhân tố quy mô hội đồng quản trị, theo thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ Tài chính ban hành quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng Việt Nam thì số lượng thành viên hội đồng quản trị từ 3 đến 11 người. Tuy nhiên theo tác giả, muốn đánh giá được quy mô hội đồng quản trị của một doanh nghiệp có phù hợp hay không thì phải đặt nó trong mối tương quan với quy mô doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến việc nghiên cứu sự phù hợp của quy mô hội đồng quản trị với quy mô doanh nghiệp, và tại Việt Nam cũng chưa có quy định, hướng dẫn nào để tác giả có thể làm căn cứ thực hiện. Hơn nữa, việc nghiên cứu đơn thuần mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và sai phạm cáo cáo tài chính của Jouini Fathi (2013) [9] và Yi Zhang (2006) [15] đã không tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa nhân tố này với sai phạm cáo cáo tài chính. Do vậy, tác giả không đưa nhân tố này vào mô hình nghiên cứu.

Tác giả cũng không đưa nhân tố số lượng các cuộc họp hội đồng quản trị vào mô hình cũng bởi lý do tác động của nhân tố này đối với sai phạm báo cáo tài chính là không rõ ràng. Tính đến nay mới chỉ có một nghiên cứu của Jouini Fathi (2013) [9] xét đến nhân tố này. Và trong điều kiện Việt Nam, yếu tố số lượng cuộc họp hội đồng quản trị không quan trọng bằng chất lượng, nhưng tác giả không có điều kiện đo lường chất lượng các cuộc họp hội đồng quản trị của doanh nghiệp.

Tác động của việc kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc cũng không rõ ràng trong điều kiện Việt Nam. Với một nền kinh tế mà các doanh nghiệp phần nhiều xuất thân từ sở hữu nhà nước và sở hữu gia đình như Việt Nam thì câu hỏi rằng có nên khuyến khích việc kiêm nhiệm hay tách biệt hai chức danh này vẫn còn đang để ngỏ. Lý thuyết đại diện không ủng hộ hành vi này vì nguy cơ lạm quyền của tổng giám đốc. Tuy nhiên mặt khác việc kiêm nhiệm cũng mang đến nhiều điểm tích cực, chẳng hạn quyền lực tập trung vào người sở hữu lớn nhất thì trách nhiệm điều hành của nhân vật này sẽ được đẩy lên mức cao nhất. Ngoài ra, nếu nhân vật kiêm nhiệm có đạo đức kinh doanh, tức giả thiết không có hành vi tư lợi, lúc đó sự quyết định của hội đồng quản trị cũng chuẩn xác hơn, các nhà quản trị khác trong doanh nghiệp cũng được quản lý chặt chẽ hơn. Do nghi ngại về sự tác động không rõ ràng của nhân tố này đến sai phạm báo cáo tài chính, tác giả cũng loại bỏ nó khỏi mô hình.

Biến độc lập đại diện cho hiệu quả giám sát của hội đồng quản trị tác giả chọn để đưa vào mô hình là Tylekhongdieuhanh: Tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị không điều hành. Các nghiên cứu trước đây đều xem xét đến tác động của nhân tố tỷ lệ thành viên độc lập và đã đều tìm thấy bằng chứng chứng minh mối tương quan ngược chiều giữa nhân tố này và sai phạm báo cáo tài chính. Lý thuyết đại diện cho rằng những thành viên hội đồng quản trị độc lập đóng một vai trò quan trọng để giảm bớt mâu thuẫn đại diện giữa chủ sở hữu và nhà quản trị. Theo thông lệ quốc tế tốt, thành viên hội đồng quản trị độc lập là người có quan điểm độc lập, khách quan trong quyết định, và không có xung đột lợi ích.

Luật pháp Việt Nam quy định công ty niêm yết phải có ít nhất 1/3 số thành viên hội đồng quản trị là thành viên không điều hành nhằm đảm bảo “tính độc lập” của hội đồng quản trị. Điều này có thể dẫn đến nhầm lẫn về

khái niệm thành viên hội đồng quản trị “không điều hành” và thành viên hội đồng quản trị “độc lập”. Mặc dù quy chế quản trị công ty ban hành năm 2012 đã phân biệt rõ hơn giữa thành viên hội đồng quản trị không điều hành và thành viên hội đồng quản trị độc lập nhưng nhiều công ty vẫn còn nhập nhằng giữa hai khái niệm này. Do vậy, trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng biến tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị không điều hành để xem xét sự độc lập của hội đồng quản trị có tác động như thế nào đến sai phạm báo cáo tài chính chứ không sử dụng biến tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị độc lập. Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty năm 2012 của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cũng đã cho thấy các công ty có tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị không điều hành cao hơn cũng có cơ chế quản trị công ty tốt hơn và ngược lại. Do đó, giả thiết được đặt ra như sau:

H1: Tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị không điều hành của doanh nghiệp càng cao thì càng khả năng sai phạm báo cáo tài chính càng ít.

- Biến độc lập phản ánh hiệu quả của ban kiểm soát: Tỷ lệ chuyên gia tài chính trong ban kiểm soát.

Như đã trình bày trong phần 1.3, các nghiên cứu trước đây đã chứng minh sự ảnh hưởng của hiệu quả giám sát của ủy ban kiểm toán đến sai phạm báo cáo tài chính. Ở Việt Nam, hầu hết các công ty không thành lập ủy ban kiểm toán nhưng có ban kiểm soát do đại hội cổ đông bầu ra có chức năng tương tự ủy ban kiểm toán. Do vậy, nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của hiệu quả ban kiểm soát thay cho ủy ban kiểm toán đến sai phạm báo cáo tài chính.

Hai nhân tố phản ánh hiệu quả của ủy ban kiểm toán mà Nadia Smaili, Réal Labelle (2013) [13] đưa ra trong nghiên cứu của mình là tỷ lệ thành viên ủy ban kiểm toán độc lập và tỷ lệ chuyên gia tài chính trong ủy ban kiểm toán. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam chưa có quy định về thành viên ban kiểm soát

độc lập, cho nên tác giả không có điều kiện đo lường biến tỷ lệ thành viên ban kiểm soát độc lập.

Cũng theo nghiên cứu của Nadia Smaili, Réal Labelle (2013) [13], sự hiện diện của chuyên gia tài chính trong ủy ban kiểm toán thể hiện năng lực của ủy ban kiểm toán và đóng góp đáng kể vào việc thực hiện tốt vai trò giám sát của mình. Vậy trong một nền kinh tế thị trường còn non nớt như Việt Nam, liệu tỷ lệ chuyên gia tài chính trong ban kiểm soát có tác động đến sai phạm báo cáo tài chính? Từ “chuyên gia tài chính” ám chỉ những thành viên ban kiểm soát có trình độ chuyên môn là đại học chuyên ngành tài chính kế toán, kiểm toán trở lên hoặc có chứng chỉ kiểm toán. Biến TylechuyengiaTC được đo lường bằng cách lấy số lượng chuyên gia tài chính chia cho tổng số thành viên trong ban kiểm soát. Nghiên cứu kiểm định giả thiết:

H2: Tỷ lệ chuyên gia tài chính trong ban kiểm soát có mối quan hệ ngược chiều với sai phạm báo cáo tài chính.

- Biến độc lập phản ánh chất lượng kiểm toán: Chất lượng kiểm toán viên.

Trong các nghiên cứu trước đây, nếu nhân tố chất lượng kiểm toán viên- đại diện bởi kiểm toán viên có phải thuộc Big 4 hay không- được hầu hết các tác giả như Khalid Abu Masdoor (2011) [11], Giuseppe D’Onza, Rita Lamboglia (2012) [12], Nadia Smaili, Réal Labelle (2013) [13] chứng minh rằng nó có mối tương quan ngược chiều với sai phạm báo cáo tài chính thì nhân tố nhiệm kỳ kiểm toán viên mới chỉ được đề cập đến trong nghiên cứu của Nadia Smaili, Réal Labelle (2013) [13]. Trong nghiên cứu này, tác giả cũng loại trừ nhân tố nhiệm kỳ kiểm toán viên bởi tác động của nó là không rõ ràng.

Chất lượng kiểm toán là yếu tố quyết định quan trọng của hiệu quả kiểm toán và có khả năng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và

phát hiện sai phạm. Biến Chatluongkiemtoan là một biến giả. Biến này bằng 1 nếu kiểm toán của đơn vị thuộc nhóm Big 4, tức nhóm bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, ngược lại nếu kiểm toán là các công ty trong nước hoặc nước ngoài nhưng ít tên tuổi sẽ được mã hóa bằng 0. Mục đích của nghiên cứu kiểm tra giả định sau:

H3: Nếu được kiểm toán bởi kiểm toán viên Big 4, doanh nghiệp sẽ ít có khả năng sai phạm hơn.

Big 4 gồm có: Price Waterhouse Coopers (PWC), Deloitte Touche Tohmatsu (Deloitte), Ernst and Young (E&Y) và KPMG.

Ngoài các biến phản ánh tình hình quản trị công ty trên, tác giả đưa vào các biến khác mô tả bối cảnh của doanh nghiệp:

- Tyleno: Tỷ lệ nợ được đo lường bằng cách lấy tổng nợ chia cho tổng tài sản. Một mặt tỷ lệ nợ thấp cho thấy khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp là cao nhưng mặt khác nó hàm ý doanh nghiệp chưa biết khai thác đòn bẩy tài chính. Nadia Smaili và Réal Labelle (2013) chỉ ra rằng doanh nghiệp có tỷ lệ nợ càng cao thì càng có khả năng sai phạm. Vậy giả thuyết này có đúng trong điều kiện Việt Nam? Do đó, cần kiểm định giả thuyết:

H4: Tỷ lệ nợ càng cao thì doanh nghiệp càng có khả năng sai phạm.

- Logquymo: Với nhiều lập luận được đưa ra, Nadia Smaili và Réal Labelle (2013) [13] đã chứng minh tại Canada một doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì mức độ quản lý càng chặt chẽ và hệ thống thông tin càng tốt, do vậy hạn chế được sai phạm báo cáo tài chính. Tuy nhiên, biến này chưa được xem xét trong nghiên cứu của các tác giả khác. Liệu trong điều kiện Việt Nam, quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng gì đến sai phạm báo cáo tài chính?

H5: Quy mô doanh nghiệp có quan hệ ngược chiều với sai phạm báo cáo tài chính.

Quy mô doanh nghiệp được đo lường qua nhiều chỉ tiêu: tổng tài sản, tổng doanh thu hoặc tổng lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lao động trong doanh nghiệp mang đậm đặc trưng từng ngành (ví dụ các doanh nghiệp sản xuất thì số lao động rất nhiều, doanh nghiệp công nghệ thông tin thì số lao động sử dụng lại thấp), nghiên cứu này không tập trung vào một ngành cụ thể do đó nhân tố tổng số lao động không phản ánh được quy mô doanh nghiệp và không được đưa vào nghiên cứu.

- Mucdosinhloi: Yi Zhang (2006) [15] và Nadia Smaili và Réal Labelle (2013) [13] đã tìm thấy mối liên hệ ngược chiều giữa mức độ sinh lời- được đại diện bởi chỉ tiêu ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản)- với sai phạm báo cáo tài chính. Cũng giống như các công ty cổ phần ở các quốc gia khác, mục tiêu hàng đầu của các công ty cổ phần Việt Nam là giữ giá cổ phiếu, duy trì lòng tin của nhà đầu tư. Do vậy, ở các doanh nghiệp có mức sinh lời thấp, nhà quản trị sẽ có xu hướng gian lận về công bố thông tin vì lợi ích cá nhân của họ, bản thân doanh nghiệp cũng có xu hướng gian lận để giữ giá cổ phiếu trên thị trường và che giấu thực trạng hoạt động kém hiệu quả với cổ đông. Giả thiết đặt ra là:

H6: Mức độ sinh lời càng cao thì khả năng doanh nghiệp sai phạm báo cáo tài chính càng thấp.

Khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp có thể đo lường qua các chỉ tiêu ROA, ROE, tỷ lệ sinh lời trên doanh thu. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng chỉ tiêu ROA để đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp, chỉ tiêu này được tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) chia cho tài sản bình quân.

- Khanangthanhtoan: Nadia Smaili và Réal Labelle (2013) [13] và Yi Zhang (2006) [15] đã tìm thấy bằng chứng chứng minh khi doanh nghiệp an toàn về khả năng thanh toán, nó ít thực hiện hành vi gian lận báo cáo tài chính. Các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì có khuynh hướng gian lận để

biện minh tình trạng công ty với các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này, chỉ tiêu này được đo lường bằng khả năng thanh toán hiện hành và lập luận rằng nó có quan hệ ngược chiều với sai phạm báo cáo tài chính.Khả năng thanh toán hiện hành được tính bằng tài sản lưu động chia cho nợ ngắn hạn.

H7: Khả năng thanh toán có mối tương quan ngược chiều với sai phạm báo cáo tài chính.

b. Xây dựng mô hình hồi quy

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của quản trị công ty đối với sai phạm trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán việt nam (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)