6. Kết cấu của luận án
1.4. Đánh giá tình hình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đề tài luận án
Các công trình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đề tài của Luận án đã có những phân tích và hệ thống hóa ở mức độ nhất định một số khía cạnh của tự do di chuyển lao động ASEAN và việc thực thi các cam kết của Việt Nam. Cụ thể:
Về những vấn đề lý luận, những công trình này đã khái quát được tự do di chuyển lao động ASEAN là kết quả của hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn và từ yếu tố nội tại của ASEAN là sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế, xã hội, dân
25 Nguyễn Liên Hương, Nguyễn Thế Quân, Thiều Thị Thanh Thuý, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (2016), “Xu thế dịch chuyển kỹ sư trong khối ASEAN: Cơ hội và thách thức cho việc đào tạo kỹ sư lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học công nghệ, (29).
số… Bên cạnh đó, các công trình này cũng phân tích được những tác động tích cực và tiêu cực của tự do di chuyển lao động đối với ASEAN, từng quốc gia thành viên và người lao động trong khối.
Về những vấn đề pháp lý, các công trình nghiên cứu về tự do di chuyển lao động ASEAN đã làm rõ được nội dung của một số văn kiện (Các Hiệp đinh, Chương trình hành động, Bản Kế hoạch tổng thể…) được thông qua trong khuôn khổ ASEAN về tự do di chuyển lao động nội khối. Đặc biệt có các công trình nghiên cứu về Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân năm 2012, việc thực hiện MNP là một trong những biện pháp quan trọng được triển khai nhằm thực hiện tự do di chuyển lao động trong ASEAN. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra được những điểm hạn chế của tự do di chuyển lao động trong ASEAN và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường phạm vi và mức độ tự do di chuyển lao động trong khu vực.
Về thực hiện các cam kết về tự do di chuyển lao động trong ASEAN của các quốc gia thành viên, một số ít công trình nghiên cứu đã phân tích được cam kết của các quốc gia thành viên trong khuôn khổ AFAS với các gói cam kết được thông qua tại các vòng đàm phán, việc nội luật hóa các cam kết này của các quốc gia thành viên.
Về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, các công trình nghiên cứu đã đề cập đến các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia vào di chuyển lao động nội khối ASEAN, mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy lao động Việt Nam tham gia vào thị trường lao động khu vực.
Về cơ bản, những công trình nghiên cứu này đã cung cấp những kiến thức cơ bản về tự do di chuyển lao động ASEAN, nhưng vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế sau:
Thứ nhất, mặc dù đã có khá nhiều công trình ở trong và ngoài nước nghiên cứu về tự do di chuyển lao động ASEAN nhưng chưa có một công trình nào tiếp cận và nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về tự do di chuyển lao động ASEAN dưới góc độ lý luận, pháp lý và thực tiễn thực hiện, cụ thể là:
- Đối với các công trình không nghiên cứu chuyên biệt về tự do di chuyển lao động ASEAN: Đây là những công trình nghiên cứu về di chuyển lao động quốc tế về ASEAN hoặc Cộng đồng kinh tế ASEAN cho nên tự do di chuyển lao động ASEAN chỉ là một phần trong nội dung của những công trình này. Những công trình nghiên cứu về di chuyển lao động quốc tế khi đề cập đến tự do di chuyển lao động ASEAN như một minh chứng cho kết quả của hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong khi đó những công trình nghiên cứu về ASEAN hoặc Cộng đồng kinh tế
ASEAN đề cập tự do di chuyển lao động là một trong những nội dung cốt lõi của thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN bên cạnh tự do di chuyển hàng hóa, tự do di chuyển dịch vụ, tự do di chuyển dòng vốn và tự do hóa đầu tư.
- Đối với các công trình nghiên cứu chuyên biệt về tự do di chuyển lao động ASEAN: Số lượng các công trình này không nhiều và chủ yếu đánh giá tự do di chuyển lao động ASEAN dưới góc độ kinh tế mà chưa đúc kết một cách sâu sắc và toàn diện về những vấn đề pháp lý của tự do di chuyển lao động trong ASEAN. Hơn nữa, các công trình trên không đánh giá một cách toàn diện thực tiễn thực hiện pháp luật ASEAN về tự do di chuyển lao động của các quốc gia thành viên mà chỉ đánh giá ở ở các khía cạnh hẹp như di chuyển thể nhân, hoặc thực tiễn thực hiện Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Thứ hai, mặc dù có những công trình nghiên cứu chuyên biệt về tự do di chuyển lao động nhưng vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế như sau:
- Về khía cạnh lý luận: Một số công trình nghiên cứu đã luận giải nguyên nhân của tự do di chuyển lao động trong ASEAN xuất phát từ bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực sâu và rộng hơn, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên nhưng lại chưa đưa ra được một khái niệm cụ thể về tự do di chuyển lao động trong ASEAN, chưa chỉ ra và phân tích được các đặc điểm của tự do di chuyển lao động trong ASEAN trong mối tương quan so sánh với tự do di chuyển lao động được thực hiện trong khuôn khổ một số tổ chức khác như EU, NAFTA... Chưa có công trình nghiên cứu nào có những đánh giá sâu sắc và toàn diện về vai trò của tự do di chuyển lao động đối với ASEAN, quốc gia thành viên và người lao động đến từ các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra một định nghĩa về pháp luật ASEAN về tự do di chuyển lao động cũng như phân tích nguồn của pháp luật ASEAN về tự do di chuyển lao động và đặc điểm của pháp luật ASEAN về tự do di chuyển lao động.
- Về khía cạnh pháp lý: Đại đa số các nghiên cứu đều phân tích về nội dung của các thoả thuận khu vực như AFAS, MNP hoặc MRA một cách riêng lẻ, chưa toàn diện và cũng chưa phân tích, bình luận được về các thoả thuận này như là những phương thức thực hiện tự do di chuyển lao động trong ASEAN có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, các thiết chế pháp lý điều phối tự do di chuyển lao động trong ASEAN chưa được đề cập trong bất cứ công trình nghiên cứu nào về tự do di chuyển lao động trong ASEAN.
- Về khía cạnh thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN: Một số ít công trình nghiên cứu đi vào phân tích các gói cam kết cụ thể của các quốc gia thành viên về tự do di chuyển thể nhân nhưng lại chưa đánh giá thực tiễn
“nội luật hóa” của các quốc gia thành viên để, từ đó có một cách nhìn tổng quát về hiệu quả thực hiện các cam kết về tự do di chuyển lao động trong ASEAN và đề xuất những khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trên thực tế đối với những cam kết về tự do di chuyển lao động nội khối.
Thứ ba, tại Việt Nam những công trình nghiên cứu về tự do di chuyển lao động ASEAN còn ít và những công trình này chỉ tiếp cận một khía cạnh của tự do di chuyển lao động như Thoả thuận công nhận lẫn nhau trong ASEAN, Khung tham chiếu trình độ quốc gia… Ngay cả Luận án Sự tham gia của Việt Nam vào di chuyển lao động nội khối ASEAN của tác giả Đào Thị Thu Trang26 mặc dù là công trình nghiên cứu về di chuyển lao động nội khối ASEAN, đặc biệt tập trung nghiên cứu thực trạng mức độ tham gia của Việt Nam vào di chuyển lao động nội khối nhưng cũng chỉ dừng lại xây dựng cơ sở lý luận về sự tham gia vào di chuyển lao động nội khối của các nước thành viên ASEAN (tác giả lý giải sự tham gia này xuất phát điểm từ sự hình thành khối kinh tế khu vực) và đánh giá trực trạng Việt Nam tham gia vào di chuyển lao động nội khối (các nhân tố tác động tới sự tham gia của Việt Nam, thực trạng Việt Nam tham gia vào di chuyển lao động nội khối, tác động của di chuyển nội khối tới Việt Nam…) mà không tiếp cập dưới góc độ pháp lý về tự do di chuyển lao động ASEAN và thực tiễn thực hiện cam kết của Việt Nam.