Các phương pháp tính toán cổ điển:

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kỹ thuật : Sự ảnh hưởng của gió tới đặc tính khí động khi hạ cánh máy bay (Trang 36 - 38)

Có hai phương pháp tính toán cổ điển được sử dụng khá hiệu quả là

phương pháp panel phương pháp XRR.

* Phương pháp panel là phương pháp coi dòng chảy là không xoáy và không nén được. Phương pháp này phù hợp với điều kiện là dòng không nhớt và có vận tốc nhỏ, khi đó phương trình Laplace mô tả chính xác dòng chảy bao. Đặc tính quan trọng của phương trình Laplace là cho phép mô tả trường dòng 3 chiều trên toàn miền thành hai chiều. Tìm lời giải cho trường dòng bằng cách chia bề mặt khảo sát thành các “panel” và giải hệ phương trình đại số tuyến tính để xác định cường độ trên bề mặt tại các “panel” đó. Nhiều công trình nghiên cứu đã sử dụng phương pháp panel để tính toán [38, 42, 44, 82].

* Phương pháp XRR, tương tự như phương pháp panel, cũng dựa trên lời giải của phương trình Laplace và có các giả thiết, các giới hạn giống như phương pháp panel. Một số điểm khác biệt của phương pháp XRR so với phương pháp panel là các điểm kỳ dị không được phân bố trên toàn bộ bề

mặt; trong tính toán thường bỏ qua độ dày của mặt nâng, giả thiết dòng chảy có cả xoáy v.v.

Bản chất của phương pháp XRR này là thay thế cánh bằng một màn xoáy gồm các đoạn xoáy liên kết trên cánh và các đoạn xoáy tự do ngoài cánh sao cho sự tác động của màn xoáy đối với môi trường xung quanh giống như sự tác động của cánh đối với môi trường. Tại mỗi thời điểm cường độ của mỗi đoạn xoáy này coi như không đổi. Cường độ của các đoạn xoáy ngang trên cánh được xác định nhờ các điều kiện:

- Điều kiện không chảy thấu qua bề mặt cánh (tổng thành phần pháp tuyến của vận tốc dòng khí ở trên bề mặt cánh bằng không).

- Màn xoáy tự do phải trượt khỏi cánh theo phương pháp tuyến với mép cánh (giả thuyết Чаплыгин-Жуковский).

- Điều kiện bảo toàn lưu số vận tốc theo một chu tuyến kín quanh một phần tử tại một thiết diện bất kỳ.

- Thỏa mãn các điều kiện ban đầu.

Sau khi rời rạc hóa sẽ qui về việc giải hệ phương trình đại số tuyến tính để xác định cường độ của các đoạn xoáy ngang trên cánh. Khi biết các cường độ của các đoạn xoáy ngang trên cánh có thể xác định được cường độ của các đoạn xoáy dọc trên cánh và cường độ các đoạn xoáy tự do ngoài cánh. Từ đó theo công thức Bio-Savar và tích phân Cauchy-Lagrange sẽ xác định được sự phân bố vận tốc, áp suất, phân bố tải trên cánh và có thể xác định được các ĐTKĐ của cánh máy bay.

Phương pháp XRR là phương pháp thường được các nhà nghiên cứu khí động lực học trong và ngoài nước sử dụng. Đây là một trong những phương pháp có thuật toán đơn giản, độ tin cậy tính toán tương đối cao, có vận tốc tính toán nhanh và có thể tính toán được cả trường vận tốc lân cận

vùng khảo sát. Phần lớn các công trình nghiên cứu khí động học đã công bố từ trước đến nay đều sử dụng phương pháp XRR [3, 12, 14, 29, 51, 53÷56].

Tuy nhiên phương pháp XRR cũng có những hạn chế lớn, đầu tiên phải kể đến là sử dụng phương pháp XRR khó mô phỏng những cấu hình phức tạp. việc phân vùng, phân chia dây xoáy để rời rạc hóa khá công phu và gây ra những sai lệch nhất định; phải áp dụng một số giả thiết để đơn giản hóa bài toán như thường bỏ qua độ nhớt không khí; bỏ qua yếu tố thể tích khi mô phỏng; chỉ giới hạn tính toán trong vùng vận tốc nhất định; không thể tiếp cận được tất cả các điều kiện biên phức tạp…, nên kết quả không thể hiện sát với điều kiện thực. Một số tham số chưa có kết quả tính toán khả quan (như xác định lực cản chính diện, tính toán và xác định vị trí tách dòng, chưa giải quyết được các vấn đề về ảnh hưởng của tính nhớt đến dòng chảy bao v.v.).

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kỹ thuật : Sự ảnh hưởng của gió tới đặc tính khí động khi hạ cánh máy bay (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)