Nội dung pháp luật về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước ở việt nam (Trang 29 - 36)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.Nội dung pháp luật về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của

của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước

- Thứ nhất, pháp luật về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước quy định cụ thể các nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập.

Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Do đó, yêu cầu đặt ra trong kê khai tài sản, thu nhập phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định tại mẫu Bản kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai; tài sản, thu nhập phải kê khai là tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên tại thời điểm hoàn thành Bản kê khai; giá trị tài sản, thu nhập kê khai được tính bằng tiền phải trả khi mua, khi nhận chuyển nhượng, xây dựng hoặc giá trị ước tính khi được cho, tặng, thừa kế…

- Thứ hai, pháp luật xác định rõ chủ thể thực hiện là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước.

Không phải bất kỳ cá nhân nào cũng có nghĩa vụ công khai, minh bạch tài sản, thu nhập mà việc thực hiện kê khai, công khai chỉ được áp dụng cho những cá nhân có chức vụ, quyền hạn nhất định. Việc quy định kê khai, công

khai tài sản, thu nhập của các đối tượng này xuất phát từ yêu cầu công tác quản lý cán bộ và yêu cầu phòng ngừa tham nhũng.

Người có chức vụ, quyền hạn được giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị; nói cách khác là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, vốn, tài sản của Nhà nước; nhất là những người công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước, có tính đặc thù của cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Các đối tượng này được nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong họat động chấp hành - điều hành. Đó là những người trực tiếp quản lý ngân sách, tài sản của nhà nước trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương như kế toán, thủ quỹ, mua sắm tài sản công... của cơ quan nơi họ đang công tác hoặc được giao một nhiệm vụ nhất định; là những người trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực được giao như tổ chức cán bộ, tài chính ngân hàng, tài nguyên - môi trường, thanh tra, phòng, chống tham nhũng... Đặc điểm chung của những đối tượng này là có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi tham nhũng. Theo đó, việc giới hạn như vậy nhằm tập trung đấu tranh chống những hành vi tham nhũng ở khu vực xảy ra phổ biến nhất, chống có trọng tâm, trọng điểm, thích hợp với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng; trong đó có biện pháp công khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

- Thứ ba, pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể đối tượng công khai, minh bạch là tài sản, thu nhập.

Xác định tài sản, thu nhập là một vấn đề phức tạp trong nội dung quy định pháp luật về công khai, minh bạch. Khi xem xét đối tượng là tài sản, thu nhập cần được nhìn nhận bao quát với cả chuỗi sự biến đổi giữa thu nhập với

tài sản. Người ta có thể phân loại thu nhập theo nhiều tiêu chí khác nhau và để phục vụ những mục đích khác nhau.

Phân tích thu nhập cá nhân theo mảng thuế thu nhập cá nhân, phân loại thành thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế để thu thuế thu nhập cá nhân; Người lao động có thu nhập thường xuyên từ tiền công, tiền lương và có thu nhập không thường xuyên từ tiền làm thêm giờ, tiền thưởng… và còn nhiều cách phân loại, gọi tên thu nhập khác như thu nhập chính thức, thu nhập không chính thức; thu nhập hợp pháp, thu nhập bất hợp pháp…

Phân tích thu nhập cá nhân theo các hoạt động cụ thể thì có thể thấy nguồn của thu nhập cá nhân rất phong phú, đa dạng như:

- Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

- Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội; tiền thù lao dưới các hình thức; Tiền nhận được từ

tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức; Các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền; Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước

phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm: Tiền lãi cho vay; Lợi tức cổ phần; Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế; Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước; Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

- Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm: Trúng thưởng xổ số; Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại; Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino; Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.

- Thu nhập từ bản quyền, bao gồm: Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

- Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

- Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.

- Thu nhập từ kiều hối.

- Thu nhập từ học bổng, bao gồm: Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước; Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

- Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật...

Nhìn chung, những nguồn thu nhập nêu trên là những nguồn thu nhập hợp pháp, còn trên thực tế cá nhân còn có thể có những thu nhập từ nguồn bất hợp pháp. Ví dụ như tiền nhận hối lộ, nhận hoa hồng, chiết khấu trái quy định của Nhà nước, đánh bạc...

Mặc dù có nhiều cách phân loại thu nhập nhưng chung quy pháp luật phải xác định rõ ràng, cụ thể thu nhập chỉ tồn tại dưới hai hình thức là bằng tiền và tài sản có giá trị. Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền mặt, tiền séc... Tài sản có giá có thể là bất cứ của cải, vật chất nào có giá trị hoặc các chứng chỉ có giá khác.

- Thứ tư, pháp luật quy định cụ thể nội dung công khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

Nội dung công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan hành chính nhà nước phải được quy định rõ ràng, bao gồm việc công bố, giải trình và xác minh tài sản, thu nhập.

Quy định công bố thông tin về tài sản, thu nhập bao gồm quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và công khai bản kê khai đó của cơ quan có thẩm quyền. Kê khai tài sản, thu nhập là việc người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ghi rõ các loại tài sản, thu nhập phải kê khai theo mẫu mà pháp luật quy định. Kê khai tài sản, thu nhập có kê khai lần đầu (người có nghĩa vụ kê khai thực hiện kê khai lần đầu tiên theo định kỳ hàng năm mà chưa kê khai lần nào) và kê khai bổ sung (người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai hàng năm từ lần thứ hai trở đi). Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là việc công bố thông tin trong bản kê khai tài sản, thu nhập đó bằng những hình thức được pháp luật quy định.

Quy định về giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm là quy định về việc tự giải thích, chứng minh của người có nghĩa vụ kê khai về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai trước đó. Pháp luật phải quy định người có nghĩa vụ kê khai tự giải trình và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, kịp thời của những thông tin về nguồn gốc tài sản tăng thêm và các loại tài sản tăng thêm phải giải trình nguồn gốc.

Quy định về xác minh tài sản, thu nhập là quy định việc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tiến hành xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Việc xác minh chỉ được tiến hành nếu đáp ứng điều kiện mà pháp luật quy định. Nội dung của việc xác minh là việc đối chiếu thông tin về tài sản, thu nhập tại bản kê khai với tài sản, thu nhập thực tế của người được xác minh bao gồm số lượng các loại tài sản, thu nhập, mô tả về tài sản thu nhập, biến động tài sản và giải trình biến động tài sản nếu có.

- Thứ năm, pháp luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục và hình thức công khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

Trình tư, thủ tục công khai minh bạch tài sản, thu nhập bao gồm thủ tục công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và thủ tục xác minh tài sản, thu nhập. Pháp luật về trình tự, thủ tục phải quy định rõ cách thức thực hiện, chủ thể có thẩm quyền, đối tượng có nghĩa vụ, thời hạn thực hiện …

Trình tự thực hiện công khai phải được quy định từ việc xây dựng kế hoạch công khai đến lựa chọn hình thức, phạm vi công khai. Việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước phải được quy định với các hình thức phù hợp như hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc. Hình thức công khai sẽ căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức để quyết định lựa chọn hình thức công khai phù hợp.

Trình tự xác minh tài sản, thu nhập phải được quy định từ việc xác định cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành quyết định xác minh; các hoạt động cần phải thực hiện trong quá trình tiến hành xác minh; báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập và kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

- Thứ sáu, pháp luật quy định cụ thể giám sát, kiểm tra việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

Để kiểm soát tài sản thu nhập, để khắc phục việc kê khai rất hình thức, không giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập, pháp luật phải quy định cơ chế đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả kê khai, công khai, xác minh, kết luận và xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập, quản lý bản kê khai đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Ngoài ra, giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm phát hiện dấu hiệu bất minh về tài sản, thu nhập, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết để đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch được nghiêm túc, khách quan.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước ở việt nam (Trang 29 - 36)