Kinh tế là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như bên ngoài đời sống xã hội. Kinh tế là tổng thể các
yếu tố sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ phục vụ cuộc sống của con người. Thực tiễn cho thấy, tham nhũng thường có xu hướng phát triển nhanhở các nước chậm phát triển hoặc đang phát triển. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, quá trình chuyển đổi cơ chế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, thực hiện các hành vi phi pháp nhằm thu lợi ích không chính đáng.
Thanh tra Chính phủ là một bộ phận cấu thành hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, đảm nhiệm sứ mệnh phải làm trong sạch, vững mạnh hơn nữa bộ máy chính quyền các cấp được Đảng và Nhà nước giao phó. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của cơ quan thanh tra nhà nước trong PCTN ở Việt Nam hiện nay. Sự đa dạng về các thành phần kinh tế, hình thức kinh doanh – thương mại cũng như tư duy kinh tế đang thay đổi tất yếu đòi hỏi các cơ quan thanh tra phải nắm bắt cụ thể, rõ ràng những xu thế của thời đại thì mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh yếu tố kinh tế thì tập quán, truyền thống văn hóa – xã hội ở nước ta cũng có những điểm hết sức đặc thù, ảnh hưởng đến vai trò của Thanh tra Chính phủ trong PCTN. Tập quán “miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Đền ơn đáp nghĩa” hay “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành điều bình thường cho đến nay vẫn còn tồn tại, bị lợi dụng thành việc hối lộ, nhận quà cáp. Có thể thấy rằng, nhiệm vụ PCTN của cơ quan thanh tra nhà nước vô cùng khó khăn và phức tạp trước những yếu tố tâm lý xã hội từ tốt đẹp đã bị bóp méo theo hướng lệch lạc rất khó ngăn chặn.