Ngay sau khi Luật PCTN được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm cao trong công tác PCTN, chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương tổ chức thực hiện, xác định triển khai Luật PCTN là nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật PCTN” cụ thể hóa các nhiệm vụ, biện pháp PCTN được quy định trong Luật PCTN.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) và Luật PCTN, Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020” [7], chỉ đạo Thanh tra Chính phủ nghiên cứu trình Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng[17] và ban hành Kế hoạch thực thi Công ước [32] nhằm nội luật hóa và tổ chức thực hiện những quy định của Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) yêu cầu tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) [1]. Để triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, lãng phí trong giai đoạn 2012- 2016 [10]. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hành động, kế hoạch công tác PCTN và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện trong phạm vi quản lý.
Thanh tra Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 38 nghị định, quyết định, chỉ thị để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) và Luật PCTN, qua đó đã quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện hầu hết các quy định của Luật PCTN thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành 48.168 văn bản mới; sửa đổi, bổ sung trên 59.416 văn bản để thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành [16].
Trên cơ sở quy định của pháp luật, TTCP ban hành Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các nội dung công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của mình; giúp Chính phủ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chiến lược phòng, chống tham nhũng hay các Chương trình, kế hoạch dài hạn khác trên phạm vi quốc gia, các ngành, lĩnh vực quản lý.
Có thể thấy, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng, chiến lược về phòng, chống tham nhũng là nội dung quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN của Thanh tra Chính phủ. Việc thực hiện nội dung này bảo đảm cho các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện thông suốt và thống nhất trong phạm vi cả nước, phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, địa bàn. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng, chiến lược về phòng, chống tham nhũng luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và bảo đảm tính thống nhất, tính hệ thống của quản lý nhà nước.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng, chiến lược về PCTN luôn được TTCP quan tâm và triển khai thực hiện với những kế hoạch cụ thể, xác định rõ những văn bản phải ban hành, phân công trách
nhiệm và thời hạn hoàn thành cụ thể. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PCTN đã được ban hành tương đối toàn diện; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia, Kế hoạch thực thi Công ước liên hợp quốc về PCTN, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, trên cơ sở đó đã tạo được hành lang pháp lý đồng bộ để tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCTN. Công tác theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách được thực hiện thường xuyên; định hướng, giải pháp PCTN ngày càng được hoàn thiện; nhiều văn bản quy phạm pháp luật về PCTN được rà soát, điều chỉnh, bổ sung đã đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN và tình hình thực tiễn.
Theo thẩm quyền, TTCP đã trình Chính phủ dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các nghị định hướng dẫn và nhiều văn bản tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, trong đó có các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở, trang thiết bị và phương tiện làm việc; tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; trả lương qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành nhiều quy định về cơ chế phối hợp trong PCTN như: Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy chế phối hợp giữa TTCP, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát NDTC, Toà án
NDTC, Kiểm toán Nhà nước trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về PCTN; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Công an, Toà án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC trong việc xử lý các vụ án tham nhũng.
Định hướng công tác PCTN được xác định ngay từ khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật PCTN, đó là phải tập trung khắc phục và đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức và của mỗi công dân về công tác PCTN và đặc biệt là định hướng cho các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Luật PCTN; đưa công tác PCTN thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi và loại trừ cơ hội phát sinh tham nhũng.
Để triển khai thực hiện, TTCP đã có hướng dẫn và 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược trong phạm vi quản lý, nội dung kế hoạch bám sát yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 25.355 văn bản mới; sửa đổi, bổ sung 23.050 văn bản để thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó thể hiện các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách đã và đang tiếp tục được tổ chức, triển khai thực hiện, góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về PCTN, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh công tác PCTN trên phạm vi cả nước và trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị [16].