Phương hướng nâng cao hiệu quả thực hiện văn hóa giao tiếp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện văn hóa giao tiếp tại văn phòng đăng ký đất đai hà nội (Trang 76 - 80)

Một là,tăng cường chuyển đổi cơ chế xin – cho sang tư duy nhà nước phục vụ, người dân thụ hưởng. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của nhà nước đã chuyển từ thống trị sang phục vụ và kiến tạo. Do đó, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng cần thay đổi một cách tương thích, xuất phát từ nhận thức đến hành động.

Việt Nam với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp, phong kiến lạc hậu, trải qua 30 năm chiến tranh, tuy có lý luận nhưng chưa có mô hình xây dựng đất nước một cách cụ thể. Với cách tư duy máy móc, cứng nhắc trong giai đoạn đầu của thời kỳ giành độc lập, thống nhất đã vận dụng thiếu khoa học mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô nên để lại nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị và xã hội, gắn với một nền kinh tế quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa tập trung. Từ đó, trong nhận thức chung của xã hội, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đã tự đặt mình lên địa vị người chủ, hiểu sai về chức năng, nhiệm vụ của người cán bộ. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, o ép nhân dân của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ đó; đồng thời, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trì trệ về mọi mặt, trong đó có tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với quá trình phát triển, tuy đã có những thay đổi nhất định nhưng quá trình đổi mới ở nước ta vẫn còn mang tính hình thức, chưa triệt để, tư duy

của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chịu ảnh hưởng của giai đoạn trước đây một cách trầm trọng; đồng thời, nhiều cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện lộng quyền, lạm quyền, suy thoái đạo đức, ảnh hưởng không ít đến kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Do vậy, quá trình thay đổi tư duy lẫn hành động của Đảng và Nhà nước cần được quán triệt một cách mạnh mẽ tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức. Cần loại bỏ các yếu tố gây nên cơ chế xin – cho, các loại giấy phép con, các thủ tục hành chính phiền hà, rắc rối, không cần thiết, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng cho công dân khi giải quyết yêu cầu, công việc. Đồng thời, cần xây dựng các yếu tố, cơ chế thúc đẩy của mô hình nhà nước phục vụ, kiến tạo.

Hai là,thể chế hóa các yêu cầu, nội dung thực hiện văn hóa giao tiếp trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức và viên chức. Định hướng này nhằm đảm bảo tính pháp chế của hoạt động công vụ, của đạo đức công vụ nói chung, việc thực hiện văn hóa giao tiếp trong công sở nhà nước nói riêng.

Thực hiện văn hóa giao tiếp hành chính hay văn hóa giao tiếp trong công sở nhà nước nói chung là một nội dung quan trọng trong đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp chuyên môn. Việc thể chế hóa các yêu cầu, nội dung của việc thực hiện văn hóa giao tiếp gắn liền với các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp chuyên môn.

Thể chế hóa nội dung, yêu cầu thực hiện văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là tiền đề quan trọng tạo nên hành lang pháp lý, đảm bảo cơ sở khi thực hiện văn hóa giao tiếp, vừa tạo thuận lợi trong cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, vừa là căn cứ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền. Đồng thời, cũng là căn cứ hết sức quan trọng để nhân

dân thực hiện quyền giám sát, đặc biệt là những người có quyền, lợi ích trực tiếp trong giải quyết các yêu cầu, công việc của mình.

Việc thể chế hóa yêu cầu, nội dung thực hiện văn hóa giao tiếp cần đảm bảo tính hệ thống, nhất quán, hiệu quả và minh bạch; phù hợp với các quy định chung về đạo đức công vụ, gắn với các yếu tố mang tính văn hóa.

Ba là,không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên

chức về mọi mặt, cải thiện chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giao tiếp công vụ.

Trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp góp phần vào việc đảm bảo tính hiệu quả trong thực hiện văn hóa giao tiếp trong công sở nhà nước. Theo đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức càng được nâng cao thì càng tạo tiền đề chắc chắn để nâng cao hiệu quả thực hiện văn hóa giao tiếp, bởi thực hiện văn hóa giao tiếp là một trong những yêu cầu của thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức chuyên môn nghề nghiệp; giao tiếp hiệu quả cũng đòi hỏi cần có hiểu biết, kỹ năng nhất định, cần được rèn luyện trong một quá trình lâu dài.

Cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu vị trí công tác (về kiến thức, kỹ năng hành chính và thái độ hành vi ứng xử) gắn liền với nội dung cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện chế độ đào tạo trước khi bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo;

Việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự xuất phát từ yêu cầu công việc, theo tiêu chí công khai, trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo nguồn nhân lực hiện tại và tương lai; việc tuyển dụng gắn với tinh giản biên chế và chuyển đổi vị trí công tác theo hướng đổi mới về chất, thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu thực thi công vụ trong nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại;

Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền các cấp chuyên nghiệp để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và từng bước chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên;

Xây dựng tiêu chí, quy trình đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ cụ thể, thống nhất, khoa học, khách quan nhằm động viên, khuyến khích, phát huy tối đa khả năng cống hiến, bộc lộ tiềm năng và góp phần cải thiện môi trường làm việc;

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, từng cấp, ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện kiểm tra, thanh tra công vụ, kiểm soát được các đầu mối công việc trong nội bộ các cơ quan chuyên môn các cấp, kể cả trách nhiệm người đứng đầu nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời các hành vi dẫn đến tiêu cực, quan liêu và tham nhũng.

Bốn là, phát huy vai trò của nhân dân trong việc thực hiện quyền làm chủ; đồng thời, tuyên truyền rộng rãi về văn hóa giao tiếp trong xã hội. Việc phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân có tính chất quan trọng trong việc nhanh chóng xóa bỏ cơ chế xin – cho, xác định lại một cách đúng đắn vị thế của nhân dân trong mối quan hệ với các công sở nhà nước, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong khi giải quyết yêu cầu, công việc của nhân dân.

Đồng thời, cần thực hiện tuyên truyền một các sâu rộng về văn hóa giao tiếp nhằm tăng cường hiểu biết cho không chỉ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn là các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu quả thiết thực trong thực hiện văn hóa giao tiếp cả từ hai phía công dân – Nhà nước trong từng công việc cụ thể. Điều này đóng vai trò rất quan trọng, tạo thuận lợi trực tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đặc biệt là khi giao tiếp với công dân, tổ chức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện văn hóa giao tiếp tại văn phòng đăng ký đất đai hà nội (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)