Chuẩn mực văn hóa giao tiếp là hệ thống các quan điểm, tiêu chuẩn, quy chuẩn do cộng đồng xã hội, hoặc do nhà nước đặt ra, quy định để làm chuẩn, là thước đo đánh giá hành vi giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng trực tiếp liên quan, một cách phù hợp, hiệu quả, nhằm hướng đến và đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên thực hiện văn hóa giao tiếp trong giải quyết các công việc, nhiệm vụ cụ thể.
Chuẩn mực văn hóa giao tiếp là ngưỡng mang tính tối thiểu mà trong quá trình thực hiện văn hóa giao tiếp, cán bộ, công chức, viên chức cần phải
đạt đến và vượt lên được. Do đó, nó là một thước đo quan trọng đối với kỹ năng thực hiện văn hóa giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, viên chức Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội nói riêng.
Việc xây dựng chuẩn mực văn hóa giao tiếp trong hoạt động công vụ và thực hiện các nhiệm vụ khác trong khu vực nhà nước cần được định hướng, quy định một cách thống nhất từ cấp Trung ương, cụ thể là Chính phủ. Điều này đảm bảo tính thống nhất, nhất quán của chuẩn mực giao tiếp chung trên phạm vi cả nước, trong tất cả các cơ quan, đon vị, tổ chức bao gồm cả cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, trên cơ sở các quy định chung của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp xây dựng, ban hành các chuẩn mực giao tiếp cụ thể, áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương, gắn liền với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, tập quán, lối sống của dân cư địa phương; đồng thời, phù hợp với trình độ, năng lực trong từng giai đoạn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phù hợp với các nguồn lực thực hiện các quy định về chuẩn mực văn hóa giao tiếp, chẳng hạn bài trí công sở, trang phục, đồng phục, các phương tiện, thiết bj hỗ trợ quá trình thực hiện văn hóa giao tiếp trong các công sở nhà nước.
Như vậy, việc xây dựng, ban hành chuẩn mực văn hóa giao tiếp phải đảm bảo 2 yêu cầu: vừa đảm bảo tính thống nhất trong phạm vi cả nước, trong tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức; vừa đảm bảo tính phong phú, đa dạng, phù hợp với nét đặc sắc văn hóa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương.
Đối với viên chức Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn mực văn hóa giao tiếp chung, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn mực văn hóa giao tiếp ngành Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn mực văn hóa giao tiếp
phù hợp với quy mô, tính chất, trình độ phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cụ thể: các chuẩn mực cơ bản được quy định tại Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ- TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường, ban hành kèm theo Quyết định số 117-QĐ/BCSĐTNMT ngày 11/4/2014 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Để cụ thể hóa các quy định mang tính chuẩn mực về văn hóa giao tiếp và ứng xử của các văn bản nêu trên, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cần chủ động góp ý, tham mưu với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội nhanh chóng xây dựng và ban hành chuẩn mực văn hóa giao tiếp của ngành trong phạm vi thành phố Hà Nội, từ đó, tiếp tục đề xuất, tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành chuẩn mực giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại thành phố Hà Nội một cách cụ thể, bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô.