Những hạn chế, bất cập trên đây có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
2.3.3.1. Về nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, do việc xây dựng pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của các lĩnh vực chưa đáp ứng được các yêu cầu của kỹ thuật lập quy; hệ thống các văn bản pháp quy về chính sách tài chính, đất đai, xây dựng... còn một số điểm chưa đồng bộ, chưa sát với tình hình thực tế ở cơ sở gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; thực trạng các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan cho thấy còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo.
Thứ hai, do mặt trái của cơ chế thị trường tác động trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ công chức và nhân dân theo lối thực dụng, thờ ơ với công việc chung của cộng đồng.
2.3.3.2. Về nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo, tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc cũng như tính cấp thiết, thường xuyên và lâu dài của việc, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Do đó, công tác triển khai và thực hiện chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thậm chí còn hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ nội bộ của cơ quan, đơn vị. Vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, nhất là thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước có nơi, có lúc còn thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm chỉ đạo, thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, do đó vẫn xảy ra tình trạng mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ hai, việc tạo môi trường, điều kiện phát huy dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên; cụ thể, việc thực hiện QCDC
còn chậm; các nội dung công khai dân chủ thực hiện chưa đầy đủ theo quy định nên chưa tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Thứ ba, một bộ phận nhân dân nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật, mối quan hệ dân chủ với kỉ cương pháp luật, quyền lợi với nghĩa vụ công dân còn chưa đầy đủ nên còn bị lợi dụng, lôi kéo, khiếu kiện đông người, gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sản xuất và đời sống nhân dân, gây khó khăn trong công việc chỉ đạo, điều hành. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện nghiêm túc, còn chồng chéo; việc phân công trách nhiệm và tham mưu của các ngành chức năng chưa cụ thể, việc chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp, xử lý sai phạm một số nơi còn lúng túng, thiếu đồng bộ, kéo dài.
Thứ tư, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản và tài liệu còn hạn chế, thiếu thường xuyên, việc triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW và các nghị định của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh còn chậm, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về thực hiện QCDC ở cơ sở chưa cao. Một số nơi nhân dân ít quan tâm đến tham gia thực hiện QCDC; tỷ lệ tham gia các buổi họp dân còn thấp, một số nơi chưa kịp thời phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ các nội dung triển khai của chính quyền để chấp hành; chưa kịp thời nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với chính quyền chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cho phù hợp với thực tế ở xã, phường, thị trấn; kỹ năng và kinh phí hoạt động cho Ban TTND và Ban GSĐT cộng đồng chưa quan tâm đúng mức nên việc hoạt động còn chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát.
Thứ năm, công tác tập huấn, bồi dưỡng hàng năm chưa nhiều, năng lực và trình độ tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở, nhất là trong các doanh
nghiệp có mặt còn hạn chế. Hiện tượng quan liêu, tham nhũng, suy thoái về phẩm chất đạo đức, hạn chế về năng lực công tác, tiêu cực và sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được giải quyết thường xuyên làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW.