1.2.1.1. Chính sách: Là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các tài liệu, trên các phương tiện truyền thông và trong đời sống xã hội. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực
hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa...” [21, tr.51].
Như vậy, có thể hiểu: Chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.
Căn cứ vào phạm vi, qui mô ảnh hưởng và tính chất của chủ thể hoạch định chính sách có thể chia làm hai loại: chính sách tư và chính sách công.
1.2.1.2. Chính sách công: Có nhiều cách tiếp cận khi quan niệm về chính sách công, nhưng nhìn chung các quan niệm đều thống nhất rằng:
“Chính sách công là thuật ngữ dùng để chỉ một chuỗi các quyết định hoạt động của nhà nước nhằm giải quyết một vấn đề chung đang đặt ra trong đời sống theo mục tiêu xác định” [25, tr.627].
Khi nói đến chính sách công, ta có thể nhận biết qua năm đặc trưng cơ bản: Chính sách công tập trung giải quyết một vấn đề đang đặt ra trong đời sống KTXH theo những mục tiêu xác định; chủ thể hoạch định chính sách là nhà nước và được đảm bảo thực thi bởi khả năng và công cụ cưỡng chế hợp pháp; chính sách công không phải các quyết định nhất thời của nhà nước, mà là chương trình hoạt động được suy tính một cách khoa học, liên quan với nhau một cách hữu cơ và nhằm đạt được những mục đích tương đối cụ thể; Chính sách công bao gồm những gì được thực sự thi hành chứ không phải chỉ là những tuyên bố; Chính sách công là những chính sách liên quan đến nhiều người.
Chính sách công cần được nhìn nhận như một quá trình từ hoạch định đến thực hiện cho ra kết quả cuối cùng. Về tổng thể, chính sách công có thể được coi là một chu trình gồm năm giai đoạn: (1) Tìm kiếm vấn đề chính sách
công; (2) Hoạch định chính sách công; (3) Tổ chức thực thi chính sách công; (4) Đánh giá chính sách công; (5) Phân tích chính sách công [21, tr.84-87].
Với quan niệm như vậy, XĐGN thuộc về lĩnh vực chính sách công. Có thể thấy, một vài yếu tố trong chính sách XĐGN được coi là hàng hóa công cộng như: chính sách tín dụng cho người nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về GD-ĐT, tạo việc làm cho người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo...Bởi những hàng hóa này đều mang đầy đủ các đặc điểm của hàng hóa công cộng là: tính dùng chung và tính không loại trừ [26].
1.2.1.3. Chính sách XĐGN: Là tập hợp những quyết định, quy định của nhà nước được cụ thể hóa trong các chương trình, dự án cùng với nguồn lực, quy trình hay cơ chế thực hiện nhằm tác động vào các đối tượng cụ thể như người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo hay huyện nghèo với mục đích cuối cùng là XĐGN.
Ngay từ khi nước ta mới giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm ngay đến nhiệm vụ chống đói nghèo. Người coi đói và dốt cũng là giặc, thứ giặc này nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, Người từng nói giành được độc lập rồi mà dân vẫn nghèo đói và lạc hậu thì độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đã nêu ra 6 vấn đề cấp bách của Chính phủ, trong đó việc cấp bách hàng đầu là phải cứu dân khỏi chết đói. Người kêu gọi toàn dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyên góp gạo để cứu đói và Người gương mẫu thực hiện điều đó.
Theo Người, xóa đói phải tiến tới giảm nghèo và tăng giàu vì “Dân có giàu thì nước mới mạnh”. Những tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được Đảng ta quán triệt trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới.
XĐGN là chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, nhiều chương trình, công tác XĐGN được xúc tiến. Năm 1992, Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa VII đã đề ra chủ trương XĐGN. Sau đó cụ thể hóa thành kế hoạch, chươmg trình và giải pháp XĐGN của Quốc hội và Chính phủ nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế, trợ giúp người nghèo, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1998 - 2000: thực hiện chủ trương của Đảng, năm 1998 lần đầu tiên Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN (Chương trình 133). Tháng 7/1998, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ sung Chương trình 135 - Chương trình phát triển KTXH các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm ổn định và cải thiện đời sống, cơ sở vật chất, hạ tầng... đại bộ phận nhân dân, xoá đói, giảm nghèo.
Giai đoạn 2001 - 2005: Chính phủ xây dựng chiến lược xóa nghèo giai đoạn này với mục đích đầu tư hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo có tư liệu và phương tiện sản xuất, dịch vụ, nâng cao thu nhập; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và mạng lưới an sinh xã hội; đảm bảo xóa đói, GNBV. Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN và việc làm giai đoạn này bao gồm các chính sách và dự án: Các nhóm chính sách hỗ trợ về y tế; giáo dục; an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng yếu thế; hỗ trợ người nghèo về nhà ở; hỗ trợ công cụ và đất đai sản xuất cho người nghèo. Các nhóm dự án XĐGN.
Giai đoạn 2006 - 2010: Với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tiếp tục thực hiện các chính sách giai đoạn 2001- 2005, nhưng có sửa đổi bổ sung cho phù hợp và được chia ra làm 3 nhóm chính sách: Nhóm chính sách tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; Nhóm chính sách tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội; Nhóm chính sách nâng cao năng lực và nhận thức.
Bên cạnh chương trình giảm nghèo quốc gia, Chương trình 135 tiếp tục được giai đoạn 2 trên cơ sở điều chỉnh Chương trình 135 giai đoạn 1, với mục đích tiếp tục hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn. Thêm vào đó, sau một thời gian khá dài thực hiện các chính sách giảm nghèo, đặc biệt có chính sách riêng cho các đối tượng đặc biệt như dân tộc thiểu số, tình trạng đói nghèo chưa được cải thiện đáng kể. Vì vậy, năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã tập trung giải quyết những nơi nghèo nhất, đó chính là các huyện nghèo nhất trên các nước thông qua Chương trình “Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với 61 huyện nghèo” (nay là 62 huyện). Trong đó, tập trung vào các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo dạy nghề.
Giai đoạn 2011 – 2020: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng GNBV thời kỳ từ năm 2011- 2020 với mục tiêu: GNBV là một trong những trọng tâm của Chiến lược phát triển KTXH, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điện kiện sống của người nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.