Thứ nhất, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chủ động với nguồn cung hàng hóa đa dạng trong nước, giá cả tương đối rẻ, có lợi thế là hiểu biết thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân trong nước. Hàng Việt Nam ngày càng có chất lượng cao hơn, đa dạng chủng loại và không ngừng cải tiến sản phẩm, tăng sản phẩm mới ra thị trường, phục vụ nhu cầu hiện đại của người dân. Hàng hóa nước ngoài có nhiều điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam nhưng sẽ không có sự tăng đột biến.
Thứ hai, lực lượng lao động tương đối dồi dào với chi phí nhân công lao động rẻ, tương đối cạnh tranh. Việt Nam được đánh giá là nơi có chi phí nhân công lao động thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực châu Á. Với lợi thế dân số đông và có tỉ lệ người trong độ tuổi lao động cao là những yếu tố thuận lợi cho các ngành kinh tế nói chung và ngành bán lẻ nói riêng.
Thứ ba, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có một thị trường có nhu cầu lớn và nhiều tiềm năng. Có thể thấy qua cơ cấu nhân khẩu học của Việt Nam, với gần 100 triệu dân, cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho thị trường bán lẻ. Với dân số tương đối trẻ 70% ở độ tuổi từ 15 đến 64, sẽ là động lực chính cho tăng trưởng thị trường mạnh mẽ.
Thứ tư, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Bởi lẽ các DNBL nước ngoài hiện nay mới chỉ đang tranh chấp thị phần với bán lẻ nội địa ở các mô hình bán lẻ hiện đại. Trong khi đó theo thống kê thì các mô hình bán lẻ hiện đại cũng mới chỉ chiếm khoảng 25-30% thị phần TTBL Việt Nam, thị phần bán lẻ hiện nay phần lớn vẫn thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa…Như vậy để các doanh nghiệp bán lẻ phát triển mở rộng thêm kênh bán lẻ hiện đại sẽ còn thị trường rất rộng lớn.
Thứ năm, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi hướng đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng. Chính phủ đã liên tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm chi phí cũng như thời gian làm các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước như thuế, hải quan…mang lại những đột phá về đầu tư, kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bán lẻ. Việt Nam được đánh giá là điểm đến ổn định và an toàn, hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu và đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn khi tham gia các nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Nhiều mặt hàng
bán lẻ nhập khẩu được giảm thuế, hàng hóa ngày càng đa dạng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, giúp thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam ngày càng phát triển.