3.4.2.1. Khó khăn
Hiện nay có nhiều cơ quan có chức năng quản lý đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường. Một vài lực lượng có chức năng về chuyên môn thì không có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm và ngược lại lực lượng có chức năng kiểm tra và thẩm quyền xử phạt lại thiếu chuyên môn; gây khó khăn và chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường. Do đó cần tổ chức sắp xếp lại công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng hợp nhất các lực lượng chức năng hiện có thành một lực lượng có chức năng và chịu trách nhiệm chung về thị trường nội địa, có đủ thẩm quyền, có các điều kiện để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Đấu tranh chống gian lận thương mại là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; là nhiệm vụ liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, tính chất công việc nguy hiểm... do đó cần xây dựng thành chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện mục tiêu chống buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng với sự phát triển và hội nhập về kinh tế, hoạt động buôn lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp. Đối tượng buôn lậu thường sử dụng các thiết bị, phương tiện có khả năng cơ động cao, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng để tẩu tán hàng hoá khi bị kiểm tra bắt giữ. Vì thế trang thiết bị của các lực lượng chức năng phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong điều kiện hiện nay..
Với chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động công nghiệp, thương mại trên địa bàn
toàn thành phố. Trong đó có nhiều ngành nghề kinh doanh đòi hỏi lực lượng QLTT phải có trình độ chuyên môn sâu để quản lý, nhưng hiện tại còn đang thiếu. Nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn thiếu sự kiểm tra giám sát như chất lượng hàng hoá sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hàng hoá vi phạm sở hữu chí tuệ; hàng hoá vi phạm kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ...Có nhiều lý do lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội chưa làm được cả khách quan lẫn chủ quan.
Về Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác
“Lực lượng Quản lý thị trường được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện chuyên dùng khác theo quy định của pháp luật (kể cả ô tô, xe mô tô phân khối lớn, thiết bị thông tin liên lạc) để làm nhiệm vụ kiểm tra”- trích thông tư.
Hệ thống các văn bản luật pháp chưa thực sự đồng bộ, giữa các văn bản còn có những điểm chồng chéo, một số chế tài xử lý quá cao không phù hợp với thực tiễn, đây là điểm dễ bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
3.4.2.2. Tồn tại
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm soát viên không đồng đều, độ tuổi trung bình cao, công tác tự nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật những thông tin, kiến thức mới rất hạn chế, mức độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như sự nhạy bén và năng động trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm không cao nên gặp rất nhiều khó khăn. Công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chưa được chuyên sâu, bài bản dẫn đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức trực tiếp còn có những hạn chế nhất định. Nhất là khi tổ chức kiểm tra các Doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đã được quan tâm triển khai nhưng chưa được thường xuyên liên tục; hình thức và nội dung tuyên truyền chưa được phong phú đôi khi vẫn còn mang tính hình thức
nên hiệu quả thực tế chưa cao. Công tác phân bổ chỉ tiêu kế hoạch về xử lý theo số vụ vi phạm tuy góp phần thúc đẩy được sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị cũng như mỗi công chức, nhân viên Quản lý thị trường nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn thiếu sự tìm tòi, nghiên cứu vẫn đi theo lối mòn từ trước nên kết quả hoạt động chưa được cao, số lượng và chủ loại hàng lậu phát hiện và xử lý còn hạn chế.
Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra xử lý vi phạm đôi khi chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng chồng chéo, bỏ sót, xử lý không triệt để trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý dẫn đến hiệu quả xử lý chung không cao.