Kết luận về lợi ích và hạn chế của dự án

Một phần của tài liệu Tiểu luận môn phân tích chi phí lợi ích dự án, đại học ngoại thương (1) (Trang 35 - 37)

Trên cơ sở tổng quan về kết quả phân tích chi phí - lợi ích của dự án, nhóm tác giả nhận thấy dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông dù được kỳ vọng đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế xã hội, song vẫn còn tồn tại những hạn chế trong suốt 10 năm khởi công cũng như phát sinh các vấn đề mới trong quá trình vận hành. Do đó, nhóm tác giả đã tổng kết các lợi ích, đồng thời chỉ ra những vấn đề tồn đọng của dự án và đề xuất khuyến nghị nhằm khắc phục những bất cập được nêu dưới đây.

4.1.1. Lợi ích

Sau 10 năm khởi công, ngày 6/11/2021 tuyến tàu điện đầu tiên ở thủ đô đã bắt đầu vận hành thương mại. Điều này đã mở ra rất nhiều kỳ vọng cho người dân về mặt lợi ích kinh tế và xã hội.

Như đã phân tích ở phần trên, khi dự án được khai thác, ngoài nguồn lợi kinh tế từ doanh thu bán vé cho hành khách sử dụng tàu, tuyến đường sắt trên cao còn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường và tránh tắc nghẽn giao thông. Bên cạnh đó, dự án còn làm tăng giá trị đất và tăng doanh thu cho các hộ kinh doanh dọc tuyến.

Tuyến đường sắt cũng đóng góp vào phát triển du lịch của thủ dô, đồng thời mang lại ý nghĩa vô cùng lớn khi việc xây dựng thành công tuyến đường sắt trên cao này giúp nâng tầm hệ thống giao thông công cộng của nước ta trở nên hiện đại hơn, sánh được với các quốc gia phát triển trong cùng khu vực và thế giới, khẳng định được sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của Việt Nam.

4.1.2. Hạn chế

4.1.2.1.1. Vấn đề chậm tiến độ

Chính thức khởi công ngày 10/10/2011, mốc ban đầu dự kiến đến tháng 6/2014, dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành toàn bộ công trình. Từ tháng 10/2014 – 6/2015 sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30/6/2015. Tuy nhiên, sau nhiều lần lỡ hẹn, lùi tiến độ, phải mất 10 năm, đến ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt này mới bắt đầu đi vào khai thác thương mại.

4.1.2.1.2. Vấn đề đội vốn

Vốn đầu tư của dự án đã bị đội lên gấp đôi, từ 8,770 tỷ đồng ban đầu lên 18,001.6 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang phải trả cả gốc, cả lãi khoảng 910 tỷ đồng mỗi năm – khoảng 2.4 tỷ đồng mỗi ngày.

4.1.2.1.3. Các vấn đề khác

Thứ nhất, dù đã được cấp Chứng nhận an toàn hệ thống cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông đảm bảo đủ điều kiện khai thác, nhưng tư vấn ACT (Pháp) vẫn “đính kèm” 16 khuyến cáo để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác yêu cầu Hà Nội cần phối hợp thực hiện 9/16 nội dung và đầu tư thêm 4 nội dung trong giai đoạn khai thác nằm ngoài thiết kế.

Thứ hai, mặc dù đã đi vào hoạt động, hiện dự án vẫn gặp vướng mắc liên quan tới thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước (năm 2018, chủ yếu về xác định giá nhân công). Đặc biệt, Tổng thầu EPC cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, trong đó có nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của kiểm toán.

Thứ ba, trong những ngày đầu khai thác, Tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp thực hiện công tác bảo hành thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những

diễn biến phức tạp như hiện nay nên tác động rất lớn và kéo dài thời gian huy động nhân sự của Tổng thầu.

Thứ tư, trong quá trình thi công, tổng thầu liên tục để xảy ra các vụ tai nạn ở tuyến Cát Linh – Hà Đông: Tháng 11/2014, một thanh sắt rơi từ công trình khiến 1 người chết, 4 người bị thương; sau đó chưa đầy một tháng, tức tháng 12/2014, giàn giáo công trình sập, vùi một chiếc taxi chở 4 người đang lưu thông trên đường; tháng 8/2015, một thanh sắt chữ L tiếp tục rơi trúng một ô tô 4 chỗ tại đường Quang Trung; tháng 10/2016 và tháng 3/2017, hai công nhân rơi từ ga Văn Quán và ga Ngã Tư Sở, tử vong.

Thứ năm, tuyến đường sắt trên cao chưa thể khai thác một cách hiệu quả nhất do thiếu sự kết nối giữa công trình này với các dự án giao thông khác như xe buýt, xe buýt nhanh BRT... Đồng thời, xung quanh các nhà ga công trình này thiếu rất nhiều điểm trông giữ phương tiện cho người dân. Việc thiếu kết nối, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo ra nhiều sự bất tiện và gián đoạn cho người dân là hành khách của tàu.

Thứ sáu, dịch bệnh Covid vẫn đang diễn biến phức tạp và kéo dài, số ca nhiễm trong cộng đồng không ngừng gia tăng dẫn đến tâm lý e ngại dùng phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời, mật độ hành khách đông dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh của các cấp chính quyền.

Một phần của tài liệu Tiểu luận môn phân tích chi phí lợi ích dự án, đại học ngoại thương (1) (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(43 trang)