* Kinh nghiệm của một số quốc gia
Một là, Singapore
Singapore là một trong những nước tiêu biểu thành công trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Singapore có những qui định chặt chẽ và kinh nghiệm trong việc thực hiện đồng bộ các chính sách về an toàn thực phẩm, từ khung pháp lý đến công tác đào tạo, tuyên truyền; Khung pháp lý và các qui định chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Một trong những nước có chính sách phúc lợi xã hội và bảo vệ người tiêu dùng từ rất sớm, ngay từ năm 1985 Singapore đã ban hành Luật kinh doanh thực phẩm, quy định rõ thực phẩm tiêu thụ trên thị trường phải là hàng thật; nghiêm cấm mọi hình thức hàng giả, hàng nhái, hàng không có nhãn mác rõ ràng. Nghiêm cấm việc sử dụng những thông tin trong nhãn mác có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng; mọi
hàng hóa không đủ phẩm chất đều phải tiêu huỷ, nếu vi phạm phải sử lý theo luật pháp. Cơ quan Nông sản thực phẩm và Thú y Singapore có trách nhiệm điều chỉnh và đảm bảo sự ổn định và cung cấp đầy đủ an toàn, không độc hại và chất lượng sản phẩm tươi.
Tổ chức đào tạo về an toàn thực phẩm đến mọi đối tượng liên quan; Sát sao trong công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Chính phủ Singapore cũng liên tục duy trì việc cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm cho người dân và nhanh chóng xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩmđể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ, ngay khi vụ tai tiếng về sữa nhiễm độc tại Trung Quốc xảy ra, các nhà bán lẻ tại Singapore đã tiến hành việc thu hồi các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung quốc trên các quầy hàng của mình. Nhờ công tác thông tin, tuyên truyền, người tiêu dùng Singapore cũng cảnh giác nhiều hơn đối với các sản phẩm thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm Singapore đã gửi thông báo tới các nhà nhập khẩu và các chuỗi siêu thị ngừng việc bán một số sản phẩm, đồng thời cử nhân viên đến các kho và cơ sở lưu giữ hàng hóa để tiến hành kiểm tra tại chỗ. Cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm Singapore còn đồng thời tiến hành kiểm tra các sản phẩm của các nước khác có sử dụng nguyên liệu là sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc.
Hai là, Thái Lan
Thái Lan là một nước có lợi thế về xuất khẩu nông, thủy sản. Nhiều mặt hàng nông sản của nước này đang cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế và có phần vượt trội hơn về chất lượng.Không chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm đối với hàng xuất khẩu, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan cũng đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ngay trên thị trường nội địa. Khẩu hiệu “Thái Lan là bếp ăn của thế giới”, Chính phủ Thái Lan thường xuyên thực hiện
chương trình quảng bá vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2004, Thái Lan phát động chương trình “Năm an toàn thực phẩm và Thái Lan là bếp ăn của thế giới”. Mục đích chương trình này là khuyến khích các nhà chế biến và nông dân có hành động kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ thường xuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, ngày nay, thực phẩm chế biến của Thái Lan được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, chấp nhận.
Nước này đã đề ra chiến lược "Từ đồng ruộng tới bàn ăn", thực hiện theo dõi các quy trình: nhập khẩu (kiểm tra đầu vào vật liệu thô, thực phẩm chế biến); sản xuất ngoài đồng ruộng (đăng ký, chứng nhận tiêu chuẩn, kiểm tra tại ruộng); thiết bị (kiểm tra, tư vấn, chứng nhận vật liệu thô và cây trồng); đầu ra (kiểm tra, chứng nhận hàng hoá); cuối cùng là thị trường (đàm phán nước ngoài, thận trọng trong nước)
Nhằm đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn từ khâu đơn giản nhất của sản xuất, Chính phủ Thái Lan đã xúc tiến đầu tư, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào liên doanh với các nhà sản xuất trong nước để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, thông qua việc mở cửa cho các quốc gia dù lớn hay nhỏ vào đầu tư kinh doanh. Trong tiếp cận thị trường xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan là người đại diện thương lượng với chính phủ các nước để các doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu thực phẩm chế biến. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan có chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực tiếp vào kết cấu hạ tầng như: Cảng kho lạnh, sàn đấu giá và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; xúc tiến công nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xúc tiến công nghiệp là trách nhiệm chính của Cục Xúc tiến công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp, nhưng việc xúc tiến và phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm ở Thái Lan
do nhiều cơ quan cùng thực hiện. Chẳng hạn, trong Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, cùng với Cục Xúc tiến nông nghiệp, Cục Hợp tác xã giúp nông dân xây dựng hợp tác xã để thực hiện các hoạt động, trong đó có chế biến thực phẩm; Cục Thủy sản giúp đỡ nông dân từ nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến thủy sản. Cơ quan Tiêu chuẩn sản phẩm công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp xúc tiến tiêu chuẩn hoá và hệ thống chất lượng; Cơ quan Phát triển công nghệ và khoa học quốc gia xúc tiến việc áp dụng khoa học và công nghệ cho chế biến; Bộ Đầu tư xúc tiến đầu tư vào vùng nông thôn.
Ba là, Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những nước có qui định chặt chẽ nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm trên thế giới. Nhật Bản áp dụng Luật an toàn thực phẩm, Luật Chống gây nhiễm và kiểm soát các loại dịch bệnh, Luật Ngoại thương và Ngoại hối, Luật Thương mại với những quy định chặt chẽ, chỉ cho phép nhập vào nước này những loại thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Những loại thực phẩm không được phép nhập vào Nhật Bản bao gồm: thực phẩm chứa các thành phần độc tố hoặc có hại, hoặc bị nghi vấn có chứa độc tố; thực phẩm bị thối rữa hoặc hư hỏng; thực phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật trong quá trình chế biến, công thức hoặc nguyên liệu chế biến; thực phẩm sử dụng chất phụ gia quá mức cho phép; thực phẩm không kèm theo các chứng từ chứng minh.
Một số mặt hàng thực phẩm còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định kiểm tra nghiêm ngặt khác mới được nhập vào Nhật Bản như: không chứa các côn trùng gây bệnh hoặc có hại tới sức khỏe con người có trong thịt và cá tươi, các sản phẩm thịt chế biến như hamberger, xúc xích., trái cây, rau quả hoặc ngũ cốc. Nước này còn quy định giấy phép nhập khẩu đối với một số loài cá đánh bắt tại các vùng duyên hải và rong biển ăn được. Ngoài ra, còn có một số ít các mặt hàng nằm trong diện quản lý nhập khẩu theo quy định của
Luật Ngoại thương và Ngoại hối yêu cầu quota nhập khẩu, phải được đồng ý trước của Bộ trưởng phụ trách chuyên ngành.
Bốn là, Trung Quốc
Mặc dù hiện nay Chính phủ Trung Quốc vẫn đang phải đau đầu về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng trong thực tế, Chính phủ Trung Quốc đã có những chính sách nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm có thể tham khảo như, như mỗi cơ quan phụ trách một mắt xích quy chế: Bộ Nông nghiệp quản lý nhà nước về các nông sản chính; Hiệp hội Chứng nhận và cấp chứng quản lý sản xuất lương thực và ngành chế biến; Bộ Y tế quản lý ngành tiêu dùng; Tập đoàn Công nghiệp ôtô Thượng Hải quản lý ngành vận tải thực phẩm và Cơ quan Quản lý dược - thực phẩm chịu trách nhiệm chung về an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, tiêu chuẩn thực phẩm quốc gia và ngành đã áp dụng cho hơn 3.000 mặt hàng thực phẩm chế biến và gần 4.000 mặt hàng nông sản, đề ra tiêu chuẩn thanh tra, vệ sinh thực phẩm.
Kinh nghiệm một số địa phương trong nước
Quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta là một số lĩnh vực còn nhiều mới mẻ, vì thế ở nhiều tỉnh thành trong cả nước chưa có nhiều kinh nghiệm như một số quốc gia trên thế giới, Cục An toàn thực phẩm mới được thành lập vào năm 1999. Chúng ta chưa thể làm thay đổi ngay những tồn tại, yếu kém đã kéo dài nhiều năm, đã thành tiền lệ trong khi đó nhu cầu hội nhập là bất khả kháng. Không có cách nào khác ngoài việc học tập kinh nghiệm các nước để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam vào từng địa phương cho phù hợp thực tiễn nước ta.
Thành phố Hồ Chí Minh
Trước yêu cầu cấp bách về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm khác biệt so với 62 tỉnh thành khác trên cả nước đó là thành lập
Ban quản lý an toàn thực phẩm của thành phố. Theo đó, các ban ngành liên quan đến thực phẩm sẽ quy tụ về một đầu mối thực hiện theo chuỗi sản phẩm, tránh đùn đẩy trách nhiệm và thực thi nhiệm vụ các vấn đề liên quan về an toàn thực phẩm do Ban quản lý chịu trách nhiệm.
Đà Nẵng
Ngày 30 tháng 12 năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức công bố quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng của Thủ tướng Chính phủ. Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng tiếp nhận nhiệm vụ và nhân sự thực hiện công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố tại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Sở Y tế, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trực thuộc Sở NN&PTNT, và bộ phận an toàn vệ sinh thực phẩm của Sở Công Thương để thực hiện nhiệm vụ.
1.4.2. Bài học kinh nghiệm cho thành phố Hà Nội
Một là, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và đôn đốc, kiểm tra đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương; đưa chỉ tiêu bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm để tổ chức thực hiện; lồng ghép các hoạt động bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm với Chương trình dinh dưỡng cộng đồng và các chương trình khác. Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm của cả cơ sở
sản xuất kinh doanh và nhân dân, phù hợp với từng nhóm đối tượng, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Phát động phong trào thi đua bảo đảm an toàn thực phẩm; tập trung cao trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trong mùa hè, mùa cưới, các dịp lễ, tết, các ngày diễn ra sự kiện lớn về chính trị, văn hóa, xã hội.
Hai là, xây dựng và tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền an toàn thực phẩm. Xây dựng tiêu chí về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Ba là, tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành có chức năng liên quan, như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm trong trong giai đoạn hiện nay. Thành lập, củng cố lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ đáp ứng nhanh liên ngành về an toàn thực phẩm từ thành phố đến cơ sở.
Bốn là, xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; huy động sự tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân trong việc tham gia bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý
chất lượng tiên tiến và chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Năm là, tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm; đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, chú trọng xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong quản lý kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm không rõ nguồn gốc từ tỉnh khác về Hà Nội.
Sáu là, duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh; quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào đối tượng sản xuất rau quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm với quy mô tập trung gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô. Xây dựng, thí điểm, duy trì các mô hình an toàn thực phẩm, triển khai nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến.
Tiểu kết chương 1
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm ngày càng được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới mà có nhiều cách quản lý chất lượng an toàn thực phẩm sao cho phù hợp và mức độ
hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của mỗi nước cũng khác nhau nhưng nhìn chung Chính phủ của mỗi nước đều rất quan tâm đến công tác thể hiện ở việc đầu tư ngân sách, đầu tư nguồn lực, ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư về tổ chức và nhân lực cho công tác này.
Phần cơ sở lý luận quản lý nhà nước về an toàn thực phẩmở trên đã hệ