1.2.1.1. Khái niệm quản lý nhà nước về công tác thanh niên
Theo Mác: “Quản lý là một chức năng đặc biệt nảy sinh từ bản chất xã hội của quá trình lao động” [12, tr.8]. Xã hội loài người phát triển qua các hình thái xã hội gắn với các phương thức sản xuất từ nguyên thủy đến hiện đại, sự xuất hiện quản lý là một tất yếu của lịch sử khách quan, nó gắn liền với các giai đoạn phát triển của xã hội. Quản lý bắt nguồn từ bản chất của hệ thống xã hội, đó là hoạt động lao động tập thể, lao động xã hội của con người, trong quá trình lao động sản xuất con người phải có sự liên kết với nhau thành một tập thể. Do đó, quản lý được xem là một hoạt động tất yếu phải diễn ra ở mọi tổ chức dù nhỏ hay lớn. Như vậy, “Quản lý là sự tác động có tổ chức, có đích hướng của chủ thể lên đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu dự kiến” [28, tr.9].
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, quản lý nhà nước xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước, là công cụ của Nhà nước trong quản lý xã hội; là một dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của công dân. “Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước, sử dụng pháp luật và chính sách để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trên tất cả các mặt của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội” [29, tr.14].
Như vậy, quản lý nhà nước là hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) hoặc của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó chủ
thể quản lý phối hợp sử dụng các nguồn lực, công cụ, phương pháp để tác động đến các đối tượng quản lý nhằm đạt được các mục tiêu đề ra; là hoạt động chấp hành và điều hành, nó có tính quyền lực nhà nước (quản lý bằng pháp luật và mang tính cưỡng chế). Quản lý nhà nước được thực hiện đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và có sự kết hợp giữa quản lý nhà nước theo ngành và quản lý nhà nước theo địa bàn lãnh thổ.
Ở nước ta quản lý nhà nước về công tác thanh niên là một khái niệm còn khá mới và chưa có định nghĩa thống nhất. Theo một số tác giả như Vũ Trọng Kim: “Quản lý nhà nước về công tác thanh niên là hoạt động xây dựng thể chế có liên quan đến thanh niên, là sự quản lý của các cơ quan nhà nước theo các chế định pháp luật, chính sách để điều chỉnh, phối hợp thống nhất việc triển khai nhiệm vụ công tác thanh niên của các tổ chức, lực lượng trong xã hội nhằm đạt được các mục đích của Đảng và công tác giáo dục, bồi dưỡng và phát huy lực lượng thanh niên” [31, tr.87].
Theo Vũ Đăng Minh: “Quản lý nhà nước về thanh niên là hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên thành chính sách, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật đã được cấp có phẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên theo quy định của hiến pháp, pháp luật” [40, tr.8].
Theo Nguyễn Vĩnh Oánh: “Quản lý nhà nước về công tác thanh niên là hoạt động lập pháp và lập quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chế định ra những quy định về công tác thanh niên; hoạt động quản lý nhà nước trong phạm vi những công việc hành chính của các cơ quan trong bộ máy nhà nước có liên quan đến thanh niên; là hoạt động điều hành của Nhà nước về sự phối hợp tất cả các cơ quan, bộ máy hoặc đoàn thể có liên quan đến công tác thanh niên, đặt công tác thanh niên trong sự thống nhất
có sự quan tâm toàn diện của Nhà nước” [41, tr.123].
Các khái niệm được đưa ra trên đây, đã chỉ ra chức năng và nhiệm vụ của các chủ thể làm quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên, vẫn chưa phản ánh đầy đủ nội hàm của quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Công tác thanh niên là hoạt động của các chủ thể trong xã hội bao gồm Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là nòng cốt và của toàn xã hội tác động tổng hợp qua lại lên đối tượng là thanh niên. Do đó, quản lý nhà nước về công tác thanh niên không chỉ là hoạt động phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh niên của các chủ thể có thẩm quyền trong hệ thống chính trị nói chung và trong bộ máy nhà nước nói riêng mà còn có sự tham gia của toàn xã hội, cụ thể chính là nhân dân.Tại Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” và “nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” [45, tr.7]. Cho thấy vai trò quan trọng của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác thanh niên.
Quản lý nhà nước về thanh niên cũng tương tự như quản lý nhà nước đối với ngành và lĩnh vực khác, đó là trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, quản lý nhà nước về thanh niên cũng có các đặc trưng cơ bản của quản lý nhà nước song quản lý nhà nước về công tác thanh niên có tính đặc thù và đặc biệt. Vì khách thể quản lý là đối tượng thanh niên mà thanh niên là người còn trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành (từ đủ 16 đến 30 tuổi theo quy định tại Điều 1 của Luật Thanh niên Việt Nam năm 2005); thanh niên không phải là một giai cấp mà là một lớp người trong xã hội, họ có mặt ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì vậy, nội dung chính của quản lý nhà nước ở đây
là việc nhà nước tác động tới thanh niên bằng cơ chế, chính sách nhằm mục đích giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phấn đấu và trưởng thành; đồng thời phát huy vai trò xung kích, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc. Hay nói một cách khác, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước về công tác thanh niên là việc nhà nước thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về thanh niên thành chính sách, pháp luật; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cấp bộ Đoàn để tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách đó thanh niên theo nguyên tắc: Cơ chế, chính sách là của Nhà nước, phong trào là của Đoàn và người thụ hưởng là thanh niên Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu quản lý nhà nước về công tác thanh niên là một dạng quản lý xã hội tổng hợp, mang tính quyền lực nhà nước đối với một đối tượng đặc trưng là thanh niên; là quá trình tác động của hệ thống các cơ quan nhà nước đối với công tác thanh niên và thanh niên bằng chính sách, luật pháp, cơ chế vận hành và tổ chức bộ máy, bằng kiểm tra, giám sát, đồng thời cũng bằng các chính sách, luật pháp, nhà nước huy động mọi tổ chức, mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh niên.
1.2.1.2. Đặc điểm cơ bản của quản lý nhà nước về công tác thanh niên
Từ các quan điểm nêu trên, quản lý nhà nước về công tác thanh niên có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên là cơ quan công quyền của Nhà nước được hình thành và tổ chức thống nhất, có tính hệ thống và thứ bậc chặt chẽ. Hiện tại bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên được tổ chức thống nhất ở 4 cấp:
- Ở trung ương: Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Theo Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và Quyết định số 1471/QĐ-TTg ngày 13/8/2010 về việc thành lập Vụ
Công tác thanh niên trực thuộc Bộ Nội vụ, về lĩnh vực thanh niên Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên.
- Ở cấp tỉnh: Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BNV hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện về công tác thanh niên. Thành lập Phòng công tác thanh niên là phòng chuyên môn thuộc Sở Nội vụ, giúp giám đốc sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên.
-Ở cấp huyện: Theo thông báo 327–TB/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về phê duyệt Đề án “tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở các địa phương”, ở cấp huyện bổ sung thêm biên chế của Phòng Nội vụ để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên triên địa bàn huyện.
- Ở cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên, giao cho chức danh Văn phòng - Thống kê đảm nhiệm.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về thanh niên phải có tính chuyên môn hóa, nghề nghiệp cao và làm việc ổn định, lâu dài trong hệ thống quản lý nhà nước về thanh niên. Do vậy, đội ngũ này phải đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn và nguyên tắc trong thi hành công vụ theo quy định của Luật cán bộ, công chức như: Trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công.
Thứ ba, quản lý nhà nước về thanh niên mang tính toàn diện đối với mọi đối tượng thanh niên (công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi) khác với chức năng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam (cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên); khác với chức năng quản lý đoàn
viên, hội viên của tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam ... bởi các tổ chức này chỉ tác động đến thành viên trong tổ chức của mình (những người tham gia vào tổ chức như: đoàn viên, hội viên, ...) mà không phải là toàn bộ lực lượng thanh niên trong xã hội. Trong khi đó, chính sách của Nhà nước khi ban hành là tác động trực tiếp đến tất cả các đối tượng là thanh niên theo phạm vi điều chỉnh của từng chính sách cụ thể.
Thứ tư, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên có sự khác biệt cơ bản với tính chất hoạt động của các cơ quan, tổ chức tư vấn phối hợp liên ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.