Cần kết hợp tốt giữa vốn trong nước và vốn ngoài nước. Nguồn vốn đầu tư phát triển cần được quản lý, sử dụng có hiệu quả dựa trên cơ sở sắp xếp bố trí cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư. Trong đó, nguồn đầu tư ưu tiên vào những ngành, những lĩnh vực trọng điểm nhằm thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Trong điều kiện trình độ phát triển còn thấp, nguồn vốn hạn hẹp, để hiệu quả sử dụng vốn cao cần phải lựa chọn những chỉ tiêu tạo ra đột phá. Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cho nghiên cứu phát minh và ứng dụng triển khai, cho giáo dục đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong giai đoạn hiện nay. Trong những lĩnh vực này, yêu cầu vốn lớn, lâu đem lại hiệu quả lại có rủi ro cao nên cần phải sử dụng nguồn đầu tư của Nhà nước. Còn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh Nhà nước không cần phải đầu tư bằng ngân sách mà chỉ cần cơ chế chính sách thuận lợi để các thành phần kinh tế khác đảm nhận, Nhà nước chỉ đóng vai trò người chỉ đường, hướng dẫn, tạo điều kiện môi trường an toàn và thuận lợi, tạo cơ hội tiếp cận công nghệ và thị trường… Để đạt mục tiêu trên, Nhà nước cần có những biện pháp tăng cường hiệu quả của khu vực kinh tế Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa để giải quyết căng thẳng về vốn ngân sách và tạo cơ hội thu hút nguồn vốn từ dân cư, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ và thiết bị hiện có.
3.5. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực
Trường hợp của Hàn Quốc cho thấy, các nước nghèo muốn rút ngắn thời kỳ CNH phải đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực. Trong thời kỳ 1980- 1990, tuổi giáo dục trung bình của dân số nước này đã tăng tới 9,54; giảm số người mù chữ tới mức 0. Các trường đại học đã cung cấp cho đất nước 3.211 tiến sỹ, 22.000 tốt nghiệp cao học (tính đến năm 1992).
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực đang là trọng tâm trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam cần phải cân nhắc để tránh những vấn đề mà Hàn Quốc đã gặp phải. Được hưởng những kết quả phát triển giáo dục ngay từ khi giành được độc lập nhưng hiện trạng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay vẫn tỏ ra chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa về nhiều mặt, giáo dục phổ cập, giáo dục đại học và cao đẳng, đào tạo chuyên nghiệp. Kinh nghiệm về CNH gắn liền với phát huy yếu tố con người, coi việc đầu tư nguồn nhân lực như là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa của Hàn Quốc trong điều kiện thiếu hụt nguồn tài nguyên quan trọng là cơ sở tham
Nam. Nhận thức rõ vấn đề quan trọng này, Nhà nước cần thực thi một số chính sách và biện pháp để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
Tập trung cho giáo dục đào tạo là phương tiện chủ yếu quyết định chất lượng của nguồn nhân lực con người. Giáo dục đào tạo phải đi trước một bước, phải đổi mới giáo dục trên cơ sở kế thừa tất cả những gì là giá trị của giáo dục truyền thống; còn coi trọng việc trang bị kiến thức, học vấn khoa học, công nghệ nhưng không được lãng quên, coi nhẹ, việc giáo dục nhân cách, ý thức công dân. Nói tóm lại, giáo dục cần định hướng vào các mục tiêu kinh tế - xã hội, công nghệ kỹ thuật và phát triển năng lực bản thân con người. Giáo dục - đào tạo kết hợp chặt chẽ với khoa học công nghệ phải đóng góp xứng đáng vào phát huy nguồn lực con người. Trong điều kiện nước ta hiện nay, hình thức và nội dung giáo dục đào tạo có mốt số vấn đề cần chú ý:
- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo.
- Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy với việc gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành.
- Việc mở rộng qui mô đào tạo phải gắn liền với chất lượng, hiệu quả đào tạo và yêu cầu của thị trường lao động xã hội.
- Điều chỉnh cơ cấu đào tạo để có tương quan hợp lý giữa các cấp học, các ngành nghề và giữa các vùng kinh tế của đất nước.
- Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng chọn lọc nhân tài cho đất nước.
Khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập thì nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo phải có những thay đổi căn bản mới đáp ứng được những mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Khi ấy giáo dục đào tạo - khoa học công nghệ sản xuất - thị trường (cả trong và ngoài nước) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa là tiền đề cho nhau, vừa thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Về sử dụng nguồn nhân lực, cần có những biện pháp đồng bộ nhằm bố trí sử dụng hợp lý nguồn sức lao động, đặc biệt là lao động trí tuệ hiện có, tránh sử dụng không đúng chỗ hay không sử dụng có hiệu quả lao động chất xám hiện có, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế khai thác sử dụng nguồn nhân lực và tham gia đóng góp vật chất cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực.