Đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp nâng cao sự tự tin về cho

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục sức khỏe tới sự tự tin về cho con bú của bà mẹ tại bệnh viện trung ương thái nguyên năm 2016 (Trang 51 - 72)

cho con bú của bà mẹ

Với mục tiêu nhằm nâng cao sự tự tin về cho con bú của bà mẹ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, kiểm tra sự tự tin về cho con bú của bà mẹ, sau đó mới quyết định áp dụng chương trình giáo dục cho bà mẹ. Giáo dục sức khỏe là một quá trình nhằm giúp bà mẹ tự thay đổi những hành vi có hại cho sức khỏe của con mình để chấp nhận thực hiện những hành vi tăng cường sức khỏe. Trong nghiên cứu của chúng tôi, giáo dục sức khỏe liên quan đến việc nhóm nghiên cứu cung cấp những thông tin liên quan đến kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ nhằm nâng cao sự tự tin về cho con bú của bà mẹ như: Bà mẹ nhận biết được khi nào con bú đủ; Bà mẹ có thể đảm bảo cho con bú

tốt mà không sử dụng thêm sữa công thức để bổ sung; Bà mẹ đảm bảo rằng

con ngậm bắt vú hiệu quả trong suốt bữa bú; Bà mẹ quản lý việc cho con bú để không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống; Bà mẹ duy trì cho con bú thường xuyên; Bà mẹ có thể thoái mái cho con bú khi có mặt của các thành viên trong gia đình; Bà mẹ hài lòng với kinh nghiệm cho con bú của mình; Bà mẹ có thể kiên nhẫn cho con bú mặc dù có thể tốn nhiều thời gian; Bà mẹ có thể đảm bảo cho con bú đủ bữa trong ngày và theo nhu cầu của trẻ; Bà mẹ có thể nhận biết được khi nào thì trẻ bú xong bữa ăn.

Việc giáo dục được thực hiện trước khi bà mẹ cho con bú, bên cạnh đó hình thức tư vấn, cung cấp tài liệu phát tay cũng được nhóm nghiên cứu sử dụng. Thông qua các hoạt động nhóm nghiên cứu nhận ra nhu cầu hiểu biết cũng như thực hành về cho con bú của bà mẹ, do vậy nghiên cứu viên đã bám sát, hướng dẫn cho bà mẹ để từ đó nhận định được nhu cầu đích thực của họ. Dựa trên nhu cầu và mong muốn được giáo dục của các bà mẹ đang cho con bú, nhóm nghiên cứu đã áp dụng chương trình giáo dục tăng cường kiến thức, thực hành qua đó nâng cao sự tự tin về cho con bú của bà mẹ với các nội dung

theo hướng dẫn của chương trình đã có nội dung biên soạn cụ thể theo tài liệu trong và ngoài nước. Nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn các bà mẹ tham gia và giám sát họ trong khi thực hiện chương trình để đạt được mục tiêu đề ra là: Thay đổi được sự tự tin về cho con bú, từ đó quyết đinh được hành vi, cụ thể là bà mẹ có thể tự tin cho con bú hoàn toàn sữa mẹ đúng, đủ trong 6 tháng đầu, biết cách chăm sóc trẻ trong suốt thời gian cho con bú, cũng như nhận biết được đầy đủ các dấu hiệu tăng trưởng của trẻ khi được bú đúng, bú đủ. Kiến thức của các bà mẹ đã được nhóm nghiên cứu đánh giá bằng bộ câu hỏi gồm 14 câu trả lời theo thang điểm gồm 5 phương án trả lời từ 1: không tự tin chút nào cho đến 5: luôn luôn tự tin. Các phương án trả lời của người tham gia được cộng tổng lại để đưa ra một kết quả cuối cùng. Kết quả này có thể từ 14 đến 70. Điểm số càng cao chỉ ra bà mẹ tham gia nghiên cứu có sự tự tin về cho con bú càng cao.

Bộ câu hỏi được nhóm nghiên cứu sử dụng để đánh giá trước và sau can thiệp để đảm bảo tính thống nhất và khách quan trong quá trình đánh giá việc cho con bú của các bà mẹ. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng chương trình dựa trên học thuyết sự tự tin về cho con bú của Dennis năm 1999 [15]. Chương trình can thiệp bao gồm giáo dục sức khỏe về nuôi con bằng sữa mẹ ở giai đoạn trước sinh và đo lường sự tăng lên về sự tự tin của bà mẹ về cho con bú. Chúng tôi áp dụng cả can thiệp thường quy và can thiệp theo chương trình. Can thiệp bao gồm các hoạt động của điều dưỡng, nữ hộ sinh ở giai đoạn trước sinh, sau khi sinh. Chúng tôi nhận thấy thông qua hoạt động này đã cung cấp các kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ và đặc biệt chú trọng vào nội dung chính là nâng cao sự tự tin về cho con bú của bà mẹ.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở giai đoạn trước can thiệp điểm trung bình về sự tự tin cho con bú của bà mẹ nhóm chứng và can thiệp lần lượt 36,93 ± 5,69; 39,63 ± 6,79. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống

kê giữa hai nhóm với p > 0,05 (bảng 3.6). So sánh về sự tự tin về cho con

bú của bà mẹ giữa hai nhóm chứng và nhóm can thiệp tại thời điểm sau can

thiệp kết quả cho thấy: Ở giai đoạn sau can thiệp điểm trung bình về sự tự

tin cho con bú của bà mẹ nhóm chứng 41,13 ± 4,93; nhóm can thiệp 58,07 ± 4,52. Điểm trung bình về sự tự tin cho con bú giữa nhóm chứng và can

thiệp có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001(bảng 3.7). Khi đánh

giá điểm số tự tin của một nhóm chứng cho thấy điểm trung bình của bà mẹ về sự tự tin cho con bú trước và sau can thiệp của nhóm chứng lần lượt 36,93 ± 5,69 và 41,13 ± 4,93. Có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về điểm trung bình về sự tự tin cho con bú của bà mẹ nhóm chứng trước và sau can

thiệp với p < 0,001(bảng 3.8). Khi so sánh về sự tự tin về cho con bú của bà

mẹ ở nhóm can thiệp tại thời điểm trước và sau can thiệp, cho thấy điểm trung bình của bà mẹ về sự tự tin cho con bú trước và sau can thiệp của nhóm can thiệp lần lượt 39,63 ± 6,79 và 58,07 ± 4,52. Có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về điểm trung bình về sự tự tin cho con bú của bà mẹ nhóm

can thiệp trước và sau can thiệp với p < 0,001(bảng 3.9). Kết quả này cho

thấy, sau can thiệp mức độ tự tin về cho con bú của bà mẹ nhóm can thiệp có sự cải thiện rõ rệt, từ mức độ trung bình ở giai đoạn trước can thiệp của các bà mẹ ở nhóm can thiệp đã đạt mức độ tốt ở giai đoạn sau can thiệp.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu được thực hiện trước đó. Nghiên cứu của Otsuka [35] chỉ ra rằng, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa điểm trung bình về sự tự tin của bà mẹ cho con bú giữa hai nhóm can thiệp và kiểm soát ở giai đoạn sau can thiệp. Cụ thể sau can thiệp nhóm chứng có điểm trung bình 47 ± 10 trong khi đó nhóm can thiệp có điểm trung bình 51,6 ± 10,2 với p < 0,001. Điểm chính của sự đánh giá này chúng tôi cũng đã thu được kết quả là bà mẹ ở nhóm can thiệp có điểm trung bình ở giai đoạn sau can thiệp cao hơn

so với giai đoạn trước can thiệp lần lượt là 51,6 ± 10,2; 43,1 ± 10,8 với p< 0,001). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như kết quả nghiên cứu của Somayeh và cộng sự [37]: Điểm trung bình về sự tự tin của bà mẹ cho con bú ở giai đoạn sau can thiệp của bà mẹ nhóm can thiệp và nhóm chứng lần lượt là 123,66 ± 12,4 và 101,7 ± 12,9 với p< 0,001. Điểm trung bình về sự tự tin cho con bú của nhóm can thiệp ở giai đoạn trước và sau can thiệp cũng có sự khác biệt lần lượt là 105,28 ± 16,3 và 123,66 ± 12,4 với p < 0,001.

Khi so sánh sự tự tin về cho con bú của bà mẹ ở giai đoạn trước và sau can thiệp giữa hai nhóm, kết quả cho thấy: Điểm số trung bình về sự tự tin của bà mẹ trước can thiệp ở nhóm can thiệp và bà mẹ nhóm chứng có sự khác nhau chưa có ý nghĩa thống kê. Ở giai đoạn sau can thiệp, nhóm can

thiệp có sự tự tin về cho con bú cao hơn nhóm chứng, với p<0,001(bảng

3.10).

Đánh giá chỉ số hiệu quả can thiệp cũng như hiệu quả can thiệp của hai nhóm can thiệp và nhóm chứng tại thời điểm trước và sau can thiệp dựa vào điểm số trung bình cho thấy: Chỉ số hiệu quả can thiệp đạt 47% ở nhóm can thiệp, nhóm chứng là 11,4%; Hiệu quả can thiệp về cải thiện sự tự tin cho con

bú của bà mẹ đạt 35,6%(bảng 3.11).

Kết quả này nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, chương trình can thiệp nhằm nâng cao độ tự tin cho con bú đạt hiệu quả theo giả thuyết ban đầu mà nghiên cứu đã đưa ra. Chương trình can thiệp của chúng tôi đã đạt hiệu quả có thể giải thích dựa trên nền tảng và hướng dẫn của học thuyết sự tự tin về cho con bú đươc đề xuất bởi Dennis năm 1999 [15]. Theo học thuyết sự tự tin về cho con bú, những bà mẹ có sự tự tin cao về cho con bú, họ có thể sẽ đặt ra mục tiêu về nuôi con bằng sữa mẹ và suy nghĩ một cách hợp lý khi gặp phải các vấn đề trong quá trình cho con bú để từ đó tìm ra cách giải quyết

thích hợp. Bản thân bà mẹ sẽ thấy được kết quả khi họ nỗ lực cho con bú bất kể những khó chịu hoặc những bất tiện cá nhân. Những bà mẹ có sự tự tin cao sẽ có khả năng thư giãn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hơn, điều này sẽ thúc đẩy phản xạ xuống sữa và tăng tạo sữa. Bà mẹ sẽ đối phó một cách bình tĩnh với những vấn đề phát sinh và sử dụng các nguồn lực thích hợp khi họ cần giúp đỡ và cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ bởi vì họ biết nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất trong việc nuôi dưỡng trẻ.

Các nghiên cứu trước cũng cho thấy bà mẹ có sự tự tin thấp có mối tương quan nghịch đến sự thành công trong nuôi con bằng sữa mẹ. Những bà mẹ có quan điểm “Tôi sẽ cố gắng” sẽ có nỗ lực nuôi con bằng sữa mẹ thấp hơn so với những bà mẹ có quan điểm tin chắc rằng “Tôi sẽ thành công”. Điều đó chứng tỏ rằng những bà mẹ có sự tự tin thấp sẽ không cố gắng tìm ra giải pháp để giải quyết khó khăn trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Từ đó, bà mẹ có thể chọn phương án là ngừng cho con bú thay vì đối mặt với những khó khăn. Sự mong đợi về sự tự tin cho con bú của bà mẹ chịu ảnh hưởng bởi 4 nguồn thông tin: thành tựu của việc tự thực hiện, những kinh nghiệm do người khác làm, thuyết phục bằng lời nói, và phản ứng tâm sinh lý. Kết quả của việc cải thiện sự tự tin về cho con bú có thể được giải thích như sau:

Các bà mẹ ở nhóm can thiệp được đọc tài liệu về nuôi con bằng sữa mẹ và xem 1 video hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Với hoạt động này chúng tôi đã áp dụng khía cạnh “cung cấp kinh nghiệm do người khác làm” của học thuyết về sự tự tin cho con bú của Dennis. Chúng tôi cho rằng, với kinh nghiệm của bà mẹ trong video đã thực hiện hành vi cho con bú có tác động mạnh mẽ đến sự tự tin về cho con bú của bà mẹ trong nhóm can thiệp. Đối chiếu theo học thuyết này chúng tôi thấy các bà mẹ đã quan sát các bà mẹ trong video và tự so sánh với chính bản thân mình để có được kinh nghiệm

cho con bú. Từ đó, giúp bà mẹ thay đổi nhận thức của bản thân về khả năng thực hành cho con bú của mình và cải thiện sự tự tin về cho con bú.

Các bà mẹ trong nhóm can thiệp thực hiện hành vi cho con bú bằng cách sử dụng gối và 1 búp bê thay cho trẻ sơ sinh.Với hoạt động này chúng tôi đã áp dụng khía cạnh “ thành tựu của việc tự thực hiện” của học thuyết về sự tự tin cho con bú của Dennis. Bà mẹ học tập thông qua việc tự thực hiện và làm chủ hành vi cho con bú, từ đó rút ra được các kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó bà mẹ cũng được định hướng và làm chủ từ ban đầu, việc này giúp cho họ có đủ kỹ năng đối phó và điều chỉnh được trạng thái cảm xúc giúp làm giảm căng thẳng trong quá trình thực hiện hành vi cho con bú. Đây được coi là sự tiếp cận thành công nhất góp phần làm nâng cao sự tự tin về cho con bú.

Kết quả thực hiện đồng thời kết hợp với khuyến khích bà mẹ cam kết về việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ theo đúng hướng dẫn đã được nhóm nghiên cứu thảo luận. Chúng tôi đã áp dụng khía cạnh “thuyết phục bằng lời nói” trong học thuyết về sự tự tin cho con bú của Dennis. Bà mẹ được khuyến khích để vượt qua sự do dự và tập trung vào việc nỗ lực thực hiện hành vi cho con bú, qua đó nâng cao sự tự tin về cho con bú.

Phản ứng và đáp ứng tâm sinh lý với tình huống cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự tự tin về cho con bú. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thảo luận với bà mẹ về một số thay đổi về các phản ứng tâm sinh lý có thể xảy ra trong quá trình cho con bú. Học thuyết của Dennis cho rằng trạng thái tâm lý, phản ứng sinh lý và mức độ căng thẳng có thể tác động đến sự cảm nhận của bà mẹ về năng lực cá nhân của mình trong tình huống cụ thể. Vì vậy, thoải mái về tinh thần là cần thiết cho việc học diễn ra. Đặc biệt, trong việc nuôi con bằng sữa mẹ phản ứng tâm lý là rất quan trọng bởi vì tăng sự lo lắng có

ảnh hưởng trực tiếp đến phản xạ tiết sữa và có thể làm giảm lượng sữa mẹ [26], [31].

Chương trình can thiệp được xây dựng dựa trên học thuyết giúp cải thiện sự tự tin về cho con bú của bà mẹ có thể được giải thích theo quan điểm trên.

KẾT LUẬN

1. Thực trạng sự tự tin về cho con bú của các bà mẹ mang thai từ 28 – 37 tuần.

Sự tự tin của bà mẹ về cho con bú của bà mẹ trong nghiên cứu trước can thiệp ở hai nhóm đều ở mức độ trung bình. Điểm thực tế của nhóm chứng về sự tự tin cho con bú trước can thiệp giới hạn từ 25 – 50 điểm, với điểm trung bình 36,96 ± 5,69. Nhóm can thiệp có điểm thực tế về sự tự tin cho con bú trước can thiệp giới hạn từ 26 – 51 điểm, với điểm trung bình 39,63 ± 6,79 với p>0,05.

2. Đánh giá hiệu quả của can thiệp giáo dục về sự tự tin cho con bú của bà mẹ

Chương trình can thiệp giáo dục cho bà mẹ về sự tự tin cho con bú đã đạt được kết quả. Sau giáo dục cho thấy mức độ tự tin về cho con bú của bà mẹ ở nhóm can thiệp cao hơn so với nhóm chứng: Điểm trung bình sự tự tin là 58,07 ± 4,52 cao hơn so với trước can thiệp là 39,63 ± 6,79 với p < 0,001. Hiệu quả can thiệp giáo dục sức khỏe đạt 35,6%.

KHUYẾN NGHỊ

Trong thực hành điều dưỡng cần tăng cường giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao sự tự tin về cho con bú cho bà mẹ mang thai.

Nghiên cứu trong tương lai nên được thực hiện trên một cỡ mẫu lớn hơn và điều kiện chọn mẫu cũng như phương pháp lấy mẫu nghiêm ngặt hơn nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp cho con bú. Ngoài ra, sử dụng nghiên cứu định tính để hiểu biết sâu hơn tác động của giáo dục sức khoẻ tới sự tự tin về cho con bú và đánh giá thêm về thời gian cho bú cũng như việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục sức khỏe tới sự tự tin về cho con bú của bà mẹ tại bệnh viện trung ương thái nguyên năm 2016 (Trang 51 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)