7. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Chuẩn bị về lực lượng
Cùng với chuẩn bị tốt “thế trận lòng dân”, tại Quảng Ngãi công tác chuẩn bị về lực lượng vũ trang cũng được triển khai tích cực nhằm tạo nên lực mạnh, đáp ứng yêu cầu cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.
Ngày 15/12/1967, các đơn vị lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh được lệnh củng cố và huấn luyện chiến đấu theo tinh thần của Ban Chỉ huy Mặt trận. Các đơn vị Tỉnh đội được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, cán bộ chính trị, tổ chức các tổ bắn máy bay ở đồng bằng và miền núi, các chốt điểm cao và vùng phụ cận, chuẩn bị lực lượng để phòng thủ bờ biển, chủ yếu là cửa Cổ Lũy và khu vực đông Tư Nghĩa, Sa Kỳ, vùng đông Sơn Tịnh, sử dụng các lực lượng du kích ở các xã phối hợp với bộ đội địa phương tiến hành tuần tra canh gác, để kịp thời phát hiện tiến công của địch, đổng thời củng cố các làng xã chiến đấu ở vùng giải phóng và ở các vùng mới mở, nhanh chóng xây dựng các làng, các thôn, xã chiến đấu.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 22/12/1967, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã vạch ra kế hoạch, xây dựng phương án và xác định mục tiêu trong tiến công và nổi dậy. Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội triển khai gấp rút bổ sung quân số, xây dựng lực lượng vũ trang tập trung các tỉnh, du kích xã, thôn và du kích mật trong thị xã, xây dựng, củng cố các đội quyết tử. Mục tiêu trọng điểm của cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong tỉnh được Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội xác định là thị xã bao gồm tiểu khu, tỉnh đoàn bảo an, khu nhà lao, Đài phát thanh, Nhà máy điện, Ga ông Bố, bắc cầu Trà Khúc, điểm cao 45..lực lượng chủ lực tỉnh có các tiểu đoàn bộ binh 20, 81, 83, 48 các đại đội đặc công 506A, 506B, 31, 95 và Tiểu đoàn đặc công 401 của quân khu tăng cường. Bên cạnh bộ đội chủ lực tỉnh, nhân dân các xã được giải phóng thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ được huy động tổ chức từng đơn vị, từng đội kéo về thị xã hỗ trợ cho cuộc nổi dậy.
Ngày 20/1/1968, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định thành lập thêm trung đoàn tổng hợp để tăng cường lực lượng chiếm lĩnh và quản lý thị xã khi thời cơ xuất hiện. Đồng chí Trần Tây Sơ (tên thường gọi là Thu Hảo) được chỉ định làm chức vụ là Trung đoàn trưởng, đồng chí Mai Lương làm Bí thư Thị ủy làm chính ủy, đồng chí Thuấn làm trung đoàn phó phụ trách hậu cần. Bộ phận điệp báo an ninh đô thị đảm nhận nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu mục tiêu, nắm rõ tình hình trước, trong và sau chiến dịch về tất cả mọi mặt trong đó đáng chú ý là về mặt tinh thần, tư tưởng, tổ chức của ngụy quân, ngụy quyền các cấp, các âm mưu và thủ đoạn để sẵn sàng kịp thời đối phó với địch.
Các đơn vị vũ trang ở các huyện cũng được thành lập, được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các mục tiêu của địch. Ngày 29/1/1968, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, huyện đã tập kết chuẩn bị tiếp cận mục tiêu được phân công, các tổ chức vũ trang quần chúng ở vào vị trí quy định chờ giờ G để sẵn sàng hành động.
Ở huyện Bình Sơn, căn cứ vào tình hình của địch trên địa bàn cũng như thực lực của phong trào cách mạng của huyện, Thường vụ Huyện ủy quyết định huy động 25 ngàn quần chúng nòng cốt tổ chức thành các trung đoàn. Lực lượng du kích ở các xã chỉ để lại một tiểu đội trực ở các địa phương còn biên chế mỗi xã mỗi trung đội làm nòng cốt luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng khởi nghĩa.
Ở huyện Trà Bồng, các đồng chí huyện ủy viên được phân công chịu trách nhiệm từng mũi, từng cánh, từng địa bàn để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chỉ trong một thời gian ngắn, “Toàn huyện đã động viên được 115 thanh niên tòng quân nhập ngũ (bổ sung cho hai đại đội tập trung của huyện 80 người và các đơn vị của trên 35 người)” [10, tr.230]. Lượng du kích xã, thôn phát triển và được củng cố mạnh hơn. Huyện ủy còn tổ chức được các đại đội đấu tranh chính trị tấn công vào quận lỵ và một tiểu đoàn tham gia xuống đường, tiến về
tỉnh lỵ. Huyện ủy lập Ban chỉ đạo tiền phương, gồm có các đồng chí Tấn, Mân, Truyền, Ó Liên, Tâm, Lý, Đoàn, trực tiếp chỉ huy tất cả lực lượng của huyện trong đợt tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Ở huyện Sơn Tịnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, hàng trăm thanh niên các xã, học sinh các trường cấp II thi đua tham gia các lực lượng vũ trang và dân quân du kích. “Mỗi xã có từ 25 đến 35 du kích xã, lực lượng vũ trang huyện được tăng thêm 175 người, bổ sung cho bộ đội chủ lực 98 người” [9, tr.312].
Ở huyện Sơn Hà, kết hợp với đấu tranh vũ trang, các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận tiếp tục được đẩy mạnh. Trong cuộc đấu tranh năm 1967, trên địa bàn toàn huyện diễn ra 31 cuộc đấu tranh chính trị, gần 7.000 lượt người tham gia. Cùng với nhân dân cả nước nhân dân Sơn Hà đứng lên làm cách mạng để cứu nước, cứu nhà và tự cứu lấy chính mình [7, tr.125].
Ở huyện Minh Long, các phòng trào yêu nước, các làng chiến đấu được củng cố vững chắc hơn. Lực lượng bộ đội huyện phát triển lên hai trung đội, mỗi xã có một trung đội du kích bán tập trung. Toàn huyện có 291 chiến sĩ và cán bộ chỉ huy được trang bị nhiều súng đạn hơn trước. Đội quân đấu tranh chính trị được củng cố chặt chẽ, 469 người luôn sẵn sàng tham gia đấu tranh khi có sự việc, trong đó có 40 người nòng cốt. Trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân diễn ra, trên địa bàn toàn huyện đã điều động 80% du kích tập trung hỗ trợ cho hai mũi tấn công phía trước [4, tr.153].
Ở huyện Mộ Đức, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, hàng trăm thanh niên các xã thi đua tham gia các lực lượng vũ trang. Mỗi xã đều có từ 25-30 du kích. Lực lượng vũ trang ở huyện được tăng cường. Một số được bổ sung cho lực lượng vũ trang của tỉnh. Hầu hết các chiến sĩ, du kích được tăng cường ra phía trước, ở phía sau lực lượng quần chúng được tổ chức theo từng đơn vị, có đảng viên lãnh đạo, du kích làm nòng cốt, có nhiều em đội viên thiếu niên tiền
phong cũng tham gia bố phòng, xây dựng làng xã chiến đấu.
Ở huyện Đức Phổ, công tác chuẩn bị cho tổng tiến công được tiến hành một cách khẩn trương trên tất cả các mặt. Trên toàn huyện lực lượng chính trị là 11.000 người [3, tr.195]. Được tổ chức thành các tiểu đội đến tiểu đoàn, trong từng đơn vị có lực lượng trung kiên làm nồng cốt. Đây là những người tự nguyện, được tuyển chọn, được tập dượt và rèn luyện trong các cuộc đấu tranh chính trị.
Ở huyện Ba Tơ, đã tổ chức học tập chỉnh huấn và củng cố, xây dựng lại các đơn vị vũ trang huyện và du kích xã, thôn. Mỗi xã đều có từ 1 đến 2 trung đội du kích, ở các thôn đều có các tổ du kích. Số lượng Đảng viên, đoàn viên trong các lực lượng vũ trang, bán vũ trang được tăng cường. Huyện ủy mở nhiều lớp huấn luyện có nội dung phục vụ cho yêu cầu chiếm lĩnh, chỉ huy hợp pháp, trinh sát và liên lạc.
Tại huyện Sơn Tây, huyện ủy đã biến tinh thần “thời cơ ngàn năm có một” và khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, tất cả để giành chính quyền về tay nhân dân” thành hành động; huy động tổ chức một lực lượng khá lớn tham gia chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa, trong tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân nhân dân trong huyện đã đưa tiễn gần 100 thanh niên lên đường gia nhập quân giải phóng.
Với sự chuẩn bị về lực lượng của quân và dân Quảng Ngãi như vậy, buộc địch lâm vào tình trạng phân tán, căng thẳng thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra đúng ý định và giành thắng lợi ở Quảng Ngãi.