7. Kết cấu của luận văn
2.2.3. Chuẩn bị về hậu cần
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược và lường trước những khó khăn, thách thức, ta đã chủ động trong công tác chuẩn bị chiến trường về hậu cần toàn diện ở các cấp. Trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động của tuyến vận
tải chiến lược, tăng cường chi viện vật chất hậu cần, kỹ thuật cho chiến trường; mở rộng các căn cứ hậu cần, xây dựng các cơ sở hậu cần bí mật và từng bước đưa vũ khí vào “lót” trong các thị xã, thị trấn sẵn sàng bảo đảm cho tổng tiến công và nổi dậy.
Ngoài lực lượng hậu cần của các mặt trận, các đơn vị, công tác hậu cần trong tổng tiến công và nổi dậy ghi nhận sự đóng góp quan trọng của hậu cần nhân dân. Các cơ sở hậu cần bí mật, hậu cần tại chỗ đã khẳng định vai trò quan trọng, tham gia bảo đảm có hiệu quả cho các lực lượng chiến đấu. Nhân dân Quảng Ngãi đã tích cực tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược; tiếp tế, ủng hộ lương thực, thuốc men; che giấu, nuôi dưỡng, vận chuyển thương binh… Nhân dân Quảng Ngãi từ miền xuôi đến miền ngược sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua dốc sức người, sức của, đóng nhanh, đóng đủ, đóng vượt mức quỹ nuôi quân, hiến tiền, vàng, trâu bò cho cách mạng.
Ở huyện Trà Bồng, huyện ủy Trà Bồng động viên nhân dân đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm lương thực dự trữ và đóng góp nuôi quân, đóng góp quỹ khởi nghĩa, đi dân công, tòng quân… đạt và vượt mức trên giao. Trước và trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã huy động được 3.494 dân công tham gia 21.920 ngày công làm đường, chuẩn bị lương thực dự trữ…. Đồng bào đóng góp vào quỹ nuôi quân và quỹ khởi nghĩa được 11.995 ang lúa, 48.000 đồng, một con trâu, 20 con heo, 387 chiếc nồi, chiêng các loại [10, tr.234].
Nhân dân huyện Sơn Tịnh, đã chuẩn bị thêm 60 tấn lương thực trước 9 ngày và còn mua thêm cho đơn vị bạn 75 tấn nữa. Trong năm 1968, toàn huyện có 12.197 lượt người đi dân công phục vụ tiền tuyến, đóng góp vào quỹ nuôi quân được 652.703 kg gạo, ủng hộ cho các đơn vị, trạm xá, du kích 67.500 đồng, 2.752 lon sữa cùng nhiều tặng vật khác. Hàng trăm thương binh được chăm sóc chu đáo, nhân dân ý thức được rằng “ruộng rẫy là chiến
trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”, những người nông dân yêu nước trở thành chiến sĩ trên mặt trận sản xuất, quyết tâm bám giữ ruộng vườn. Làm ban ngày không được, đồng bào tranh thủ sản xuất ban đêm và đã cấy được 5.502 mẫu ruộng, 3.429 mẫu rau màu ngắn ngày để phục vụ cho kháng chiến [9, tr.324].
Ở huyện Sơn Hà, huyện ủy đã đề ra khẩu hiệu hành động “địch phá một, ta làm hai, ba. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, trong năm 1967 nhân dân cấy và tỉa được 62.220 ang giống lúa, trồng 17,5 triệu gốc mì và nhiều hoa màu khác. Động viên và thu mua phục vụ cho kháng chiến 59.000 ang lúa và 194 tấn gạo” [7, tr.124].
Ở huyện Tư Nghĩa, nhân dân đã vận động bà con đóng tiền để mua trâu, bò, heo để ủng hộ bộ đội. Nhân dân Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa đã tu sửa, đào hầm, xây dựng làng chiến đấu.
Ở huyện Minh Long, để chuẩn bị cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, theo chỉ đạo của Huyện ủy, các vùng căn cứ huy động đồng bào đóng góp hàng ngàn ang lúa, phụ nữ tập trung giã gạo ngày đêm để kịp thời phục vụ chiến dịch. Các đội công tác và cơ sở bên trong đã vận động đồng bào tại quận lỵ và trong các ấp bí mật quyên góp chuyển ra cho cách mạng hàng tấn gạo, đồ hộp và rất nhiều vải, quần áo, thuốc chữa bệnh.
Ở huyện Mộ Đức, các mẹ, các chị trong Hội mẹ chiến sĩ, phụ nữ giải phóng ở các xã ngày đêm đi từng nhà, vận động quyên góp gạo, nếp, tiền bạc để làm bánh Tết, lương khô dự trữ cho bộ đội chuẩn bị đánh địch. Các tổ binh vận, vận động anh em binh sĩ về ăn tết để phân hóa địch. Từ huyện đến xã các ban tiếp tế, cứu thương được thành lập, phối hợp với chiến sĩ, du kích chuẩn bị hành động, khí thế sôi nổi khẩn trương.
Ở huyện Ba Tơ, diện tích sản xuất nông nghiệp năm 1968 tăng gấp 2 lần so với năm 1967, đảng bộ chỉ đạo tăng cường sản xuất, nhân dân ăn cơm ghế,
hạn chế nấu và uống rượu, không nuôi heo bằng cơm. Khắp các xã, thôn với tinh thần của đồng bào Ba Tơ “sản xuất như giết giặc” được biểu hiện rõ nét và ngoan cường. Lời phát biểu của đồng bào Ba Tơ “còn lá rừng còn ăn, còn đánh giặc Mỹ và tay sai, nắm chắc tay súng đến thắng lợi hoàn toàn” [1, tr.221]. Trở thành lời thề son sắc của đồng bào trong tỉnh.
Ở huyện Sơn Tây, nhìn chung trên 50% lao động của huyện tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân và tự mạng gạo, thực phẩm để ăn. Huyện ủy còn tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng thi đua đóng góp lương thực với mức cao nhất để phục vụ cho chiến dịch. Tổ sản xuất thi đua với tổ sản xuất, xã thi đua với xã. Kết quả đã huy động được nhân dân toàn huyện tự nguyện nộp vào kho 367 tấn lương thực (trong đó có 167 tấn gạo và 200 tấn màu quy thành gạo), so với năm 1966 tăng lên 201 tấn. Bình quân mỗi lao động đã đóng góp 99 kg gạo, là mức đóng góp khá cao so với toàn tỉnh, xếp vào loại nhất, nhì miền núi. Nhiều xóm, tổ đóng góp vượt mức, đặc biệt là tổ Cha Dom (Sơn Dung), tổ Anh Du (Sơn Bao) có 23 lao động đã đóng góp 1.700 ang lúa, bình quân mỗi lao động góp 74 ang lúa, bằng 333 kg gạo [8, tr.151].
Ở các huyện đồng bằng cũng như các huyện miền núi, nhân dân đã đóng góp rất lớn về lương thực, thực phẩm và nguồn nhân lực lớn “chỉ tính trong những ngày đột xuất phục vụ chiến dịch đã huy động được 24.720 lượt người và 214.511 ngày công. Ở 5 huyện miền núi đã có 5.576 lượt với 45.623 ngày công, vận chuyển được 229 tấn lương thực, thực phẩm và đồ dùng quân sự”
[14, tr.256].
Với công tác chuẩn bị chu đáo và phối hợp chặt chẽ, sự chi viện tương đối đầy đủ và kịp thời về người và vật chất của nhân dân, đã góp phần tạo ra thế và lực mạnh để quân và dân Quảng Ngãi tiến công và nổi dậy trong năm 1968.
Nhìn chung, trên toàn tỉnh cho đến cuối năm 1967 đầu năm 1968 mọi công tác cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy về cơ bản đã hoàn thành. Quảng
Ngãi cũng như các tỉnh khác trên toàn miền Nam, về lực lượng, các hướng trọng điểm đã sẵn sàng chờ giờ G để giáng một đòn mạnh mẽ và bất ngờ xuống các trung tâm đầu não của địch ở các thành phố, thị xã, quyết tâm giành thắng lợi cao nhất.
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy năm 1968 ở Quảng Ngãi, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn. Sau cuộc phản công chiến lược mùa khô I và mùa khô II của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, thực lực 3 mũi giáp công, nhất là lực lượng 3 thứ quân bị tổn thất chưa kịp củng cố. Các cuộc tập kích, càn quét, bắn phá, ném bom ác liệt làm cho công tác chuẩn bị, động viên nhân tài vật lực phục vụ cho cuộc tiến công và nổi dậy ít nhiều bị cản trở; một số cán bộ của tỉnh, của Quân khu cử về chỉ đạo phong trào bị hi sinh, lực lượng địa phương cũng bị hao hụt không ít. Việc chuẩn bị lương thực, vũ khí vào các hướng trọng điểm chưa đạt với yêu cầu đề ra, lương thực tại chỗ bị hạn chế…
Mặc dù vấp phải những khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy nhưng do đã được quán triệt tư tưởng, tinh thần từ trước, quân và dân Quảng Ngãi đã nỗ lực phi thường, khắc phục mọi khó khăn, gấp rút chuẩn bị mọi mặt đáp ứng cho cuộc tiến công và nổi dậy. Từ các cơ quan lãnh đạo cho đến chỉ huy, các đơn vị vũ trang, các ngành làm việc hết công suất. Từ trước đến giờ, chưa có mùa xuân nào, chiến dịch nào mà không khí ra quân hào hứng, phấn khởi, sôi nổi, đầy quyết tâm và ngập tràn niềm tin như mùa Xuân năm 1968.
2.3. Diễn biến cuộc tiến công và nổi dậy năm 1968 ở tỉnh Quảng Ngãi
2.3.1. Đợt 1: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968
2.3.1.1. Tiến công và nổi dậy ở Thị xã Quảng Ngãi
Trong khi lực lượng chiến lược của địch bị thu hút, giam chân tại mặt trận đường số 9 - Khe Sanh thì đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968 (tức giao
thừa theo lịch miền Nam), quân và dân các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và Tây Nguyên đã đồng loạt tiến hành tiến công vào thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ, hàng loạt căn cứ, sân bay, kho tàng, sở chỉ huy của địch cùng với yếu tố bất ngờ và quyết tâm cao, quân giải phóng đã đánh nhanh, đánh mạnh vào các vùng trọng điểm, các cơ quan đầu não và hậu cứ của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Tại Khu V, theo như kế hoạch thì đúng 0 giờ ngày 30/1/1968 (giao thừa theo lịch miền Nam) ta đã tấn công địch vào thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) sau đó ta đồng loạt tấn công vào thị trấn Tân Cảnh, thị xã Công Tum, thị xã Buôn Ma Thuột, thị xã Plâycu, thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, thành phố Quy Nhơn. Trước đó pháo binh ta đã bắn phá trung tâm Huấn luyện Hải quân ở Nha Trang.
Tại các tỉnh đồng bằng ven biển Khu V, lực lượng vũ trang của ta tiến công vào một loạt thành phố, thị xã như Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang và 40 thị trấn, quận lỵ cùng hàng trăm mục tiêu quân sự, chính trị của địch trên địa bàn chiến lược trọng yếu này.
Ngày 29/1/1968 Quân khu V nhận được lệnh, Bộ Tổng tham mưu hoãn ngày tiến công một ngày (Theo lịch của Chính quyền Sài Gòn) Tết Âm lịch Mậu Thân là ngày 31/1/1968. Tuy nhiên, ở một số địa phương mọi thứ đã sẵn sàng, kế hoạch đã được triển khai nên không thể trì hoãn được và xin tiếp tục nổ súng. Ở quân Khu V chỉ có Quảng Ngãi và Tam Kỳ chấp hành đúng lệnh là lùi lại một ngày [32, tr.335]. Do vậy, yếu tố bất ngờ không còn nữa, địch đã được thông báo và đề phòng nghiêm ngặt hơn ở Quảng Ngãi.
Đúng 2 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 cùng với sự phối hợp của quân và dân toàn miền, đòn sấm sét bất ngờ của quân và dân Quảng Ngãi đã giáng một đòn nặng nề vào sào huyệt của địch. Các lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh đã đồng loạt nổ súng vào thị xã, thị trấn và các vùng phụ cận, mở màn
cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trên chiến trường Quảng Ngãi.
Tại thị xã, tiểu đoàn đặc công 406 của Quân khu V đã phối hợp cùng đại đội 21 đặc công của tỉnh đã nổ súng đánh chiếm một phần khu nội thành, bao vây nhà sư trưởng sư đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa. Ta đã tiêu diệt 80 tên Việt Nam Cộng hòa, trong đó có tên đại úy chỉ huy trưởng và nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, làm bị thương hơn 100 tên. Đây là những trận đánh nhằm tạo đà, tạo thế cho nhiệm vụ tổng tiến công và nổi dậy.
Tại tiểu khu Quảng Ngãi ta phá hủy 9 trong số 17 xe thiết giáp, tiêu diệt 40 tên địch, trong đó tên thiếu tá chỉ huy trưởng chi đoàn thiết giáp và tên đại úy tham mưu phó tiểu khu bị thương nặng. Tại ngã tư đường Quang Trung và đường Lê Trung Đình ta đã tiêu diệt một tiểu đoàn lính Việt Nam Cộng hòa.
Đại đội đặc công 506A và đại đội đặc công 95 đã đánh chiếm nhà lao Quảng Ngãi, giải thoát 1.500 tù chính trị đánh sập 2 lô cốt khu tỉnh đoàn bảo an. Địch đã phản công quyết liệt nhằm chiếm lại những gì đã mất nhưng bị quân và dân ta đánh trả và địch bị tiêu diệt trên 100 tên [14, tr.269].
Đại đội 506B thuộc lực lượng quân đội thị xã đã đánh chiếm Ngã Năm, trường Trung học Kim Thông và trường Tiểu học Thánh Tâm, chiếm đường Võ Tánh, diệt 4 xe thiết giáp và 1 đại đội nghĩa quân, bắt 14 tên, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch, diệt 2 lô cốt, chiếm Bâncalo Quảng Ngãi và làm chủ 1 ngày [14, tr.269]. Địch hoang mang cho bắn pháo, ném bom gây cho nhân dân Quảng Ngãi nhiều thiệt hại về người và của.
Các tiểu đoàn 81, 83 và 20 của Quảng Ngãi tại khu vực sân bay, tuy bị lộ trong lúc tiến hành quân tiếp cận nhưng các tiểu đoàn đã hình thành các mũi tiến công, lần lượt đánh chiếm các khu vực trong khi quân địch dùng tất cả các loại hỏa lực, chống trả quyết liệt. Ta đã tiêu diệt tiểu đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa, đánh chiếm tiểu đoàn 3 và các bộ phận trung đoàn khác. Địch chết
và bị thương 300 tên, trong số đó có 1 tên trung đoàn trưởng trung đoàn 4 Việt Nam Cộng hòa. Sau đó quân ta cho 1 tiểu đội trinh sát tỉnh đột nhập vào sân bay, đã đánh tan xác 6 máy bay địch, phá hủy 1 kho nhiên liệu, 1 kho xăng dùng cho máy bay, 1 kho súng của tiểu đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa, lửa bốc khói cháy suốt ngày. Tạo điều kiện cho các tiểu đoàn từ các hướng đánh chiếm các khu vực quy định. Đến 21 giờ ngày 31/1/1968 tất cả các đơn vị rút khỏi sân bay và thị xã, riêng bộ đội đặc công trụ lại ở phía nam thị xã. Đúng 23 giờ ta dùng cối 82 ly pháo kích tới tấp vào sân bay trúng các mục tiêu, lửa bốc cháy dữ dội.
Đêm ngày 31/1/1968 tại khu vực phía Bắc của sông Trà Khúc, tiểu đoàn 48 phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Sơn Tịnh tiến công cao điểm 45 (là trung tâm huấn luyện địa phương quân), chỉ sau 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt được 9 lô cốt, 2 hầm ngầm, phá hủy toàn bộ doanh trại địch, chiếm lĩnh được đầu cầu Trà Khúc, nhưng vẫn chưa cắt được cầu vì công binh chưa tiến lên kịp.
Trước sự tấn công mạnh mẽ vào thị xã của quân ta, địch đã cho 2 tiểu đoàn và 7 xe thiết giáp từ thị xã ra để phản kích, bị quân ta chặn đánh diệt được 3 xe thiết giáp, địch dùng máy bay bắn phá ác liệt, quân dân Quảng Ngãi phải rút khỏi phía Bắc của cầu Trà Khúc. Kết quả đêm ngày 31/1/1968, tại bắc cầu Trà Khúc ta diệt được 300 tên địch, 6 trung đội địa phương quân [15, tr.160].
Sau khi thất bại nặng nề ở thị xã, quân Việt Nam Cộng hòa tăng cường thêm 1 đại đội từ Nghĩa Hành xuống bảo vệ, ứng cứu cho thị xã, thì lúc đó đúng 18 giờ 45 phút ngày 3/2 lực lượng vũ trang của ta đã chặn đánh địch, tiêu diệt 1 trung đội, số còn lại bỏ chạy toán loạn, địch phải dùng pháo binh chi viện. Đêm ngày 3/2/1968 các tiểu đoàn 81 và 83 tiến công vào ấp Chánh An và Ấp Thuận Hóa diệt thêm 1 trung đội lính Việt Nam Cộng hòa.
Chưa dừng lại ở đó, đêm ngày 5/2/1968, các tiểu đoàn 81, 82 phối hợp chặt chẽ với lực lượng đặc công của tỉnh đánh chiếm khu vực Ga Ông Bố, làm chủ từ Chợ Ông Bố đến Chấn Hưng. Tại đây, lực lượng cách mạng đã tiêu diệt 11 lô cốt, 1 hầm ngầm, làm sập 1 tòa nhà lính địch ở, diệt gọn 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 1 đoàn bình định, 1 trung đội nghĩa quân, phá hủy 1 kho xăng, 13 xe GMC [12, tr.221].
Như vậy, ở thị xã lực lượng cách mạng đã chiếm được từng góc nhà,