3. LIÊN HỆ THỰC TIỄN
3.2. Thực trạng giảm đau bằng thuốc sau phẫu thuật lấy thai tại Trung tâm Y
tế huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ năm 2018.
Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê hàng năm tiếp đón hàng ngàn sản phụ đến khám và chờ sinh tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tỉ lệ phẫu thuật lấy thai ngày càng cao, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với số lượng trung bình khoảng 120 ca phẫu thuật lấy thai/ 270 tổng số ca sinh. Tỉ lệ mổ chiếm trên 40%. Do vậy công tác chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật lấy thai luôn được quan tâm trú trọng, trong đó có chăm sóc giảm đau cho người bệnh bằng thuốc. Công tác này luôn được lãnh đạo bệnh viện cũng như các thầy thuốc ngành sản khoa, ngoại khoa và đặc biệt là các thầy thuốc GMHS quan tâm. Tuy nhiên việc đẩy mạnh sinh hoạt chuyên đề, nghiên cứu thực tiễn, khoa học dựa trên bằng chứng còn hạn chế, Do vậy việc dùng thuốc giảm đau cho bệnh nhân sau phẫu thuật nói chung và phẫu thuật lấy thai nói riêng còn dựa vào kinh nghiệm.
Hàng năm khoa CSSKSS tiến hành phẫu thuật hơn một nghìn ca, trong đó tỷ lệ mổ lấy thai rất cao với nhiều nguyên nhân và chỉ định khác nhau. Phẫu thuật lấy thai là phẫu thuật can thiệp vào ổ bụng và tử cung, tổn thương cơ, mạch máu và nhất là thần kinh, Tỉ lệ người bệnh đau sau phẫu thuật là 100% với nhiều mức độ khác nhau. Việc dùng thuốc giảm đau sau phẫu thuật là rất cần thiết, nó giúp cho người bệnh đỡ đau đớn, nâng cao thể trạng, giảm bớt lo âu, nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Đánh giá đau thầy thuốc và điều dưỡng đều dựa trên kinh nghiệm và quan sát bệnh nhân đau để cho thuốc và chăm sóc, chưa sử dụng công cụ đánh giá thang đau. Qua khảo sát, tôi tiến hành đánh giá tình trạng dùng thuốc giảm đau sau phẫu thuật lấy thai với 150 ca, với các trường hợp mổ lấy thai lần đầu, lần hai, lần 3 kết quả như sau:
3.2.1. Giảm đau bằng thuốc:
Các thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân sau phẫu thuật lấy thai là thuốc giảm đau Non-steroid, steroid và thuốc giảm đau trung ương ( họ morphin). Giảm đau bằng thuốc gây tê kết hợp, gây tê vùng. Tuy nhiên tùy từng bệnh nhân, tùy từng loại phẫu thuật, tính chất phẫu thuật, tùy từng điều kiện hoàn cảnh kinh tế mà thầy thuốc quyết định cho thuốc cũng như phương pháp giảm đau cho bệnh nhân khác nhau.Các kỹ thuật kiểm soát đau bằng thuốc như:
- Đường uống (hầu như ít dùng) vì sau phẫu thuật bệnh nhân rất đau, uống hầu như ít có tác dụng giảm đau trong 24h đầu, và khó thực hiện với bệnh nhân sau phẫu thuật. Qua khảo sát chúng tôi thấy 150/150 bệnh nhân ngày đầu không dùng thuốc giảm đau bằng đường uống. Từ ngày thứ 2 có 5 bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc giảm đau uống: ACTADOL (Paracetamol) 500mg x 4v/ngày. Ngày thứ 3 có 1 bệnh nhân dùng thuốc giảm đau đường uống.
- Đường đặt: là đường được thầy thuốc ưu tiên sử dụng nhiều nhất. Có tới 125 ca/ tổng số 150 ca khảo sát dùng thuốc bằng đường đặt hậu môn. Thuốc thường dùng là nhóm giảm đau Non-steroid: NOVARTIS(Diclofenac sodium) 100mg x 1 viên đặt hậu môn, thường là 6h đầu sau phẫu thuật, tùy tình trạng đau, có thể sớm hơn, liều điều trị thứ 2 là 1 viên sau 12h. Đối với các trường hợp mổ lấy thai lần 2 trở lên hoặc có cắt tử cung do đờ tử cung sau mổ lấy thai, cho ngày đầu và cả ngày thứ 2 sau mổ. Ngày thứ 3 không dùng.
- Đường tiêm, truyền: là đường ít được các thầy thuốc lựa chọn. Qua khảo sát có 2/150 ca được dùng đường tiêm bắp thịt: Morphinhydroclorid 10mg x 1 ống tiêm bắp thịt . được dùng cho 2 bệnh nhân sau phẫu thuật lấy thai/ sẹo phẫu thuật lấy thai cũ.
- Giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng: đây là phương pháp được người bệnh sử dụng dịch vụ. Qua khảo sát có 18 ca/ 150 ca người bệnh sử dụng phương pháp này. Thuốc dùng là: Marcain và Fentanyl phối hợp, Người bệnh được đặt 1 Catherter vào L3-L5, Cứ mỗi lần bệnh nhân đau thầy thuốc cho bơm thuốc và điều chỉnh liều giảm dần cho tới khi bệnh nhân hết cảm giác đau. Thường kỹ thuật này được dùng ngày thứ nhất và ngày thứ 2 sau mổ. Ngày thứ 3 ít dùng.
Hình 5: Kỹ thuật giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng:
3.2.2. Giảm đau không dùng thuốc:
Qua khảo sát ngày thứ nhất và ngày thứ 2 không dùng biện pháp này, thường ngày thứ 3 nếu có đau sau mỗi lần cho con bú, tử cung co bóp, co rút người bệnh đau thì dùng biện pháp trườm nóng, tuy nhiên thầy thuốc không khuyến khích phương pháp này vì nó gây giãn, mềm tử cung, động chạm vết mổ có thể gây đau...phối hợp với tư vấn giải thích động viên an ủi người bệnh.