Thái độ của người cha về nuôi con bằng sữa mẹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức, thái độ và sự hỗ trợ của người cha trong thực hành nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ đẻ thường tại bệnh viện phụ sản trung ương năm 2020 (Trang 42 - 44)

Quan điểm của cha ông ta từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là trọng nam, khinh nữ, phân định nhiệm vụ của người vợ trong gia đình là chăm sóc con cái, nội trợ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy còn một tỉ lệ không nhỏ người cha cho rằng nhiệm vụ của họ là lo những việc lớn, không cần quan tâm đến việc trẻ được bú gì, ăn gì (27,9%), 45,8% cho rằng cho bú là bản năng của người phụ nữ, họ không cần sự trợ giúp của người chồng. Nghiên cứu tại Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng cho kết quả tương tự. Các bà mẹ hầu như không nhận được sự trợ giúp, chia sẻ của chồng. nam giới cho rằng nhiệm vụ chủ yếu của họ là khai thác đá hoặc nuôi tôm. Chính vì vậy công việc đồng ruộng được xem là công việc chính của phụ nữ, bất kể họ mới sinh hay đang nuôi con nhỏ [12].

Tuy nhiên thực tế là trong bối cảnh ngay sau đẻ, mổ đẻ, người mẹ sẽ gặp phải không ít khó khăn như đau, mệt sau đẻ, cần có người lấy khăn ấm, sạch vệ sinh vú trước khi cho con bú. Sự trợ giúp của người cha sẽ là rất cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn này. Một số nghiên cứu đã cho thấy những người cha có ảnh hưởng quyết định đến việc bà mẹ bắt đầu và/hoặc duy trì cho con bú [35], [37]. Một nghiên cứu khác cho thấy phụ nữ có thu nhập thấp cho rằng sự hỗ trợ của nam giới là rất quan trọng trong quyết định cho con bú của mình [34].

Cách nhìn nhận về vai trò của người cha trong thực hành NCBSM có sự khác nhau giữa những nước đang phát triển như Việt Nam với một số nước trên thế giới. Một nghiên cứu trên 203 người cha tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn ĐTNC (92,1%) bày tỏ mong muốn cho con của họ được bú sữa mẹ, có 58,6% đã thảo luận về việc này với vợ của họ. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 88,7% người cha cảm thấy hạnh phúc khi hỗ trợ việc nhà để vợ có thể cho con bú. Khoảng một nửa trong số ĐTNC (48,8%) bày tỏ mong muốn được tham gia các chương trình giáo dục về NCBSM [38].

Trên thế giới những năm gần đây đã có rất nhiều nghiên cứu về thái độ của người cha trong thực hành cho con bú. Tuy nhiên theo nghiên cứu của chúng tôi, số người cha có thái độ tích cực với hành động cho con bú sớm còn chưa cao. Vẫn có 42,8% người cha chưa có thái độ đúng với quan điểm sữa non là sữa đầu, cần vắt đi trước khi cho con bú. Tỉ lệ này cao hơn trong nghiên cứu tại huyện Thanh Hà, hải Dương (25,9%) [14]. Có 28,5% người cha trung lập hoặc đồng tình với quan điểm ngay sau sinh cần cho trẻ uống nước, mật ong, thấp hơn kết quả 41% trong nghiên

cứu tại Thanh Hà, Hải Dương. Chúng tôi cũng thấy mới chỉ có 53,9% và 61,8% người cha đồng tình với quan điểm BSSS rất tốt cho sức khỏe của bé và mẹ. Thiết nghĩ làm sao để cải thiện thái độ này của người cha để việc cho con BSSS được thực hiện với tỉ lệ cao nhất.

Nghiên cứu này xét đến thái độ của người cha về NCBSM hoàn toàn tại thời điểm ra viện cũng là phản ánh thái độ của họ về quan điểm này sau khi ra viện, trở về gia đình. Trong bối cảnh việc quảng cáo của các sữa công thức thay thế sữa mẹ tràn lan như hiện nay thì tỉ lệ không nhỏ người cha nghiên cứu đồng tình với quan điểm cho trẻ ăn bổ sung trước 6 tháng sẽ khiến trẻ cứng cáp hơn (178 người cha chiếm 48,2%), trong 6 tháng đầu nếu có điều kiện thì cho con ăn thêm sữa ngoài (205 người cha chiếm 55,6%), sữa mẹ không đủ dinh dưỡng (134 người cha chiếm 36,3%) là chuyện không có gì khó giải thích. Cũng theo kết quả ở trên thì có tới 268 (72,6%) người cha nhận được tư vấn về việc dùng sữa công thức thay thế từ các cộng tác viên dinh dưỡng, người thân, bạn bè, ti vi, đài báo, internet, nhân viên tiếp thị tại chỗ, còn có 41 người cha (11,1%) nhận được tư vấn này từ nhân viên y tế trong bệnh viện PSTƯ. Đây là một vấn đề cần có sự can thiệp của những nhà lãnh đạo ngành y tế nói chung, lãnh đạo bệnh viện nói riêng. Trước hết phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những nhân viên y tế thực hiện việc tư vấn sử dụng sữa công thức cho sản phụ và người nhà. Bởi đây là một trong những hoạt động mà bệnh viện

đã cam kết thực hiện theo sáng kiến Bệnh viện bạn hữu trẻ em. Sau đó tiếp tục triển

khai, mở rộng hơn nữa các lớp tiền sản dành riêng cho đối tượng người cha để nhấn mạnh vai trò của họ trong thành công của hành động NCBSM, đảm bảo cho trẻ có một khởi đầu tốt nhất.

Tham gia chăm sóc sản phụ tại bệnh viện phần lớn (98,4%) ngoài người cha ra còn có người khác như mẹ chồng, mẹ vợ, anh, chị em ruột, người giúp việc. Quan điểm của người cha về thời gian anh ta dành cho vợ tại bệnh viện được chia thành 3 nhóm là nhiều (4,9%), hợp lý (68%) và ít (27,1%). Tìm hiểu lý do người chồng cho là thời gian chăm sóc, hỗ trợ vợ tại bệnh viện chưa đủ chúng tôi thấy tỉ lệ cao nhất là do người cha phải đi làm (61%), 11% phải ở nhà chăm sóc con khác, 27% do nội quy của bệnh viện, 1% đi chơi với bạn. Nếu xét ở một khía cạnh khác, khi vợ trở về nhà, hành động chăm sóc con khác của người chồng cũng là một trong những hoạt động hỗ trợ người vợ, giúp người vợ có thêm thời gian để ngủ, nghỉ ngơi. Ngủ đủ

cũng là một trong những điều kiện giúp sữa mẹ về tốt và đủ sữa cho trẻ bú, đảm bảo thành công cho việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

Mặt khác, một nghiên cứu đã kết luận có sự tác động rất lớn của gia đình (mẹ chồng) tới việc NSBSM hoàn toàn (P < 0,05) [8]. Trong nhiều trường hợp, mẹ chồng không đồng ý, gây cản trở cho hành động cho con bú mẹ hoàn toàn của các bà mẹ. Mẹ chồng thường cho rằng sữa mẹ không đủ chất hoặc không đủ lượng cho trẻ, sợ trẻ đói và yêu cầu phải cho trẻ ăn thêm sữa ngoài [8]. Khi đó người vợ rất cần sự ủng hộ bên cạnh của người chồng, rất cần sự khẳng định việc cần thiết phải NCBSM hoàn toàn. Trong nghiên cứu của chúng tôi có tới 64,8% người cha chưa bao giờ đến thỉnh thoảng mới có hành động đứng ra bảo vệ quan điểm NCBSM khi có ý kiến tiêu cực từ những người xung quanh. Đây là một thực tế cần cải thiện và hoàn toàn có thể cải thiện được. Bởi trong nền văn hóa Việt Nam nói riêng, các nước Phương Đông nói chung, người con dâu thường không dám trái lời mẹ chồng, nhiều khi miễn cưỡng nghe theo họ. Bản thân họ nhận thức được việc cần thiết phải NCBSM hoàn toàn nhưng lại vẫn cho con ăn thêm sữa ngoài để chiều lòng mẹ chồng. Trong hoàn cảnh này, chỉ có người chồng mới là chỗ dựa vững chắc, chỉ có chồng mới có thể đứng ra bảo vệ quan điểm này, ủng hộ vợ NCBSM hoàn toàn. Do đó, cần giáo dục cho người cha biết vai trò hỗ trợ vợ của họ trong những hoàn cảnh này là một điều hết sức quan trọng, trong tầm tay họ có thể làm được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức, thái độ và sự hỗ trợ của người cha trong thực hành nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ đẻ thường tại bệnh viện phụ sản trung ương năm 2020 (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)