Trên thế giới, một số tác giả đã nghiên cứu về sự hỗ trợ của người cha với thực hành NCBSM. Nghiên cứu của Sherriff và cộng sự cho thấy những người cha quan tâm đến việc cho con bú và muốn được tham gia và hỗ trợ vợ trong thời gian này. Tuy nhiên, ông bố thường cảm thấy không được chuẩn bị cho những thách thức cho con bú có thể mang lại, không chắc chắn làm thế nào để giúp đỡ vợ [33]. Tỉ lệ hỗ trợ vợ tốt là 50,1%, tuy nhiên vẫn còn một tỉ lệ 61,8% các ông bố từ thỉnh thoảng đến thường xuyên mua hoặc nhờ người nhà mua sữa cho con ăn. Lý do chính là họ thấy vợ chưa có sữa về, sợ trẻ đói nên gia đình cho trẻ ăn sữa công thức. Hơn nữa việc họ được tiếp cận các thông tin dinh dưỡng về sữa công thức từ các kênh truyền hình, ti vi, đài, báo, internet (72,6%) làm ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm cho con bú mẹ của họ. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy có rất ít người
rất thường xuyên tìm hiểu thêm về NCBSM, bảo vệ quan điểm về NCBSM hoàn toàn (<10%).
Có tới trên 50% người cha thường xuyên đưa vợ đi khám thai, quan tâm khi vợ cho con bú, ở bên cạnh vợ sau khi sinh, bàn với vợ về chăm con, mua thức ăn vợ thích.
Để hỗ trợ vợ NCBSM được tốt nhất, ngoài kiến thức ra, người cha cần được sự ủng hộ của gia đình, xã hội, đặc biệt là các chính sách công. Một nghiên cứu tại
Thụy Điển cho thấy những người cha không được nghỉ phép khi đứa trẻ ra đời thì con của họ ít được nuôi bằng sữa mẹ hơn khi được 2, 4, 6 tháng tuổi. Tại Việt Nam,
từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đã có luật nghỉ thai sản dành cho nam giới. Đối tượng là nam giới đã đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Một số quy định đã được thực hiện như sau: nghỉ 05 ngày làm việc khi vợ sinh thường, 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi, trường hợp vợ sinh
đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại
khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con [15]. Như vậy đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho người cha, giúp họ đảm bảo vai trò của mình trong thời gian vợ nằm viện sau sinh. Họ có thể chuyên tâm vào việc
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP 1. Thuận lợi và khó khăn
Trong quá trình triển khai những giải pháp trên, bệnh viện có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Về thuận lợi, thứ nhất, thương hiệu bệnh viện Phụ sản Trung ương thực sự được khẳng định 65 năm nay tạo nên sự tin tưởng của khách hàng, do đó những thông tin khi đến được với người cha sẽ được tiếp nhận, từ đó vận dụng tối đa trong quá trình hỗ trọ vợ NCBSM. Thứ hai, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện, với sự hợp tác của các phòng chức năng như phòng Điều dưỡng, phòng Quản lý chất lượng, phòng Đào tạo, việc truyền thông này luôn được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực tốt nhất có thể. Thuận lợi tiếp theo không thể không nhắc đến là chất lượng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng tư vấn tốt, có khả năng tổ chức tốt công tác truyền thông về NCBSM trong mọi hoàn cảnh.
Ngoài những thuận lợi trên, trong quá trình tìm ra các giải pháp cho việc nâng cao kiến thức, thái độ và sự hỗ trợ của người cha trong thực hành NCBSM của những bà mẹ, bệnh viện còn tồn tại một số khó khăn. Thứ nhất, đây là vấn đề mới, chưa được đề cập nhiều tại Việt Nam. Người cha nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung, khi nói đến NCBSM thì phần lớn đều cho rằng đây là vấn đề của phụ nữ, của mẹ chồng, của mẹ vợ chứ không có vai trò của người cha. Bệnh viện PSTƯ cũng không phải ngoại lệ, trong nội dung tư vấn tiền sản, vai trò của người cha trong chăm sóc sau sinh, đặc biệt là vấn đề vai trò của người cha trong NCBSM chưa được quan tâm, xây dựng kế hoạch, nội dung bài giảng cho lớp tiền sản cũng như trong công tác truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe. Thứ hai, những lớp tiền sản được thực hiện vào giờ hành chính là một khó khăn với những người cha phải đi làm trong giờ này, không có điều kiện đến bệnh viện. Thứ ba, công tác quảng bá cho các lớp tiền sản còn hạn chế, thiếu băng rôn, biểu ngữ. Trong đó, trang web của bệnh viện hoạt động quảng bá chưa thực sự hiệu quả, thông tin chưa thực phong phú cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm.
2. Giải pháp giải quyết vấn đề
Với những tồn tại đã được đề cập ở trên, một số giải pháp đã được triển khai trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Trong đó chủ yếu là các giải pháp liên quan đến vấn đề tiếp cận thông tin của người cha.
Hiện nay bệnh viện PSTƯ tổ chức lớp học tiền sản dành cho thai phụ, sản phụ và người nhà vào buổi sáng thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, mỗi tháng có 8 nội dung được cung cấp đến những người cha, người mẹ. Như vậy tuy đưa kiến thức đến được trực tiếp với người cha với nguồn thông tin chính thống, mang tính chuyên môn cao nhưng mỗi nội dung chỉ được lặp lại 1 lần/tháng. Thêm vào đó, hiện nay lịch nội dung bài giảng không được công bố rộng rãi cho sản phụ, thai phụ được biết, vậy nên họ không biết và không thể chủ động có kế hoạch bổ sung kiến thức nào mình đang còn thiếu. Mặt khác, việc chỉ tổ chức mô hình lớp tiền sản này vào giờ hành chính cũng là một trong những lý do khiến cho những ông bố, bà mẹ là công nhân, viên chức nhà nước hoặc nhân viên làm giờ hành chính không tiếp cận được nguồn cung cấp thông tin quý giá này.
Một giải pháp khác hiện đang triển khai rộng rãi tại các khoa, phòng trong bệnh viện là truyền thông qua các phương tiện như màn hình ti vi, bảng điện tử, tờ rơi, áp phích để người cha thấy được tầm quan trọng của việc NCBSM, từ đó có động lực, thái độ tốt hơn trong việc hỗ trợ vợ mình NCBSM. Ngoài ra, truyền thông trực tiếp theo nhóm hoặc tư vấn trực tiếp tới từng người nhà, sản phụ theo lịch cố định trong tuần hoặc thậm chí mỗi khi người bệnh có nhu cầu cũng được bệnh viện triển khai tới từng giường bệnh, khoa, phòng. Giải pháp này tuy hình thức được đa dạng hóa, người cha cũng được tiếp cận trực tiếp với nguồn thông tin chất lượng nhưng số lượng người cha được tiếp cận thông tin là không nhiều, thêm vào đó, những người cha trong bệnh viện đều là có vợ đã sinh con, họ rất bận rộn với việc chăm vợ, con nên cũng không có nhiều thời gian để tìm hiểu về thông tin và tham gia các buổi truyền thông theo nhóm.
Từ thực trạng trên cùng với những thuận lợi và khó khăn đã được đề cập, cần có những giải pháp hiệu quả, khả thi để giải quyết những vấn đề còn tồn tại tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Có thể thấy, một số nghiên cứu về sự tiếp cận thông tin của người cha, người mẹ đã khẳng định thời điểm nhận thông tin tốt nhất là thời điểm trước sinh [8]. Tại
Hoa Kỳ một số chương trình tập trung cung cấp thông tin về NCBSM cho người cha đã được tiến hành. Đó là chương trình Người cha hỗ trợ cho con bú của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, trong đó sử dụng các video, áp phích, và tài liệu quảng cáo nhắm mục tiêu sao cho người Mỹ gốc Phi và người cha khác có ảnh hưởng tích cực đến quyết định NCBSM [21]. Ngoài ra, tại Texas, các nhà nghiên cữu đã tiến hành một nghiên cứu thí điểm - Chương trình Đặc biệt bổ sung dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Chương trình triển khai các buổi thảo luận nhóm giữa những người cha nhằm cải thiện tỷ lệ cho con bú của các bà vợ. Chương trình không những cho kết quả là tỉ lệ con bú mẹ hoàn toàn được cải thiện mà còn cho thấy việc nâng cao kiến thức và niềm tin của những người cha có thể hỗ trợ rất tốt cho thực hành NCBSM của những người vợ [36].
Do đó, các giải pháp đa dạng cần đề ra để tăng kiến thứ, thái độ và sự hỗ trợ của người cha trong thực hành NCBSM cần tập trung vào thời gian trước sinh để tăng lượng kiến thức cho những người cha về NCBSM. Ưu điểm của giải pháp này là hoàn toàn hợp lý bởi tâm lý muốn có kiến thức tốt nhất để chào đón đứa trẻ chào đời, chăm sóc trẻ trong thời kỳ sau sinh sẽ là động lực để họ tiếp nhận thông tin một cách hiệu quả nhất. Sau đây là một số giải pháp cụ thể có thể triển khai tại bệnh viện:
Giải pháp thứ nhất, tổ chức lớp tiền sản vào các buổi cuối tuần, có thể vào thứ 7 hoặc chủ nhật. Ưu điểm của giải pháp này là những người cha, mẹ là công nhân, cán bộ công chức có thể tham gia, từ đó tăng cơ hội tiếp cận với kiến thức, thông tin về NCBSM, nâng cao kiến thức của người cha về vấn đề này; tuy nhiên nhược điểm là thực hiện ngoài giờ hành chính nên sẽ tốn thêm một phần kinh phí để đảm bảo chế độ, quyền lợi hợp pháp của cán bộ. Để giải pháp này diễn ra khả thi, tốt đẹp và hiệu quả nhất, cần có sự phối hợp giữa đơn vị tổ chức - phòng Đào tạo, đơn vị phụ trách chuyên môn – phòng Điều dưỡng, đơn vị đảm bảo quyền lợi của người lao động khi làm việc ngoài giờ hành chính – phòng Tổ chức cán bộ.
Giải pháp thứ hai, sản xuất những chương trình tư vấn tiền sản, đào tạo trực tuyến chất lượng về NCBSM và vai trò của người cha. Ưu điểm của giải pháp này là mang lại cơ hội tiếp nhận kiến thức cho những người cha với đa dạng thời gian, địa điểm. Từ đó mang lại sức lan tỏa cao về kiến thức cũng như dẫn tới thay đổi thái độ và sự hỗ trợ của họ trong thực hành NCBSM không chỉ với những người cha có
vợ sinh tại bệnh viện PSTƯ mà còn trên khắp cả Hà Nội, cả nước, thậm chí trên toàn thế giới. Với sự phát triển rộng rãi của internet cùng với các phần mềm trực tuyến như Zoom, Webex,… việc thực hiện giải pháp này là hoàn toàn khả thi và đặc biệt cần thiết trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay. Tuy nhiên nhược điểm gặp phải là không tiếp cận được những người cha không có thói quen hoặc điều kiện sử dụng mạng internet qua máy tính hoặc máy tính bảng, điện thoại thông minh. Để thực hiện giải pháp này hiệu quả, ngoài các đơn vị chuyên môn và tổ chức như đã nêu ở trên, còn cần có sự tham gia tích cực của phòng Công nghệ thông tin với đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, có kỹ năng tốt đảm bảo công nghệ, đường truyền tốt nhất có thể.
Giải pháp thứ ba, các hoạt động của lớp tiền sản của bệnh viện phải được quảng bá nhiều hơn nữa bằng các hình thức như sử dụng băng rôn, biểu ngữ, pa nô, áp phích tại sân viện, trong khu khám bệnh, chờ khám bệnh. Ưu điểm của giải pháp này là thai phụ, sản phụ và người nhà có thể nhìn trực tiếp để tham gia, tuy nhiên số lượng đối tượng có thể biết đến qua những hình thức này không nhiều, họ phải đến viện mới biết hoạt động của lớp tiền sản. Hơn thế nữa, khi họ đến bệnh viện thì điều quan trọng với họ là khám, chữa bệnh, nếu có tham gia những lớp tiền sản này cũng chỉ là tranh thủ với thời gian và tâm lý không thực sự thoải mái. Và để đảm bảo nội dung, hình thức, bố trí vị trí hợp lý cho những băng rôn,biểu ngữ… này cần có sự tham gia, phối hợp giữa phòng Đào tạo, với phòng Hành chính quản trị.
Giải pháp thứ tư, nâng cao chất lượng, phong phú nội dung, tính cập nhật thông tin cho trang web của bệnh viện. Trong đó bổ sung chuyên mục của lớp tiền sản với nhiều nội dung, trong đó không thể thiếu những hình ảnh,bài viết, video mang tính truyền thông, tập huấn về NCBSM, vai trò của người cha, những hoạt động cụ thể mà họ có thể tham gia hỗ trợ vợ trong thực hành này. Ngoài ra cần lập riêng một chuyên mục “Người cha với NCBSM” bởi theo một kết quả của nghiên cứu tại Hoa Kỳ,chương trình Người cha hỗ trợ vợ cho con bú của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng tích cực đến quyết định NCBSM [21]. Ưu điểm của giải pháp này là đối tượng có thể tiếp cận thông tin sẽ rất đa dạng, họ có thể truy cập trang web bất kỳ khi nào, ở đâu có mạng internet, tuy nhiên những người cha không sử dụng mạng internet lại không thể tiếp cận qua kênh này. Trong thời gian tới, thực hiện tốt giải pháp này không thể thiếu sự năng động của phòng Công nghệ thông
tin, chiến lược quảng bá chuyên nghiệp của bộ phận truyền thông; kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng sư phạm tốt khi xây dựng bài giảng, thực hiện video giảng của các giảng viên là bác sĩ, điều dưỡng,…
Ở một khía cạnh khác, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng kiến thức về NCBSM hoàn toàn thường thấp ngay cả đối với nhân viên y tế [13], [17]. Một nghiên cứu trong nước cũng khẳng định 1/3 điều dưỡng viên nghiên cứu chưa đủ tự tin đứng trước đám đông để thuyết trình. Một phần là do thời gian công tác chưa nhiều, một phần là do không được qua lớp đào tạo về thông tin giáo dục sức khỏe để học về kỹ năng cũng như phương pháp truyền đạt [11]. Do vậy giải pháp thứ năm cần thực hiện là cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kiểm tra, đánh giá và bồi dưỡng kiến thức về NCBSM cũng như phương pháp truyền đạt, truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe cho cả nhân viên y tế bởi đây là nguồn cung cấp, phổ biến thông tin chủ yếu cho người mẹ và gia đình họ. Ưu điểm của giải pháp này là việc đào tạo, đánh giá về NCBSM đã nằm trong kế hoạch đào thường xuyên, hàng năm của bệnh viện, được lãnh đạo ủng hộ, tuy nhiên nhược điểm là vì tổ chức định kỳ hàng năm nên hình thức đào tạo theo lối mòn, ít tạo được hứng thú, tinh thần học tập tích cực của nhân viên y tế trong bệnh viện. Vì vậy, muốn tổ chức thành công, hiệu quả các hoạt động đào tạo, kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng, phải thực sự có sự đổi mới về phương pháp tiếp cận, giảng dạy, đánh giá kiến thức về NCBSM của các phòng như phòng Đào tạo, phòng Điều dưỡng. Trong kế hoạch đào tạo không chỉ có lý thuyết một chiều mà cần tăng sự tương tác và đẩy mạnh hoạt động nhóm theo tình huống thực tế lâm sàng.
Cuối cùng, để thực hiện được tất cả những giải pháp trên, không thể thiếu sự đồng tình, ủng hộ, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện. Chính vì vậy phải có sự phối hợp giữa phòng Điều dưỡng và phòng Đào tạo trong công tác tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện để lãnh đạo thông suốt vai trò của người cha trong thực hành NCBSM, từ đó có những định hướng, chỉ đạo sát sao trong việc thực hiện các giải pháp trên.
KẾT LUẬN
Sau khi tiến hành thu thập, phân tích số liệu, chúng tôi thu được các kết luận sau: