Đặc điểm thực vật học của cây khoai môn sọ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đa dạng di truyền và cải tiến nguồn gen khoai môn sọ bản địa bằng công nghệ sinh học và đột biến thực nghiệm (Trang 26 - 27)

7. Đ ÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI

1.1.3. Đặc điểm thực vật học của cây khoai môn sọ

Cây khoai môn sọ (C. esculenta (L.) Schott) là cây thân thảo, cao từ 0,5 - 2,0 m. Cây có một củ cái ở giữa, các củ con xung quanh. Rễ chùm, ngắn, mọc từ đốt mầm xung quanh thân củ. Phần gốc phình to thành củ chứa tinh bột. Củ cái là cấu trúc thân chính của cây, có nhiều đốt, mỗi đốt có mầm phát triển thành nhánh. Mỗi dọc lá lụi đi thì thân củ có thêm một đốt. Đỉnh củ cái là điểm sinh trưởng của cây, kích thước và hình dạng củ rất khác nhau và phụ thuộc vào kiểu gen giống và các yếu tố sinh thái.

Lá là phần duy nhất nhìn thấy trên mặt đất, toàn bộ phần dọc lá tạo nên thân giả của cây. Mỗi lá cấu tạo bởi một cuống lá thẳng và một phiến lá.

Phiến lá hình khiên, gốc hình tim, có rốn gần giữa (điểm nối giữa cuống và phiến lá). Trên phiến lá có 3 tia gân chính, một gân chạy từ rốn lá đến đỉnh phiến lá, hai gân còn lại chạy ngang về 2 đỉnh của thùy lá. Từ 3 gân chính có nhiều gân nhỏ tỏa ra tạo thành hình mắt lưới. Cuống lá (dọc lá) xốp, trong nhu mô có nhiều khoảng trống. Dọc lá mập có bẹ ôm chặt phía gốc tạo nên thân giả. Bẹ của dọc lá có chiều dài khoảng 1/3 chiều dài của dọc.

Hoa thuộc loại đơn tính cùng gốc, hoa đực và hoa cái ở trên cùng một trục. Cụm hoa cấu tạo bởi một cuống ngắn, một trục hoa và một bao mo dài khoảng 20 cm. Hoa không có bao, hoa đực màu vàng có nhị tụ nhiều cánh, hạt phấn tròn, bao phấn nứt rãnh. Hoa cái có bầu một ô, vòi rất ngắn[9], [12], [13], [14]. Từ khi trồng đến khi thu hoạch, cây khoai môn sọ trải qua 3 thời kỳ sinh trưởng: ra rễ mọc mầm, sinh trưởng thân lá, phình to của thân củ.

Giai đoạn ra rễ mọc mầm: Ngay sau khi mọc mầm, rễ hình thành và phát triển nhanh chóng, tiếp đó là sự phát triển nhanh của chồi (mầm) củ. Chồi (mầm) ra khỏi mặt đất thì rễ dài khoảng 3 - 5 cm. Sự phát triển của rễ tỷ lệ thuận với sự phát triển của lá: cứ ra một lá thì lại sinh thêm một lớp rễ.

Giai đoạn sinh trưởng thân lá: Sự hình thành củ cái bắt đầu sau trồng khoảng 3 tháng, ngay sau đó là sự hình thành củ con. Trong giai đoạn này cây cũng đẻ nhánh phụ. Sự phát triển của lá và chồi giảm mạnh sau trồng khoảng 5 - 6 tháng.

Giai đoạn phình to của thân củ: Khi sự phát triển của chồi giảm thì củ cái và củ con phát triển rất nhanh. Cuối vụ, bộ rễ và các chồi chính chết là thời điểm thu hoạch củ.

Quá trình ra hoa và kết hạt ở khoai môn sọ là rất hiếm thấy trong tự nhiên, chỉ xảy ra đối với một số ít kiểu gen. Hoa quan sát thấy khá sớm cùng với sự hình thành của củ, hoa được thụ phấn nhờ côn trùng. Tuy nhiên, hầu hết các giống kết thúc vòng đời trên đồng ruộng mà không có thời kì ra hoa. Ở Việt Nam, trong điều kiện tự nhiên chỉ có các giống khoai nước thường ra hoa, còn khoai sọ rất hiếm. Từ khi bắt đầu ra hoa đến khi hoa bắt đầu lụi mất khoảng 20 - 25 ngày [14].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đa dạng di truyền và cải tiến nguồn gen khoai môn sọ bản địa bằng công nghệ sinh học và đột biến thực nghiệm (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)