4.1.1. Đặc điểm về tuổi và giới
Kết quả của bảng 3.1 cho thấy độ tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 50,12 ± 16,09 kết quả nghiên cứu này của chúng tôi tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Phạm Văn Mậu với độ tuổi trung bình là 51,1 ± 16,5 [19]. Trong kết quả nghiên cứu này nhóm tuổi 18 – 59 là nhóm tuổi trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ là 68,3%. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu củatác giả Nguyễn Thị Thu Hường(2017) là 67,8% [13]. Kết quả này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của tác giả Hồ Thanh Hùng (64,93%) [12] nhưng lại thấp hơn so với kết quả của tác giả Lê Thùy Linh (72%) [16]. Có sự khác biệt như vậy là do các nghiên cứu được tiến hành ở các địa phương khác nhau, cỡ mẫu khác nhau và đối tượng nghiên cứu cũng khác nhau. Kết quả nghiên cứu này cho thấy người bệnh mắc lao chủ yếu ở độ tuổi lao động đây là lực lượng sản sinh ra của cải vật chất cho xã hội do vậy sẽ làm cho lực lượng sản xuất giảm, năng xuất lao động giảm. Có thể nói bệnh lao không chỉ gây ra những tổn thất cho sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân gây ra nghèo đói dai dẳng, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế. Ngược lại đói nghèo lại là điều kiện thuận lợi để người dân dễ mắc lao cho nên đây là một vòng xoắn cần được tháo gỡ.
Qua bảng 3.1 cho thấy người bệnh lao chủ yếu gặp ở nam chiếm 73,3%; ở nữ chiếm 26,7%. Kết quả nghiên cứu này tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Lưu Thanh Tùng (2015)với tỷ lệ mắc lao ở nam giới chiếm 72,3% và nữ giới chiếm 27,7% [31]. Tuy nhiên sự phân bố nam, nữ trong nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Hà thì tỷ lệ nam chiếm 76,5%; ở nữ chiếm 23,5%[7]; kết quả nghiên cứu của tác giả Hoàng Hà thì tỷ lệ nam là 64,3%; nữ là 35,7% [6]. Có sự khác biệt này là do đặc điểm dân số của các địa phương nghiên cứu khác nhau.
4.1.2. Đặc điểm về trình độ học vấn
Từ biểu đồ 3.1 cho thấy trình độ học vấn của người bệnh chủ yếu dưới trung học phổ thông chiếm 66,7%; trình độ trung học phổ thông chiếm 23,3% và trên trung học phổ thông chiếm 10%. Tỷ lệ học vấn dưới trung học phổ thông trong nghiên cứu của chúng tôi có kết quả khá tương đồng với kết quả của Vy Thanh Hiển (68,3%) [9]. Kết quả này cao hơn so với kết quả của Hồ Thanh Hùng (62,3%)[12] nhưng lại thấp hơn so với kết quả của Trần Thanh Tuấn (89,8%)[30]. Có sự khác biệt như vậy là do đặc điểm về văn hóa, địa lý, kinh tế xã hội của từng địa phương. Điều này cho thấy người bệnh lao có trình độ học vấn thấp chiếm tỷ lệ cao. Trình độ học vấn thấp sẽ ảnh hưởng đến hiểu biết của người bệnh về bệnh lao nói chung cũng như hiểu biết về tuân thủ điều trị bệnh lao nói riêng.
4.1.3. Đặc điểm về nơi ở và dân tộc.
Qua bảng 3.2 cho thấy trong tổng số 60 người bệnh tham gia nghiên cứu thì có 85% người bệnh sống ở nông thôn, còn lại 15% sống tại thành thị. Tỷ lệ người bệnh sống tại nông thôn trong nghiên cứu này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của tác giả Phạm Văn Mậu với tỷ lệ 56,2%[19]; của Nguyễn Thị Thu Hường (69,7%)[13].Sự khác biệt này là do các nghiên cứu được thực hiện tại các địa phương khác nhau, thời gian nghiên cứu cũng khác nhau. Qua đó cho thấy việc tiếp cận các thông tin truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao của những người bệnh sống tại nông thôn cũng bị hạn chế hơn so với nhóm đối tượng người bệnh sống tại thành thị. Do vậy, cần tăng cường tư vấn giáo dục sức khỏe cho nhóm đốitượng này.
Kết quả bảng 3.2 cho thấy người bệnh mắc lao chủ yếu là người dân tộc thiểu số chiếm 88,3%; dân tộc Kinh chiếm 11,7%. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi có sự khác biệt rất lớn so với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Tình tỷ lệ người bệnh là dân tộc thiểu số chỉ chiếm 11,9%; 88,1% là dân tộc Kinh [26]. Sự khác biệt này có liên quan đến đặc điểm về địa lý. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi ở phía Bắc do vậy tập trung chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng như một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn
còn lưu hành tại địa phương là một rào cản cho việc thực hiện tuân thủ điều trị của nhóm đối tượng này.
4.1.4. Đặc điểm về nghề nghiệp
Qua bảng 3.3 cho thấy người bệnh là nông dân chiếm tỷ lệ cao nhất là 75%; tiếp đó là công nhân chiếm 10%; buôn bán chiếm 8,3%; hưu trí chiếm 5%; cuối cùng là cán bộ viên chức chiếm tỷ lệ thấp nhất 1,7%. Tỷ lệ người bệnh là nông dân trong nghiên cứu này có kết quả tương đồng với kết quả của tác giả Trần Văn Ý với tỷ lệ là 71,4%[32]. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thu Hường (52,3%)[13]; Nguyễn Thị Khánh (27,3%)[15]. Có sự khác biệt này là do các nghiên cứu được thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau nên đặc điểm về nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu cũng khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy người bệnh chủ yếu là nông dân; vì vậy, thời gian họ giành chủ yếu cho công việc đồng áng. Do vậy, họ ít có thời gian quan tâm đến các thông tin liên quan đến bệnh lao cũng như việc quan tâm đến các nguyên tắc tuân thủ điều trị bệnh lao. Vì vậy, cần tập trung hơn nữa vào công tác tư vấn giáo dục sức khỏe để nâng cao kiến thức về tuân thủ điều trị bệnh lao chongười bệnh.
4.1.5.Đặc điểm về tình hình kinh tế hộ gia đình và người sống cùng
Từ bảng 3.4 cho thấy người bệnh có thu nhập trung bình thuộc diện nghèo chiếm 33,3%; cận nghèo chiếm 8,3%; không nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất là 58,3%. Tỷ lệ hộ nghèo trong nghiên cứu này có kết quả tương đồng so với kết quả nghiên cứu của tác giả Lâm Quốc Phong (30,1%)[21]. Tuy nhiên kết quả này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Trần Thanh Tuấn (20,1%) [30]; của Uông Thị Mai Loan (23,6%)[17]. Có sự khác nhau như vậy là do sự khác nhau về sự phát triển kinh tế giữa miền núi và đồng bằng. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều đáng chú ý đó là tỷ lệ người bệnh có thu nhập trung bình thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm 41,6% đây là một tỷ lệ khá cao. Người nghèo thường bị chi phối bởi những lo toan cơm áo gạo tiền nên họ chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe. Bệnh lao luôn song hành cùng nghèo đói và bệnh tật, một khi đã là nạn nhân của
bệnh lao thì sẽ dễ dẫn đến nghèo đói, một khi nghèo lại là điều kiện thuận lợi để mắc lao.
Trong bảng 3.4 cho thấy 80,0% người bệnh sống cùng vợ/chồng. Kết quả này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Hoàng Anh (91,8%) [1]; của tác giả Trần Văn Ý (96%) [32]. Như vậy, có thể thấy người bệnh lao chủ yếu sống cùng với vợ/chồng. Đây cũng là một thuận lợi trong quá trình điều trị bệnh vì người bệnh sẽ được vợ/chồng động viên, giám sát, nhắc nhở người bệnh dùng thuốc như vậy việc tuân thủ điều trị sẽ tốt hơn.
4.1.6. Đặc điểm về tiền sử bệnh và thể bệnh lao
Từ bảng 3.2 cho thấy tỷ lệ người bệnh điều trị lao lần đầu chiếm 83,3%; người bệnh điều trị lao tái phát chiếm 16,7%. Kết quả tỷ lệ người bệnh điều trị lao tái phát này cao hơn so với kết quả nghiên cứu tại Đồng Tháp của tác giả Lưu Thanh Tùng (14,4%)[31]; kết quả nghiên cứu tại Quảng Ngãi của tác giả Vy Thanh Hiển (10,3%)[9]. Sự khác biệt như vậy là do điều kiện địa lý, kinh tế, trình độ học vấn khác nhau giữa các vùng miền. Với kết quả trên chứng tỏ có một tỷ lệ không nhỏ người bệnh đang phải điều trị bằng phác đồ điều trị lại. Nhóm đối tượng này nguy cơ kháng thuốc sẽ cao hơn so với các nhóm đối tượng khác. Do vậy, việc nên làm là phải quản lý và theo dõi chặt chẽ đồng thời tư vấn giáo dục sức khỏe cho nhóm đối tượng này để tránh lây lan cho những người xung quanh và chocộng đồng.
Từ biểu đồ 3.3 cho thấy tỷ lệ người bệnh lao chủ yếu mắc lao phổi chiếm 85%; còn lại tỷ lệ người bệnh mắc lao ngoài phổi chiếm 15%. Kết quả của chúng tôi tương đồng với kết quả của tác giả Nguyễn Kim Soạn với tỷ lệ lao phổi là 84,3%; lao ngoài phổi là 15,7% [23]và của tác giả Trần Văn Ý với tỷ lệ lao phổi chiếm 83,3%; lao ngoài phổi là 16,7% [32]. Như vậy có thể nói lao phổi luôn là thể lao chiếm tỷ lệ cao nhất và đây cũng là nguồn lây lan rất lớn bệnh lao ra cộng đồng. Vì vậy, việc quan trọng nhất trong công tác phòng chống lao là phải phát hiện sớm, điều trị kịp thời và giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc lao đặc biệt là là thểlao AFB (+).
4.2. Thực trạng kiến thức và thực hành về tuân thủ điều trị của người bệnh mắc lao điều trị ở giai đoạn củng cố