1.7.2.1. Các loại vaccine cúm đang được sử dụng
Các chủng virus cường độc A/H5N1 sau năm 1996, qua thời gian tiến hóa có xu hướng biến đổi nội gene nhằm tăng tính gây bệnh và thay đổi thành phần nội gene kháng nguyên làm mất tương quan miễn dịch giữa chúng và các chủng vaccine được tạo ra. Do vậy, vấn đề này phải được hết sức chú ý trong chiến lược chế tạo vaccine [17].
Đối với bệnh truyền nhiễm, vaccine được coi là biện pháp có tính chiến lược, nhằm ngăn chặn lây lan, tạo bảo hộ miễn dịch. Đối với dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm và dự phòng dịch cúm trên người, nghiên cứu phát triển vaccine không những ngăn ngừa làm giảm được bệnh ở gia cầm, mà còn khống chế nguồn truyền lây của loại virus nguy hiểm này sang người. Kháng thể đặc hiệu
có thể được cơ thể sinh ra do kích thích của kháng nguyên trong vaccine, và đó là các kháng thể kháng HA, NA, MA và nhiều loại hình khác của virus đương nhiễm, góp phần vô hiệu hóa virus cúm đúng đối tượng khi chúng xâm nhập vào. Các vaccine phòng bệnh hiện nay dựa trên cơ sở hai loại chính: vaccine truyền thống và vaccine thế hệ mới [17].
Vaccine truyền thống: Bao gồm vaccine vô hoạt đồng chủng và dị chủng.
Vaccine vô hoạt đồng chủng (homologous vaccine), đó là các loại vaccine
được sản xuất chứa cùng những chủng virus cúm gà giống như chủng gây bệnh trên thực địa.
Vaccine vô hoạt dị chủng (heterologous vaccine) là vaccine sử dụng các
chủng virus có kháng nguyên HA giống chủng virus trên thực địa, nhưng có kháng nguyên NA dị chủng.
Vaccine thế hệ mới hay vaccine công nghệ gen: là loại vaccine được sản xuất dựa trên sử dụng kỹ thuật gen loại bỏ các vùng “gen độc” đang được nghiên cứu và đưa vào sử dụng phổ biến, bao gồm:
Vaccine tái tổ hợp có vector đậu gia cầm dẫn truyền: sử dụng virus đậu gia cầm làm vector tái tổ hợp song gen H5 và N1 phòng chống virus type H5N1 và H7N1.
Vaccine dưới nhóm chứa protein kháng nguyên NA, HA tái tổ hợp và tách chiết làm vaccine.
Vaccine tái tổ hợp có vector dẫn truyền: sử dụng adenovirus hoặc Newcastle virus hoặc virus đậu chim làm vector dẫn truyền, lắp ghép gen kháng nguyên H5 vào hệ gen của adenovirus, tạo nên virus tái tổ hợp làm vaccine phòng chống virus cúm A/H5N1.
Vaccine DNA: sản phẩm DNA plasmid tái tổ hợp chứa gen HA, NA, NP, M2 đơn lẻ hoặc đa gen.
Vaccine nhược độc virus cúm nhân tạo: được sản xuất bằng kỹ thuật di truyền ngược, đó là việc lắp ghép virus cúm nhân tạo chứa đầy đủ hệ gen, trong đó các gen kháng nguyên H5 có vùng "độc" đã được biến đổi bằng kỹ thuật gen.
Có 3 loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận về độ an toàn và khuyến cáo đưa vào chương trình sản xuất vaccine trên thế giới hiện nay, đó là NIBRG-14 (NIBSC), VN/04xPR8-rg (SJCRH) và VNH5N1-PR8/CDC-rg (CDC) [18].
1.7.2.2. Tình hình sử dụng vaccine trên thế giới và khuyến cáo OIE
Các nhà khoa học của tổ chức OIE, WHO... đã khuyến cáo các nước có cúm gia cầm như sau:
- Sử dụng vaccine vào mục đích khống chế dịch bệnh cúm gia cầm chỉ là một giải pháp hỗ trợ để dập dịch, khoanh vùng dịch và khống chế dịch và vaccine chỉ hạn chế bài xuất virus cường độc ra ngoài môi trường chứ không loại bỏ được tận gốc bệnh cúm.
- Chỉ tiêm phòng vaccine khi thật khẩn cấp.
- Để có quyết định tiêm phòng phải dựa vào năng lực và điều kiện sau:
Phải có hệ thống chẩn đoán đủ năng lực xác định được cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI) hay có độc lực thấp (LPAI).
Phải có ngân hàng vaccine đủ các chủng loại kháng nguyên H và N nhằm hạn chế tối đa hậu quả biến chủng virus cúm sau khi tiêm phòng.
Phải có hệ thống kiểm soát thú y chặt chẽ từ trung ương đến địa phương nhằm kiểm soát những đàn đã sử dụng vaccine với những đàn chưa sử dụng vaccine.
Với những điều kiện trên thì nước ta còn gặp nhiều khó khăn, do vậy việc tiêm phòng, quản lí tiêm phòng chưa được triệt để. Tuy nhiên với những nỗ lực của ngành từ những năm 2004, 2005 đã có nhiều đề tài, dự án thử nghiệm và khảo nghiệm vaccine cúm đã được triển khai và thu được kết quả khả quan [18].
Chương 2
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU