Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên tỉnh Quảng Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) thích hợp trồng trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế và quảng nam (Trang 25 - 29)

3.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Quảng Nam là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 860 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 865 km về phía Nam. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố và 16 huyện), với 244 xã/phường/thị trấn, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 1.043.836,96 ha.

Nhìn chung, vị trí địa lý của tỉnh khá thuận lợi không những cho phát triển kinh tế, xã hội để thu hút các nhà đầu tư, mà còn thuận lợi trong việc giao lưu văn hóa, nghệ thuật (là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích của nền văn hóa Chămpa) với các địa phương trong nước và quốc tế. Điều này góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống và độc đáo về bản sắc văn hóa.

b. Địa hình

Địa hình tỉnh Quảng Nam tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, hình thành các vùng sinh thái: vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng và ven biển. Mặt khác địa hình bị chia cắt theo các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ,... đã tạo nên các tiểu vùng có những nét đặc thù như:

- Vùng đồng bằng: Nhỏ, hẹp thuộc hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, được phù sa bồi đắp hàng năm, nhân dân có truyền thống thâm canh lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày và cây thực phẩm.

- Vùng ven biển: Đa phần là đất cát, sản xuất chủ yếu là hoa màu, trồng rừng chống cát bay, nuôi trồng và đánh bắt hải sản,... Trong quá trình công nghiệp hoá thì vùng này có lợi thế về mặt bằng xây dựng thuận lợi, gần các sân bay, bến cảng, các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và lưới điện quốc gia.

- Vùng trung du: Với độ cao trung bình 100m, địa hình đồi bát úp xen kẽ các dải đồng bằng, thuộc miền Tây các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn,... Nhân dân có truyền thống trồng lúa, màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác khoáng sản nhỏ. Đây còn là vùng có sự đa dạng về khoáng sản như vàng ở Bồng

Miêu, Du Hiệp, Trà Dương, Dốc Kiền với sản lượng có thể khai thác hàng trăm kg/năm; than đá ở Nông Sơn, Ngọc Kinh, An Điềm trữ lượng trên 10 triệu tấn. Ngoài ra còn có các nguồn phi khoáng phục vụ cho phát triển vật liệu xây dựng.

- Vùng miền núi: Gồm 08 huyện phía Tây của tỉnh, là vùng núi cao, đầu nguồn các lưu vực sông, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc ít người. Nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông lâm nghiệp với phương thức canh tác lạc hậu. Thế mạnh của vùng là rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Vùng có các khu rừng đặc sản như sâm Trà Linh, quế Trà My, Phước Sơn, có những khu vực đất đai thuận lợi cho phát triển cây cao su (Hiệp Đức), tiêu (Tiên Phước) và các cây công nghiệp dài ngày khác tạo điều kiện để hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm.

c. Khí hậu

Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Nhiệt độ trung bình năm 25.4oC, mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 20oC. Độ ẩm trung bình trong không khí đạt trên 84%. Lượng mưa trung bình khá cao, nhưng phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm. Mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào Quảng Nam thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông.

d. Thuỷ văn

Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia, hợp lưu tại Đại Lộc tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn người Quảng. Phần lớn diện tích lưu vực sông chảy trong địa phận Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, phần thượng nguồn một phần nằm trên đất Kon Tum và Quảng Ngãi.

Sông Thu Bồn là dòng chính của hệ thống sông cùng tên. Phần thượng nguồn của sông còn được gọi với một cái tên khác là sông Tranh. Sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh cao 2.598m thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Phần thượng lưu, sông chảy theo hướng Nam-Bắc qua các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đước, Nông Sơn, Quế Sơn. Đến Giao Thủy sông chảy vào vùng đồng bằng các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và Thành phố Hội An. Chiều dài của dòng chính đến Cửa Đại dài 198 km với tổng diện tích đến Giao Thủy (nơi hợp lưu với sông Vũ Gia) rộng 3.825 km2

.

Sông Vu Gia là một trong hai sông hợp thành hệ thống sông Thu Bồn nên cũng có người gọi hệ thống sông Thu Bồn-Vu Gia. Lưu vực sông Vu Gia nằm về phía bắc lưu vực sông Thu Bồn thuộc địa phận các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,

Đại Lộc và Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam, huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng. Sông Vu Gia có các phụ lưu cấp II quan trọng gồm sông Bung, sông Kôn, sông Cái. Chiều dài dòng chính tính từ thượng nguồn sông Cái đến cửa Hàn (Đà Nẵng) dài 204 km. Tổng diện tích lưu vực đến thị trấn Ái Nghĩa (huyện lị huyện Đại Lộc) đạt 5.180 km2.

Một đặc điểm nổi bật chỉ có ở hệ thống sông suối Quảng Nam là có một con sông chạy dọc vùng cát ven biển mang tên Sông Trường Giang. Là tuyến sông có luồng lạch không ổn định do lòng sông bị bồi cạn, nguyên nhân do việc hình thành đập Cổ Linh làm ảnh hưởng đến chế độ thuỷ triều từ Cửa Đại tới cửa Kỳ Hà. Hiện tại trên tuyến có nhiều chướng ngại vật và nhiều bãi cạn do các công trình vượt sông như cầu, đập thuỷ lợi, đường điện,... không đảm bảo các thông số kỹ thuật.

Mùa lũ kéo dài 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12, thời kỳ tập trung nhiều lũ nhất vào tháng 10 và 11. Tính trung bình nhiều năm, dòng chảy 3 tháng mùa lũ chiếm tới 70% tổng lượng dòng chảy năm. Đối với những năm mưa nhiều, dòng chảy mùa lũ chiếm 80%, ngược lại những năm mưa ít dòng chảy mùa lũ chỉ chiếm khoảng 30% dòng chảy năm.

Hạn hán thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, vào thời kỳ này mực nước trên sông Vu Gia và sông Thu Bồn chỉ bằng 60% mực nước trung bình năm. Mực nước các sông xuống thấp vào mùa khô, dẫn tới nước mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông gây ảnh hưởng lớn đến cung cấp nước cho sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam.

3.1.1.2. Tài nguyên thiên nhiên

a. Tài nguyên đất

Với diện tích 1.043.836,96 ha, tình hình đất đai của tỉnh gồm nhiều nhóm đất khác nhau. Thực trạng cơ cấu sử dụng đất cho thấy, việc sử dụng đất hiện nay chủ yếu vào nông nghiệp, lâm nghiệp. Trong thời gian tới, với sự tác động của công nghiệp hoá sẽ có những thay đổi về cơ cấu sử dụng đất. Chính vì vậy vấn đề Quảng Nam quan tâm hiện nay là làm thế nào để giữ được quỹ đất nông nghiệp có năng suất cao, giữ được những đất rừng có vai trò phòng hộ và có hướng sử dụng theo hướng bền vững những diện tích đất bằng, đất đồi núi và nguồn tài nguyên chưa sử dụng. Các nhóm đất như:

- Nhóm đất đỏ vàng: Phân bố hầu hết ở các vùng đồi núi trong địa bàn tỉnh.

- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi: Nhóm đất này nằm ở vùng núi có độ cao 700m đến 2000m, nơi có khí hậu lạnh và ẩm hơn vùng dưới. Phần lớn diện tích nhóm đất này có ở rừng tự nhiên.

- Nhóm đất phù sa: Phân bố chủ yếu ở vùng hạ lưu ven các sông thuộc các huyện đồng bằng. Nhóm đất phù sa rất hiện đang được khai thác hầu hết vào mục đích sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng đều sinh trưởng tốt và cho năng suất cao.

- Nhóm đất xám bạc màu: Phân bố chủ yếu ở Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ và một số nơi khác. Đất có nhược điểm là chua, nghèo chất dinh dưỡng.

- Nhóm đất cát: Gồm đất cồn cát trắng vàng phân bố chủ yếu ở các khu vực ven biển Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành,…và đất cát biển phân bố với diện tích khá lớn ở các xã ven biển.

- Nhóm đất mặn: Phân bố ở các vùng ven biển, các khu vực cửa sông ở Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ và Núi Thành. Hiện nay hầu hết diện tích đất mặn đã được đưa vào sản xuất nông nghiệp.

- Đất dốc tụ: Phân bố ở các thung lũng dưới chân đồi núi. Hiện nay phần lớn đất dốc tụ được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.

- Nhóm đất phèn: Phân bố ở Tam Kỳ, Điện Bàn, Thăng Bình… thuộc những vùng thấp trũng.

- Đất xói mòn trơ sỏi đá: Phân bố chủ yếu ở đồi núi phía tây các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước,… Nhóm đất này nghèo dinh dưỡng, bị rửa trôi, phân bố trên địa hình có độ dốc lớn nên khả năng khai thác sử dụng rất thấp.

- Nhóm đất đen: Phân bố chủ yếu ở huyện Nam Giang. Đặc trưng của nhóm đất này là màu đen, có phản ứng trung tính, bão hoà bazơ, hàm lượng mùn cao.

b. Tài nguyên rừng

Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên tại tỉnh Quảng Nam còn khoảng 386.224 ha với trữ lượng gỗ khoảng 30 triệu m3 và 50 triệu cây tre nứa, trong đó rừng giàu có khoảng 10 nghìn ha, phân bố chủ yếu ở các đỉnh núi cao, giao thông đi lại khó khăn; diện tích rừng còn lại chủ yếu là rừng nghèo, rừng trung bình và rừng tái sinh trữ lượng gỗ trung bình khoảng 69 m3/ha, đường kính nhỏ chưa thể khai thác. Ngoài gỗ (sản lượng khai thác có thể đạt trên dưới 80.000 m3/năm), còn có các loại lâm sản qúy như trầm, quế, sâm, trẩu, song mây,…

c. Tài nguyên thủy sản

Quảng Nam có bờ biển dài trên 125 km và thềm lục địa rộng lớn, có nguồn hải sản phong phú thuộc vùng biển Nam Trung Bộ. Theo Viện Quy hoạch thuỷ sản thì vùng biển Nam Trung Bộ có trữ lượng cá trên 42 vạn tấn, khả năng đánh bắt hàng năm trên 20 vạn tấn, trữ lượng mực khoảng 7.000 tấn, tôm biển khoảng 4.000 tấn. Qua đó có thể thấy Quảng Nam có điều kiện để phát triển ngành đánh bắt xa bờ, cũng như

khai thác tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng ven sông, ven biển và ở đảo Cù Lao Chàm.

d. Tài nguyên khoáng sản

Theo đánh giá chung thì nguồn tài nguyên khoáng sản của Quảng Nam là một tiềm năng đang được khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh với nhiều loại đa dạng và phong phú. Trong đó đáng kể là: Than đá ở Nông Sơn trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, đã và đang khai thác với sản lượng năm cao nhất đạt khoảng 5 vạn tấn/năm; Cát trắng công nghiệp là khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bố chủ yếu ở khu vực các huỵên Thăng Bình, Núi Thành; Trên địa bàn Quảng Nam đã thăm dò được 18 mỏ nước khoáng và nước ngọt có chất lượng tốt. Các loại khoáng sản như khí mê tan, uranium, nguyên liệu làm xi măng (đá vôi) được đánh giá là giàu nhất trong các tỉnh phía Nam. Ngoài ra các khoáng sản khác như đá granít, đất sét, cát sợi titan, thiếc, cao lanh, mi ca và các loại nguyên liệu cung cấp cho xây dựng, sành sứ, thuỷ tinh,... được phân bố tại nhiều nơi trong tỉnh.

e. Tài nguyên du lịch biển

Có biển và trên 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm sạch đẹp ở khu vực Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ,... Ngoài ra còn có 15 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, 10 hồ nước (với 6.000 ha mặt nước, khoảng 110.00 ha rừng xung quanh khu vực hồ và 40 đảo trong các hồ) là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch Quảng Nam. Môi trường không bị ô nhiễm, độ dốc ít, cát mịn và độ mặn vừa phải, nước biển xanh và đặc biệt khí hậu biển rất lý tưởng cho phát triển các loại hình du lịch nghỉ biển và nghỉ cuối tuần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) thích hợp trồng trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế và quảng nam (Trang 25 - 29)