Điều kiện kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) thích hợp trồng trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế và quảng nam (Trang 29 - 32)

3.1.2.1. Dân số và nguồn nhân lực

Tính đến năm 2012, dân số của tỉnh Quảng Nam là 1450.1 người, với mật độ dân số trung bình là 139 người/km2. Với 81,4% dân số sinh sống ở nông thôn, Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước.

Quảng Nam có lực lượng lao động dồi dào, với trên 887.000 người (chiếm 62% dân số toàn tỉnh), trong đó lao động ngành nông nghiệp chiếm 61,57%, ngành công nghiệp và xây dựng là 16,48% và ngành dịch vụ là 21,95%. Chất lượng nguồn lao động đang được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 30% tổng số lao động, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là gần 18.000 người.

Là một tỉnh với quy mô dân số trung bình, nhưng cơ cấu dân số trẻ và đa phần trong độ tuổi lao động sẽ đặt ra nhu cầu lớn về tiêu dùng và hưởng thụ văn hoá, nhất là các hoạt động văn hoá công cộng, các loại hình văn hoá, nghệ thuật mới, các hoạt động thể thao. Giai đoạn 2000-2013, dân số đô thị của tỉnh tăng chậm. Việc hình thành

các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế mở Chu Lai cùng với quá trình phát triển kinh tế nhằm đưa tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với lực lượng lao động dồi dào sẽ làm tăng mức độ di động dân số trong nội tỉnh cũng như ngoại tỉnh. Quá trình di động dân số (nội tỉnh và ngoại tỉnh) sẽ làm tăng mức độ giao thoa văn hóa.

3.1.2.2. Cơ sở hạ tầng

Giao thông: Quảng Nam ở vào vị trí trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không, có đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14D, 14B, 14E nối đồng bằng ven biển qua các huyện trung du miền núi của tỉnh đến biên giới Việt - Lào và các tỉnh Tây Nguyên. Trong tương lai gần sẽ nối với hệ thống đường xuyên Á tạo vị trí thuận lợi cho tỉnh về giao lưu kinh tế với bên ngoài.

Thủy lợi: Hiện tại tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được trên 143 công trình thuỷ lợi các loại. Trong đó có 30 hồ chứa nước, 28 đập dâng, 20 trạm bơm, 2 công trình thuỷ điện kết hợp tưới và 28 công trình đê ngăn mặn. Các công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho khoảng 49.105 ha diện tích đất canh tác.

Điện năng: Đến năm 2010, tỷ lệ các xã có điện đạt khoảng 96,27%, các thôn có lưới điện quốc gia đạt 93% và 95% số hộ nông thôn sử dụng điện. Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng thủy điện lớn nhất khu vực miền Trung của Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 - 2015, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ rừng thông qua thu phí dịch vụ môi trường của các nhà máy thủy điện là 50 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 65 tỷ đồng/năm và sau năm 2020 là 80 tỷ đồng/năm. Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn với phần lớn lưu vực nằm trong địa giới tỉnh được đánh giá là có tiềm năng thủy điện nằm trong tốp 10 của cả nước đang được đầu tư khai thác.

3.1.2.3. Văn hoá - xã hội

Y tế: Có thể nói mạng lưới y tế của tỉnh phát triển mạnh qua từng năm, biểu hiện ở sự gia tăng về số cơ sở y tế, số giường bệnh, đội ngũ cán bộ y tế ngành y, ngành dược cũng được tăng cường. Nhờ đó mà tình hình chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện đáng kể.

Giáo dục: Hệ thống giáo dục của tỉnh đã có sự khởi sắc nhất định. Tỉnh Quảng Nam có nhiều trường đại học và cao đẳng như: Đại học Quảng Nam, Đại học dân lập Phan Chu Trinh, Trường CĐ Y tế Quảng Nam, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Quảng Nam,…đóng góp rất lớn vào việc phát triển nguồn chất xám để phát triển kinh tế xã hội nơi đây.

Lễ hội: Tại đây có rất nhiều lễ hội thu hút khách du lịch ở trong và ngoài nước như: Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian của cư dân ven sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam với mục đích cầu nguyện một năm mới đất trời thuận hòa, người dân ấm

no hạnh phúc); Lễ hội Bà Chiêm Sơn là lễ hội của cư dân làm nghề nuôi tằm dệt vải của xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên với mục đích bày tỏ niềm tôn kính với người đã khai sinh ra nghề ươm tằm dệt lụa cho địa phương; Carneval Hội An là lễ hội đường phố được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hội An vào Giao thừa năm 2009 (dương lịch). Lễ hội mô phỏng theo các lễ hội Carneval đường phố vốn rất nổi tiếng tại các nước Châu Âu và Mỹ Latin,…

Văn hóa, thông tin: Tỉnh đã có nhà văn hóa thông tin tỉnh và hầu hết các huyện, thành phố có thư viện. Hệ thống thông tin liên lạc của các huyện tương đối hoàn thiện, ngoài hệ thống Bưu điện trung tâm huyện, các xã đều có điểm bưu điện văn hoá đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt.

Nhận xét: Quảng Nam ở vào vị trí trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường sắt, đường bộ và đường biển và đường hàng không, có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14D, 14B, 14E nối đồng bằng ven biển qua các huyện trung du miền núi của tỉnh đến biên giới Việt - Lào và các tỉnh Tây Nguyên; trong tương lai gần sẽ nối với hệ thống đường xuyên Á tạo vị trí thuận lợi cho tỉnh về giao lưu kinh tế với bên ngoài. Hơn thế nữa, Quảng Nam nằm giữa thành phố Đà Nẵng (Trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Trung) và khu vực phát triển công nghiệp dịch vụ Chu Lai Dung Quất, đây là một khu vực đang được hình thành và phát triển ở phía Nam. Cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, cùng với diện tích mặt bằng đất cát ven biển rộng, gần hệ thống lưới điện quốc gia, gần trục giao thông đường bộ, đường sắt, tạo thuận lợi cho việc hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch, các đô thị mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) thích hợp trồng trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế và quảng nam (Trang 29 - 32)