Một số mô hình trồng rừng trên vùng đất cát tỉnh Quảng Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) thích hợp trồng trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế và quảng nam (Trang 34)

Mô hình trồng rừng Phi lao

Mô hình này được xây dựng thành dải lớn, tập trung sát và dọc theo bờ biển để phòng hộ chắn gió, bão và cát bay, đặc biệt là trên những vùng đất cát di động. Được triển khai tại tỉnh Quảng Nam từ những năm 80, đây là mô hình trồng theo dự án PAM, chương trình 327 và gần đây nhất là dự án PACSA, được trồng bằng loài cây trồng Phi lao Trung Quốc và Phi lao địa phương, với mật độ trồng là 2.500 cây/ha.

Mô hình trồng rừng Keo

Đây là mô hình trồng thực nghiệm do Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp thực hiện và các hộ gia đình tổ chức trồng trên các dải cát ven biển gần nhà tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành và Thành phố Tam Kỳ. Mật độ trồng 2.500 cây/ha. Kết quả đều không thành công, tỷ lệ cây sống thấp và khả năng sinh trưởng phát triển kém.

Mô hình nông lâm kết hợp

Mô hình nông lâm kết hợp trên vùng đất cát ven biển thực hiện theo chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, vừa cải thiện điều kiện sinh thái, vừa đảm bảo tăng năng suất cây trồng, cải thiện đời sống người dân. Các thành phần trong mô hình bao gồm cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng. Cây lâm nghiệp như Phi lao và Keo lá tràm (trồng với mục đích phòng hộ môi trường, cải tạo điều kiện tiểu khí hậu và đất đai, giúp cây nông nghiệp và ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt hơn); Cây nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc; Cây ăn quả như táo, chanh,...

Diện tích, loài cây đã được gây trồng

Trong các năm từ 2000 đến 2013, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án trồng rừng trên đất cát. Trong đó trồng mới (DA PACSA) 1.854,54 ha (Tam Kỳ 413,61 ha; Núi Thành 327,16 ha; Thăng Bình 1.113,77 ha). Năm 2010, chuyển giao cho DA 661 trồng mới 101 ha (Tam Kỳ 45 ha; Thăng Bình 56 ha). Tuy nhiên, qua quá trình triển khai chỉ có một số diện tích rừng trồng Keo là thành rừng, còn lại các loài cây khác như Phi lao, Keo lá tràm đều sinh trưởng kém và không thành rừng. Theo khảo sát thực tế, những người dân địa phương trong vùng DA xã Tam Thăng và Tam Phú khẳng định, chỉ có cây KLL mới thực sự thích nghi và phát triển tốt trên đất cát của xã và có hiệu quả về kinh tế môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) thích hợp trồng trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế và quảng nam (Trang 34)