Khái quát chính sách cho thuê đất của Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả sử dụng đất của các doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất trên địa bàn thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên giai đoạn 2014 2019 (Trang 31 - 33)

3. Ý nghĩa của đề tài

1.3.4. Khái quát chính sách cho thuê đất của Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53, Hiến pháp, 2013). Đây là cơ sở pháp lý cao nhất xác định rõ Nhà nước ta là đại diện chủ sở hữu đối với toàn bộ quỹ đất quốc gia. Nhà nước thực hiện các quyền của người sở hữu như sau: Quyền sở hữu đất đai là quyền của Nhà nước được phép thực hiện 3 quyền năng cụ thể của chủ sở hữu, đó là: chiếm hữu đất đai, sử dụng đất đai và định đoạt đất đai.

Theo Điều 21, Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, như sau:

- Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước.

- Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.

- Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này.

- Quyền định đoạt đối với đất đai: quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử

dụng đất; quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người sử dụng đất, thu hồi đất; định giá đất.

- Quyền chiếm hữu đất đai: Nắm giữ toàn bộ quỹ đất đai trong phạm vi cả nước, với tu cách là chủ sở hữu, Nhà nước ta thực hiện quyền chiếm hữu của mình bằng cách thông qua các biện pháp pháp lí cũng như các biện pháp kĩ thuật để nắm được tình hình đất đai, nắm được hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương. Thông qua các số liệu địa chính Nhà nước nắm được số lượng đất, chất lượng đất, sự kết cấu và phân bố đất đai trong tùng miền khác nhau. Thông qua các số liệu thu được từ hoạt động thống kê, kiểm kê đấ đai Nhà nước nắm được sự biến động đất trong từng thời kì. Quyền chiếm hữu đất đai của Nhà nước là hiển nhiên, là vĩnh viễn, là trọn vẹn.

- Quyền sử dụng đất đai: Quyền của chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ đất đai. Người không phải là chủ sở hữu đất đai cũng có quyền sử dụng đất đai trong các trường hợp được chủ sở hữu đất đai chuyển giao quyền sử dụng hoặc do pháp luật quy định. Đây là quyền khai thác những thuộc tính có ích từ đất để phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Nhà nước không trực tiếp sử dụng đất mà giao một phần đất đai của mình cho các tổ chức, cá nhân sử dụng.

- Quyền quản lý đất đai: Tổng hợp các hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu của Nhà nước đối với đất đai, đó là các hoạt động trong việc nắm chắc tình hình đất đai; trong việc phân phối và phân phối lại quĩ đất đai theo quy hoạch; trong việc điều tiết các nguồn lợi từ đất đai; trong việc kiểm tra giám sát quá trình quản lý và sử dụng đất đai.

- Chế độ sử dụng đất đai: với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước quy định chế độ sử dụng đất đai như sau:

+ Nhà nước giao quyền sử dụng đất như một tài sản cho người sử dụng đất trong hạn mức phù hợp với mục đích sử dụng và Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với người sử dụng đất hợp pháp.

+ Người sử dụng đất được Nhà nước cho phép thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn, tặng cho đối với một số chế độ sử dụng đất cụ thể và trong thời hạn sử dụng đất.

+ Nhà nước thiết lập hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai thống nhất trong cả nước. Mô hình này tạo được ổn định xã hội, xác lập được tính công bằng trong hưởng dụng đất và bảo đảm được nguồn lực đất đai cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, theo quy định trên, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước với tư cách đại diện chủ sỡ hữu và thống nhất quản lý sẽ trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể sử dụng đất (người sử dụng đất) dưới các hình thức Nhà nước cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013.

Theo quy định hiện nay, thẩm quyền cho thuê đất cho các tổ chức kinh tế sử dụng đất đều thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả sử dụng đất của các doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất trên địa bàn thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên giai đoạn 2014 2019 (Trang 31 - 33)