3. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn
3.3.2. Mô tả các loại hình sử dụng đất
* Loại hình sử dụng đất lúa hai vụ:
Loại hình sử dụng đất này chủ yếu được trồng phổ biến trên địa hình vùng thấp, bằng phẳng có khả năng tưới tiêu tốt, có truyền thống và tồn tại từ lâu, được nhiều người dân chấp nhận. Giống lúa chủ yếu được người dân áp dụng là giống thuần, gạo dẻo thơm ngon, cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh Quảng Ngãi. Với kiểu sử dụng đất là: Lúa Đông Xuân - Lúa Hè Thu.
- Lúa Đông Xuân: Được tiến hành từ tháng 11 (dương lịch) đến tháng 4, đây là vụ chính trong năm. Đầu và giữa vụ thường gặp rét, cuối vụ nóng và bắt đầu có mưa nên phải chọn giống có khă năng chịu rét tốt.
- Lúa Hè Thu: Được tiến hành từ đầu tháng 5 (dương lịch) đến hết tháng 9, vụ này được người dân gieo trồng chỉ khoảng 60% diện tích, do thời tiết không thuận lợi, những nơi không chủ động được nước tưới nên thường bị bỏ hoang.
* Loại hình sử dụng đất lúa rẫy - ngô:
Đây là loại hình được người dân luân canh giữa cây lúa rẫy và cây ngô. Người dân trồng lúa rẫy với cây ngô trên cùng một thửa đất cùng một thời điểm và cùng thời gian. Tuy nhiên do thời gian sinh trưởng của lúa rẫy dài hơn nên thường thu hoạch ngô trước, lúa rẫy thường thu vào đầu tháng 11. Loại hình này thường được áp dụng ở vùng đồi núi cao, khả năng tưới phụ thuộc vào nước trời là chính, sử dụng giống lúa địa phương với ưu điểm là chịu hạn tốt, thân cứng.
* Loại hình sử dụng đất lúa sắn:
- Sắn là loại cây trồng có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Củ sắn dùng để chế biến biến tinh bột, sắn lát khô, bột sắn nghiền hoặc để ăn tươi. Do đó, thuận lợi cho người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, sắn còn cung cấp nguyên liệu chính để làm thức ăn gia súc, cũng là nguyên liệu chính tạo ra sản phẩm rượu Cần nổi tiếng của địa phương của người đồng bào Hrê.
- Sắn là loại cây dễ trồng, hợp nhiều loại đất, vốn đầu tư thấp, phù hợp khả năng kinh tế với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đất đai rộng nhưng nghèo dinh dưỡng. Sắn được bà con thích trồng là vì: Có khả năng sử dụng tốt các nguồn đất nghèo chất dinh dưỡng, cho năng suất ổn định, chi phí đầu tư thấp, sử dụng ít nhân công, thời gian thu hoạch kéo dài. Tuy nhiên, việc trồng sắn của người dân trên địa bàn chủ yếu là trồng tự phát trên vùng đất có địa hình cao, nhưng chưa có biện pháp bảo vệ đất, nên làm mất đất, xấu đất.
Thời gian từ khi trồng đến khu thu hoạch khoảng 12 tháng, thường trồng vào tháng 03 năm trước và tháng 03 năm sau mới thu hoạch. Loại hình trồng sắn chủ yếu luân canh với trồng Keo hoặc trồng riêng 1 vụ rồi bỏ hoang đến tháng 8 là trồng cây Keo.
* Loại hình sử dụng đất trồng cây lâu năm:
Cây lâm nghiệp được trồng chủ yếu là cây Keo; Cây Keo đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Ba Tơ. Đất trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện có trên 98% diện tích là trồng cây Keo. Đây là cây sinh trưởng nhanh, ít tốn công chăm sóc, nó rất phù hợp với tất cả các loại đất trên bàn huyện, từ đồi núi thấp đến đồi núi cao. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi hiểm trở, khó khăn trong công tác khai thác và vận chuyển gỗ, vì vậy đối với những rừng cây phát triển đạt chuẩn cũng chỉ được mua với mức giá 20 - 25 triệu đồng/ha, thấp hơn các huyện khác trong tỉnh.