Điều kiện kinh tế xã hội tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai tại huyện tư nghĩa, tỉnh quảng ngãi (Trang 42 - 43)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi

3.1.2.1. Khái quát thực trạng phát triển kinh tế

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn; thời tiết không thuận lợi; sâu bệnh, dịch bệnh phát sinh bất thường; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà, nên kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển và chuyển biến tích cực, quốc phòng – an ninh được bảo đảm, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Nền kinh tế của huyện trong 5 năm qua tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm 2011 – 2015 tăng 17,1%, vượt 1,1% so với kế hoạch đề ra. Trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 22,6%; thương mại – dịch vụ tăng 17,4%; nông – lâm – thủy sản tăng 8,7%.

3.1.2.2. Tình hình dân số, lao động, việc làm và an sinh xã hội

Dân số huyện Tư Nghĩa năm 2015 là 129.946 người. Dân cư phân bố theo lãnh thổ không đồng đều, mật độ dân số bình quân toàn huyện là 629,9 người/km2, đa số tập trung ở vùng đồng bằng.

Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đối tượng người có công với cách mạng, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách kịp thời, đúng chế độ; đã huy động, tiếp nhận các nguồn vốn để xây dựng 622 nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng. Xây dựng và đưa vào sử dụng 804/1.273 nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động thực hiện đạt chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó xuất khẩu lao động 571 người.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp quan tâm; đã phối hợp với các trung tâm của tỉnh đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm gần 40%.

Công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa có tính bền vững, số hộ có khả năng tái nghèo còn ở mức cao. Số hộ nghèo từ 5.100 hộ năm 2010 giảm còn 1.325 hộ năm 2015, bình quân hàng năm giảm 755 hộ; tỷ lệ hộ nghèo từ 12% năm 2010 giảm còn 3,8% vào năm 2015.

3.1.2.3. Cơ sở hạ tầng

Giao thông: Hệ thống giao thông của huyện những năm qua được củng cố, nâng cấp và nhựa hóa với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

a) Đường sắt: Trên địa bàn huyện có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua các xã Nghĩa Điền, Nghĩa Trung, Nghĩa Phương, Nghĩa Mỹ với tổng chiều dài trên 10 km.

b) Đường bộ: Mạng lưới giao thông đường bộ của huyện Tư Nghĩa khá hoàn thiện, đường ô tô đã đến được tất cả các xã.

- Huyện Tư Nghĩa có QL1 và 03 tuyến đường tỉnh chạy qua.

Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Tư Nghĩa đi qua 04 xã, thị trấn là La Hà, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương và Sông Vệ với chiều dài tuyến là 7,41 Km. Tuyến đang được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng với nền đường rộng 23m, mặt đường rộng 20m. Trong đó, đoạn qua đô thị Thị trấn La Hà và Sông Vệ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với tổng chiều dài 3,81 Km;

- Đường tỉnh qua địa bàn huyện Tư Nghĩa gồm các tuyến ĐT623B, ĐT624 và ĐT628 với tổng chiều dài đi qua địa phận của huyện là 24,32 Km. Ba tuyến đường tỉnh này đóng vai trò giao thông đối ngoại của huyện, nối huyện Tư Nghĩa với Thành phố Quảng Ngãi và các huyện lân cận.

- Đường huyện Tư Nghĩa gồm 20 tuyến với tổng chiều dài là 100,91 km, trong đó láng nhựa và bê tông hóa được 87,61 Km, còn lại 13,3 Km là đường đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai tại huyện tư nghĩa, tỉnh quảng ngãi (Trang 42 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)